Lương ngân hàng: Khoảng 20 triệu đồng/tháng
Năm 2011, nhân viên Vietcombank có mức thu nhập bình quân 22,4 triệu đồng, hiện đang tạm dẫn đầu trong ngành ngân hàng.
Cao hơn gần 3 triệu đồng so với năm 2010, lương bình quân của cán bộ, nhân viên Ngân hàng công thương Việt Nam (Vietinbank) năm 2011 đạt 20,27 triệu đồng một tháng. Riêng thu nhập trung bình là 20,76 triệu đồng.
Số liệu nói trên được công bố trong báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV năm 2011 của Vietinbank. So với năm 2010, khi thu nhập bình quân đạt 18,52 triệu đồng và lương là 17,9 triệu đồng, năm 2011, nhân viên Vietinbank được hưởng lương cao hơn khoảng gần 3 triệu đồng.
Năm 2011, nhân viên Vietcombank có mức thu nhập bình quân 22,4 triệu đồng, hiện đang tạm dẫn đầu trong ngành ngân hàng (Ảnh minh họa). |
Theo báo cáo tài chính 2011 chưa kiểm toán của ngân hàng mẹ Sacombank, mặc dù chưa đưa ra con số thu nhập bình quân nhưng tạm chia 1.690 tỷ đồng quỹ lương cho 9.600 người của Sacombank, sẽ được con số 176 triệu đồng/năm (khoảng 14,7 triệu đồng/người/tháng). Năm 2009 và 2010, thu nhập bình quân của nhân viên Sacombank lần lượt là 9,4 triệu và 8,6 triệu đồng/người/tháng.
Dữ liệu dựa trên số tiền chi trả và tổng số nhân viên một số ngân hàng cho thấy, năm 2011, thu nhập của cán bộ, nhân viên ACB bình quân khoảng 16 triệu đồng, Eximbank 7 - 8 triệu đồng...
Các ngân hàng khác có mức thu nhập trên 10 triệu đồng/người/tháng là Ngân hàng Bảo Việt (12,9 triệu), BIDV (11,8 triệu), Eximbank (10,6 triệu) và SHB (10,3 triệu). ACB - ngân hàng lớn nhất trong số các ngân hàng tư nhân - có mức thu nhập 9,9 triệu đồng, giảm 3,3% so với năm 2009.
Những ngân hàng có mức thu nhập thấp nhất đều là những ngân hàng nhỏ như Phương Tây (5,7 triệu), Phương Đông (6,3 triệu), HDBank (6,4 triệu)…
Tiếp viên hàng không: Không có thời gian để tiêu tiền?!
Với thu nhập bình quân 20-30 triệu/tháng, chưa kể những khoản lợi nhuận sản sinh từ việc buôn bán hợp pháp như được mang hàng hóa xách tay theo đúng quy định của hãng, mỗi tiếp viên thường có khoản “tiết kiệm” tương đối lớn.
Tờ VNN dẫn lời của một nữ tiếp viên hàng không tên Thanh, sinh năm 1983, ngụ tại TP.HCM, bạn này tâm sự: “Mọi người cứ xuýt xoa ôi sao thu nhập của tiếp viên hàng không cao thế, tới vài chục triệu đồng/tháng. So với mặt bằng chung, thu nhập như thế là khá thật nhưng có ai biết các nguy cơ hiểm nghèo mà chúng em gặp phải đâu. Để được hưởng một mức thu nhập như thế chúng em phải trả giá rất đắt”.
Với thu nhập bình quân 20-30 triệu/tháng, chưa kể những khoản lợi nhuận sản sinh từ việc buôn bán hợp pháp như được mang hàng hóa xách tay theo đúng quy định của hãng, mỗi tiếp viên thường có khoản “dư dả” tương đối lớn. (Ảnh minh họa) |
Thanh giải thích rõ hơn những rủi ro trong nghề của mình. Cô cho biết nếu chẳng may bị té ngã trên máy bay do đi không vững sẽ vô cùng rắc rối. Đôi khi ở dưới mặt đất đó chỉ là một chấn thương nhỏ, nhưng ở trên không máu loãng, rất khó cầm, có khi máu chỉ ngưng chảy cho tới khi máy bay tiếp đất.
Bên cạnh tình trạng “điếc tạm thời” do môi trường loãng trên cao, sự thiệt thòi nhất của các nữ tiếp viên hàng không lại chính là việc không có thời gian để tiêu xài tiền.
Theo tiết lộ của các tiếp viên hàng không: Trung bình khi bay tuyến nội địa, mỗi tiếp viên hàng không cất cánh – hạ cánh 8 lần (4 chuyến)/ngày.
Khoảng cách giữa mỗi lần được nghỉ không nhiều. Có nhiều người chỉ kịp vào khu nghỉ để ngả lưng, nghỉ ngơi chưa lại sức thì đã phải tất bật chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo. Trên máy bay, sau khi phục vụ khách, tiếp viên có thể thay nhau nghỉ ngơi nhưng không ai có thể “lại sức” trong trạng thái máy bay trên không như vậy.
Lương cán bộ văn phòng EVN gần 30 triệu/tháng
Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, thu nhập bình quân của cán bộ toàn công ty mẹ EVN trong năm 2010 là 13,7 triệu đồng/tháng. Trong đó, thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng. Còn khối phân phối điện, thu nhập bình quân mỗi tháng vào khoảng 7,9 triệu đồng.
Thu nhập bình quân cơ quan văn phòng thuộc tập đoàn còn cao gấp hơn 2 lần thu nhập bình quân chung của công ty mẹ.
Nhiều tranh cãi xung quanh việc trả lương cho nhân viên của EVN. (Ảnh minh họa) |
Trước đó, tại cuộc họp chiều 19/11/2011 do Bộ Công Thương tổ chức về công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010 của EVN, ông Phạm Lê Thanh - TGĐ Tập đoàn EVN cho biết, mức lương bình quân của EVN năm 2009 là 7,3 triệu đồng/tháng, lương lãnh đạo có thể cao hơn.
Ông Thanh phát biểu: "Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì có thể được, còn ở thành thị thì không thể sống được. Là Tổng Giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó". Tuyên bố của ông Thanh đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ trong dư luận vì hiện nay nhiều ngành, nghề lĩnh vực, người lao động chỉ nhận một mức lương 2-3 triệu đồng mỗi tháng.
Cũng trong chiều 19/1, trả lời báo giới, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết: Sở dĩ lương của người lao động EVN cao là do người lao động có trình độ chuyên môn cao với khoảng 40% người lao động có trình độ Đại học trở lên.
Trong khi, VNE đưa tin: theo thống kê của Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội, tiền lương của người lao động trong năm 2009 ước đạt 2,84 triệu đồng/tháng. Trong đó, các doanh nghiệp Nhà nước ước đạt 3,35 triệu đồng, Tổng công ty hạng đặc biệt và công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế Nhà nước đạt 5,9 triệu đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 2,65 triệu đồng, doanh nghiệp dân doanh đạt 2,05 triệu đồng. Như vậy, mức lương trung bình là 7,3 triệu đồng của cán bộ, công nhận viên EVN còn cao hơn cả các doanh nghiệp có mức lương trung bình đầu bảng.
Thu nhập nhân viên dầu khí gấp đôi đại gia điện lực
Tại hội nghị của ngành công thương triển khai nhiệm vụ năm 2012, lần đầu tiên Bộ Công thương đã công bố doanh thu và lương của 17 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn thuộc bộ quản lý năm 2010 và 2011.
Theo đó, lương trung bình của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) năm 2011 cao nhất, lên tới 16,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,5% so với năm 2010.
Tập đoàn Dầu khí có thu nhập cao nhất trong số các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. |
Năm 2011, Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản (TKV) đạt mức lương bình quân 7,7 triệu đồng/người/tháng. Thấp nhất là Tập đoàn Dệt may và Tổng công ty Xây dựng công nghiệp với lương trung bình chỉ 3,9 triệu đồng/người/tháng.
Các tổng công ty còn lại trong khối sản xuất có mức lương dưới 6 triệu đồng/tháng chủ yếu thuộc về lĩnh vực cơ khí, nhựa, giấy.
Tổng kết báo cáo của 17 tổng công ty, tập đoàn, công ty trực thuộc, Bộ Công thương cho biết lương trung bình năm 2011 của khối doanh nghiệp nhà nước này đạt 6,7 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với năm 2010 là 6,1 triệu đồng/người/tháng.
Hà Nhi (Tổng hợp)