Mỗi đất nước, mỗi quốc gia, và mỗi dân tộc đều có văn hóa riêng, nhưng đều giống nhau ở một điểm là coi trọng các giá trị của niềm tin.
Nếu con người không có niềm tin, họ sẽ luôn đố kỵ và không bao giờ có thể xích lại gần nhau.
Nếu mỗi quốc gia mà không có niềm tin vào nhau, sự thù hằn âm ỉ sẽ kéo dài vĩnh viễn.
Và trong một xã hội còn nhiều dối trá, nhiều thị phi thì niềm tin càng trở thành một món đồ xa xỉ mà ai cũng muốn kiếm tìm.
Rất nhiều doanh nhân khởi nghiệp từ khi vốn liếng chẳng được là bao. Rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp thành danh, đi lên bắt đầu từ con số 0 tròn chĩnh.
Dù có nhiều cách để vượt qua khó khăn, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì niềm tin là giá trị cốt lõi, là thứ không bao giờ được phép xứt mẻ với mỗi doanh nhân, doanh nghiệp.
Nếu có thì đó là một "tai nạn" chứ không hề có chủ ý. Và người tiêu dùng rất tinh ý để nhận ra điều này.
Pepsico Việt Nam đã hơn một lần xử sự bất thường và luôn lảng tránh khi đề cập tới chất lượng sản phẩm. ảnh: vietq. |
Những năm qua, pepsico Việt Nam đã kiếm được cả núi tiền nhờ bán thứ nước uống có ga... dù rằng đã có rất nhiều tranh cãi về chuyện thứ nước uống này có gây hại cho sức khỏe của con người hay không?
Nhưng điều đáng tiếc là khi đã trở thành một thương hiệu lớn, có doanh số cao ngất ngưởng, Pepsico Việt Nam dường như không còn coi trọng giá trị niềm tin với người tiêu dùng nữa, khi chính họ đã tạo ra hàng tá sự nghi ngờ về chất lượng sản phẩm.
Vì lý do gì mà Trà Ô Long TEA+ Plus của PepsiCo Việt Nam được quảng cáo sản xuất trên dây chuyền hiện đại của Nhật Bản, chất lượng Nhật Bản, nhưng nguyên liệu từ... Trung Quốc?
Thực ra, nguyên liệu dù có nhập từ Trung Quốc hay từ một quốc gia nào khác mà đảm bảo được tiêu chí chất lượng của Nhật Bản thì cũng là chuyện hoàn toàn bình thường.
Nhưng cái mà người tiêu dùng cảm thấy không được tôn trọng là Pepsico Việt Nam lại mập mờ thông tin để coi như sản phẩm Trà Ô Long Tea+Plus là 100% Nhật Bản.
Sự tham lam quá mức của Pepsico Việt Nam, hay nói cho đúng là lối suy nghĩ “ngắn” của ai đó trong công ty này đã khiến cho sản phẩm vừa ra đời đã “chết yểu”.
Người xưa đã dạy rằng “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Chỉ một lần làm sứt mẻ niềm tin đã có thể khiến thương hiệu của một doanh nghiệp lao xuống vực thẳm.
Nhưng Pepsico Việt Nam thì còn hơn như thế nữa, vì chẳng những mập mờ quảng cáo sản phẩm, doanh nghiệp này còn loanh quanh không nhận trách nhiệm khi liên tiếp bị người tiêu dùng phản ánh phát hiện dị vật trong chai nước mang nhãn hiệu Sting.
Thậm chí khi công khai phát hiện trong chai nước Sting của Pepsi sản xuất có vật thể lạ, anh Trương Đinh Chính (trú tại thôn Chu Mầu, xã Vân Dương, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) bị hai đối tượng lạ mặt tiếp cận trong đêm tối để hỏi mua chai nước với giá 20 triệu.
Khi anh Chính không đồng ý bán chai nước thì bị hai đối tượng đạp đổ xe xuống đường.
Và mới nhất, trong kết luận Thanh tra của Bộ Y tế không hề nhắc tới nguồn gốc nhập nguyên liệu của Pepsico Việt Nam?
Điều bi hài nữa là trong 4 doanh nghiệp gia công cho Pepsico Việt nam là Công ty TNHH nước giải khát Kirin Việt Nam lại được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm khi cuộc thanh tra đã diễn ra gần 1 tháng.
Dị vật được phát hiện trong chai nước Sting. ảnh: GDVN. |
Trước nhiều vấn đề chưa được làm rõ nêu trên nhằm thông tin hai chiều khách quan đến bạn đọc, ngày 30/11/2016 phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam gửi đến lãnh đạo Công ty Pepsico Việt Nam 4 câu hỏi:
Thứ nhất, đặt vấn đề Công ty Pepsico Việt Nam tại sao không công bố nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm cho người tiêu dùng?
Thứ hai, tại sao đến thời điểm Pepsico Việt Nam bị thanh tra thì Công ty TNHH nước giải khát Kirin Việt Nam - một trong 4 đối tác gia công cho Pepsico Việt Nam mới được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh thực phẩm?
Đồng thời việc Pepsico Việt Nam đang hợp tác với 4 doanh nghiệp để gia công sản phẩm là như thế nào? Gia công công đoạn nào hay sản xuất toàn bộ sản phẩm?
Thứ ba, các sản phẩm của Công ty Pepsico Việt Nam đều ghi nhãn “Sản xuất bởi Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, cao ốc Sheraton, số 8 đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM”. Tại sao doanh nghiệp không minh bạch địa chỉ nhà máy sản xuất, không ghi rõ đơn vị gia công (nếu có)?
Người tiêu dùng tá hóa thì trà Ô long Tea+ Plus của Pepsico nhập nguyên liệu Trung Quốc. ảnh: vtc. |
Tới chiều ngày 6/12/2016, Pepsico Việt Nam đã có một văn bản trả lời qua email rất đáng thất vọng vì dù được coi là doanh nghiệp lớn, nhưng trong văn bản trả lời của Công ty Pepsico Việt Nam do ông Trịnh Hồng Phong – Giám đốc Quản lý chất lượng và môi trường, Sức khỏe và an toàn ký, Pepsico Việt Nam không đi vào những câu hỏi mà người tiêu dùng đang quan tâm.
Thay vào đó đại diện Công ty Pepsico Việt Nam chỉ khẳng định chung chung: “Công ty khẳng định luôn tuân thủ theo đúng quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, ghi nhãn và điều kiện sản xuất”.
Một sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều người tiêu dùng, vậy tại sao Pepsico phải giấu diếm nguồn gốc nguyên liệu và chất phụ gia?
Liệu nguồn gốc và chất phụ gia mà Pepsico có giống vụ việc xảy ra với Trà Ô long Tea+ Plus không?
Liệu việc dấu nguồn gốc nhập nguyên liệu, chất phụ gia với các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài có làm giấy lên nghi ngờ về việc doanh nghiệp ấy chuyển giá, đưa những khoản tiền khổng lồ ra khỏi Việt Nam một cách bất hợp pháp không?
Đó là những điều mà hàng triệu người tiêu dùng băn khoăn lo lắng, không chỉ cho sức khỏe của bản thân, gia đình, mà hơn tất cả họ không muốn bất kỳ doanh nghiệp nào lợi dụng niềm tin của mình để làm giàu.