Nghèo nhưng nghị lực và tự trọng.
Câu chuyện của Diane Trần gây xúc động và nhận được sự cảm phục của nhiều người |
Người đầu tiên nên được nhắc đến là Diane Trần – cô gái bị bỏ tù vì nghỉ học quá quy định đã gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Theo thông tin từ báo giới, Diane đã bị xử tù 1 ngày, đóng phạt 100 USD vì đã bỏ học 18 ngày. Bản án này đã làm dấy lên một làn sóng phản đối từ dư luận do hoàn cảnh của cô nữ sinh này rất đáng thông cảm.
Cha mẹ ly dị để lại 3 anh em. Diane Trần phải vừa học vừa làm một lúc 2 công việc để kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình. Có những đêm cô phải thức đến 7h sáng để làm bài tập. Công việc quá vất vả khiến Diane thường xuyên đi học muộn, nghỉ học.
Tuy vậy, cô nữ sinh 17 tuổi vẫn đạt được những thành tích đáng nể trong học tập (đạt điểm A cho 3 lớp AP – lớp trình độ cao) và nhiều khả năng sẽ tốt nghiệp phổ thông gần đứng đầu lớp.
Sau vụ việc, một tổ chức gây quỹ đã quyên góp được 100.000 USD để giúp đỡ Diane Trần, tuy nhiên cô gái đã từ chối với lý do “còn nhiều trẻ em khó khăn hơn tôi”. Câu chuyện về cô gái gốc Việt chăm chỉ, nghị lực và đầy tự trọng đã khiến rất nhiều người cảm động và khâm phục. Nhiều người cho rằng một tấm gương như vậy lẽ ra cần ca ngợi và vinh danh thay vì bị phạt và bỏ tù.
Cô gái chính trị.
Cô gái khiến Tổng thống Mỹ phải kí một điều luật mới về an toàn xe buýt |
Một cô gái gốc Việt khác đã khiến Tổng thống Mỹ Obama phải kí một luật mới yêu cầu thắt dây an toàn trên xe buýt. Đó là Lê Yến Chi.
Yến Chi đã mất gần 4 năm và 20 chuyến đi về để đấu tranh cho điều luật này sau khi mẹ cô qua đời trong một tai nạn xe buýt ở Sherman Texas năm 2008. 16 người khác trên xe thiệt mạng và 10 người bị thương trong vụ tai nạn – đó cũng chính là động lực giúp cô gái gốc Việt quyết tâm vận động thành công điều luật.
Trước đó, Thượng viện đã thông qua luật bắt buộc thắt dây an toàn trên xe buýt nhưng Hạ viện chưa đồng ý. Mới đây, cả hai viện đã nhất trí thông qua và Tổng thống Obama đã kí thành luật vào hôm 10/7. Bộ luật có tên Motorcoach Safety Act.
Được Tổng thống vinh danh.
Chàng trai gốc Việt hiếm hoi được vinh danh vì những đóng góp hữu ích cho nước Mỹ |
Một trong 5 nhà lãnh đạo trẻ được công nhận là Champions of Change (Nhà vô địch vì sự thay đổi) là một cựu sinh viên gốc Việt tới từ ĐH California-Los Angeles. Đây là một giải thưởng dành cho những nhà lãnh đạo xuất sắc trong trường đại học.
Vượt qua rất nhiều đối thủ, Thạch Tak Nguyễn đã lọt vào vòng chung kết và được công chúng bình chọn là một trong 5 dự án thể hiện tốt nhất mục tiêu chiến thắng tương lai của Tổng thống Obama.
Dự án mang tên “Swipes for the Homeless” của Thạch Tak Nguyễn được thành lập nhằm giúp đỡ cộng đồng vô gia cư, đặc biệt là những sinh viên vô gia cư bằng việc cung cấp những bữa ăn miễn phí cho họ. Hiện tại, chương trình này đã được nhân rộng tới nhiều trường đại học ở Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác.
“Người trẻ luôn là những người tiên phong của phong trào thay đổi. Tôi rất tự hào về những sinh viên này và trường đại học của họ với những công việc sáng tạo để giúp cộng đồng người Mỹ trở nên tốt đẹp hơn” – Tổng thống Obama phát biểu khi vinh danh những người trẻ giành được giải thưởng này.
Cô gái viết văn.
Cô gái viết văn liên tục giành giải tại Séc |
Nguyễn Thùy Linh là một cô gái Việt Nam hiện đang sinh sống tại Cộng hòa Séc và năm 2012 là năm thứ 2 liên tiếp cô gái này giành giải nhất trong cuộc thi văn học Filip Venclík.
Sinh ra và lớn lên ở Séc, cô gái 18 tuổi này hiện đang học trường Gymnázium Ostrov. Viết văn bằng tiếng Séc nhưng lại mới bắt đầu học tiếng Việt, Linh cho rằng “tiếng Việt khó hơn tiếng Séc” và cô chỉ sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp với bố mẹ.
Cô gái có khuôn mặt đậm chất Á Đông này chia sẻ rằng cô thấy xấu hổ khi giỏi tiếng Séc hơn tiếng Việt, vì thế cô quyết định học tiếng mẹ đẻ. “"Tiếng Việt có nhiều dấu ngã, sắc, chấm và sự kết hợp giữa chúng. Chỉ cần thay đổi âm ngữ là có từ khác ngay, kể cả từ bậy bạ. Một lần tôi đã nhầm như vậy" – Thùy Linh vui vẻ chia sẻ.
Với những tác phẩm văn học bằng tiếng Séc, Thùy Linh cho biết cô chỉ viết chúng vào phút chót, chỉ vài tiếng trước khi gửi đi – một thói quen rất thú vị của cô gái tài năng gốc Việt.
Chủ nhân của kiến thức.
Chiến thắng trong một cuộc thi kiến thức nổi tiếng trên truyền hình, Kim Ngân nhận được số tiền thưởng 100.000 USD |
Là người gốc Châu Á đầu tiên, cũng là thí sinh trẻ tuổi nhất cuộc thi kiến thức nổi tiếng trên truyền hình Mỹ Jeopardy, Thiều Kim Ngân đã giành ngôi vô địch với phần thưởng trị giá lên tới 100.000 USD.
Kim Ngân đã đánh bại 2 đối thủ khác khi trả lời chính xác câu hỏi “Liệt kê theo thứ tự ABC tên 14 nước có đường biên giới chung với Trung Quốc”.
Hiện đang theo học tại Học viện Toán và Khoa học Texas, cô gái trẻ tâm sự rất vui khi có một số tiền lớn để chi trả học phí đại học. Kim Ngân cho biết cô tự tin vào khả năng của mình khi đăng kí tham gia chương trình, nhưng không nghĩ rằng mình có thể chiến thắng.
Được biết, Jeopardy là một cuộc thi kiến thức trên truyền hình Mỹ, bắt đầu phát sóng từ năm 1989 và rất được yêu thích. Người tham gia cuộc thi này sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi ở các lĩnh vực khác nhau như lịch sử, văn học, nghệ thuật…
Theo Vietnamnet