LTS: Cũng giống như ngành ngân hàng nói chung, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) đang đối mặt với những khó khăn lớn sau khoảng thời gian tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. Những con số nợ xấu liên tục tăng dần đều qua 3 năm gần nhất khiến mức báo động đỏ con số nợ xấu của Maritime Bank sắp lên tới đình điểm.
Đứng góc độ chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập, TS Nguyễn Trí Hiếu đã đưa ra những cảnh báo, đánh giá về con số nợ xấu tăng vọt mỗi năm của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank). Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin đăng tải phân tích của TS Nguyễn Trí Hiếu:
"Trước hết cần nhìn nhận vấn đề nợ xấu của Việt Nam thực sự chỉ được giải quyết với nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Nói cách khác, nợ xấu chỉ giảm khi nền kinh tế hồi phục hàng tồn kho, ứ đọng được tiêu thụ... từ đó khách hàng có tiền và trả nợ cho ngân hàng. Khi đó tín dụng mới sẽ lành mạnh hơn.
Tiền đề cho xử lý nợ xấu phải là sự phục hồi của nền kinh tế. Nếu nền kinh tế vẫn ở trong tình trạng lình xình thì vấn đề kiểm soát nợ xấu vẫn chỉ là xử lý nợ cũ tồn đọng, nhưng xử lý nợ cũ xong lại đến nợ mới.
Đối với việc xử lý nợ xấu của Maritime Bank, có thể thấy con số nợ xấu của ngân hàng này đã ở mức nguy hiểm. Nguyên nhân dẫn đến nợ xấu có thể được thấy qua việc những năm 2011 Maritime Bank chạy đua tốc độ tăng tín dụng. Trong khi đó, đối tượng khách hàng Maritime Bank là doanh nghiệp chiếm đến 90,5% tổng dư nợ và có mặt ở hầu hết lĩnh vực từ bất động sản, chứng khoán, kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ…
TS Nguyễn Trí Hiếu: Nợ xấu của Maritime Bank rất khó xử lý khi khách hàng là các doanh nghiệp vẫn khó khăn. |
Nhìn vào số lượng nợ từ khách hàng có thể thấy Maritime Bank hoàn toàn phụ thuộc vào sự phục hồi của doanh nghiệp, trong khi khách hàng Maritime Bank tham gia kinh doanh ở các lĩnh vực “nóng” như BĐS, kinh doanh vàng bạc, chứng khoán… Và hiện nay không phải nói ai cũng biết các lĩnh vực đó đều đang hết sức khó khăn, nhất là mảng BĐS.
Được biết những vị “thượng đế” trở thành “cục nợ” của Maritime Bank là doanh nghiệp vận tải biển, công ty tài chính. Maritime Bank đã nhận hàng loạt con tàu đóng dở dang, tàu cũ đã qua sử dụng như vậy với khối tài sản bảo đảm này Maritime Bank rất khó để xử lý. Nếu bán thanh lý thì sẽ lỗ lớn còn nếu đổ vốn đề hoàn thiện thì tìm đầu ra càng khó.
Điều này lý giải tại sao năm 2012-2013, lợi nhuận trước thuế của Maritime Bbank chỉ đạt 248 tỷ đồng và 411 tỷ đồng, không chia cổ tức cho cổ đông. Năm 2014, ngân hàng dự kiến lợi nhuận giảm chỉ còn 401 tỷ đồng và cổ tức bằng 0%.
Trở lại chuyện nợ xấu, không có gì ngạc nhiên nếu nhìn vào tỉ lệ nợ xấu của Maritime Bank tăng đều qua các năm, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam 3 năm qua thực sự trải qua những giai đoạn rất khó khăn.
Hơn nữa nợ xấu của Maritime Bank rất khó xử lý khi khách hàng là các doanh nghiệp vẫn khó khăn. Do không xử lý được nợ xấu cũ lại thêm nợ xấu mới nên mức nợ xấu chuyển dần từ nhóm 3 đến nhóm 5, tức là mức độ ngày một nghiêm trọng.
Trong vấn đề nợ xấu, ở Việt Nam có hiện tượng rất bất thường ví dụ theo quy định thì nhóm 5 là nhóm nợ tất vốn, là nhóm to nhất trong tất cả ba nhóm. Trong khi đó theo chuẩn nợ xấu các nước thì ngược lại nhóm 5 là nhóm nhỏ nhất. Cách tính ngược lại này khiến khi nhìn vào với nợ xấu nhóm 3 – 5, người ta sẽ nghĩ rằng Maritime Bank đang nợ xấu thấp nhưng thực ra đang nợ xấu ở mức cao.
Nợ xấu của Maritime Bank khó xử lý do vấn đề pháp lý còn nhiều chồng chéo, ví dụ đó là thiếu hành lang pháp lý cho các ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm mà không xử lý được tài sản bảo đảm thu lại vốn thì cứ thế nợ xấu phình ra đến nhóm 5.
Nhìn mức độ tăng nợ xấu từ 2,27% (năm 2011) lên 2,65% (năm 2012) và 2,71 năm 2013 của Maritime Bank cảm tưởng không lớn nhưng trong thực tế nếu quy ra tiền, con số nợ xấu là hàng trăm tỉ đồng. Vấn đề là ngay tỉ lệ đó đã có rất nhiều nợ được cơ cấu lại nhưng thực trạng không khả quan hơn. Tất nhiên là được phép cơ cấu lại nợ, vì thế tỉ lệ nợ xấu hiện nay của ngân hàng không phản ánh được thực chất mức độ nợ xấu của ngân hàng.
Nếu tỉ lệ nợ xấu này vẫn tiếp tục tăng dần đều, Maritime Bank buộc phải tăng trích lập phòng rủi ro lên. Đến một lúc nào đó, khi lãi của ngân hàng không đủ để bù ngân hàng sẽ bị thâm hụt vốn gốc. Khi đã “ăn” vào vốn gốc, ngân hàng có nguy cơ phá sản.
Một thực tế là con số nợ xấu của các ngân hàng lâu nay không được minh bạch. Thêm vào đó, với Thông tư 780 của Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng cơ cấu lại nợ, thành tra tỉ lệ nợ xấu, vì thế báo cáo nợ xấu của các ngân hàng không phản ánh được thực trạng. Tái cơ cấu lẽ ra nợ xấu phải giảm nhưng tỉ lệ tăng có nghĩa là cộng với tỉ lệ nợ tái cơ cấu, tình trạng nợ xấu sẽ nghiêm trọng hơn".