Thế hệ 6X, 7X và 8X hiện tại là những người cha và người mẹ quyết định sử dụng sữa nào cho con em của họ. Nhớ lại thời bao cấp tại miền Bắc, những người bố và người mẹ đó đa phần không được nuôi bằng sữa bột như các trẻ em bây giờ. Ngay cả những năm đầu thập kỷ 80, sữa vẫn là mặt hàng xa xỉ phẩm đối với đại đa số tầng lớp nhân dân trên toàn Việt Nam. Một cái nhìn lạc quan, những người cha mẹ đó có kém sút về trí tuệ hay sức khỏe hay không trong công việc. Chắc chắn câu trả lời là không. Như vậy tại sao sữa lại trở nên một vấn đề nào đó ám ảnh cha mẹ trong việc nuôi dưỡng con? Nhìn rộng ra xã hội, có rất nhiều quảng cáo về sữa cho trẻ con khôn hơn, cao hơn, trí tuệ hơn, thông minh hơn. Tất cả những cái đó chỉ là những chiêu trò marketing nhằm kinh doanh trên tình thương của cha mẹ Việt đối với con cái. Xã hội đã tiến lên, những đứa con của thế hệ 6X, 7X và 8X xứng đáng để có sữa uống nhằm có một cơ thể khỏe mạnh và thông minh hơn cha mẹ chúng. Tuy nhiên, các ông bố, bà mẹ hãy bình tĩnh nhìn nhận và sử dụng thông minh các loại sữa cho trẻ con.
Chọn sữa nào cho con luôn là vấn đề nan giải của nhiều bậc phụ huynh ngày nay. Ảnh minh họa. |
Ngày hôm nay khi đọc một bài báo về vấn đề làm sao có sữa sạch để nuôi dưỡng con cái. Bài đọc vừa thương và vừa giận. Thương vì tình cảm của người mẹ thể hiện thật tự nhiên và đầy cảm động khi cha mẹ muốn dành những cái gì tốt nhất cho con cái của mình. Giận vì tại sao người Việt lại mù quáng chạy theo những sản phẩm sữa nước ngoài chỉ vì mác ngoại để ôm hận như trong bài báo.
Thu hồi sữa nhiễm khuẩn, nhãn hàng Abbott và Dumex "tê liệt"
Lỡ uống sữa Abbott, Dumex nhiễm khuẩn, người tiêu dùng có thể kiện?
Trong cả bài báo hoàn toàn không thấy đề cập tới bất kỳ một nhãn sữa nội nào ở Việt Nam. Lẽ nào tâm trí khách hàng Việt Nam không hề dành bất kỳ một vị trí cho những sản phẩm Việt? Các ông bố bà mẹ cần cẩn trọng và sáng suốt trong chọn lựa sữa cho trẻ con. Về bản chất kinh doanh, công ty ngoại hay công ty nội cũng hoàn toàn giống nhau khi tìm kiếm lợi nhuận từ sản phẩm và dịch vụ. Gần đây nhất có vụ Nestle bê bối làm giả thịt ngựa thành thịt bò tại châu Âu. Abbot thu hồi 5 triệu hợp sữa Similac tại Mỹ do nhiễm côn trùng... Các công ty nước ngoài ngay cả trên thị trường nước ngoài cũng dính dáng rất nhiều vụ bê bối về chất lượng sản phẩm thực phẩm. Các dây chuyền sản xuất hàng loạt đều có thể có sự cố. Hình ảnh về sản phẩm của các công ty nước ngoài cũng đáng nghi ngờ và đặt dấu hỏi như cho bất kỳ một công ty nào khác tại Việt Nam vì các vấn đề có thể xảy ra bất kỳ công ty nào và trong bất kỳ các sản phẩm nào. Một vòng tròn lẩn quẩn khi người tiêu dùng Việt Nam quay lưng với các sản phẩm Việt Nam. Các công ty Việt Nam không đủ cầu và thiếu nguồn lực để triển khai các dự án kinh doanh nhằm nâng cấp quy mô và năng lực của mình. Sữa là một trong những mặt hàng hiếm hoi các doanh nghiệp Việt Nam thành công và vượt qua thử thách đó. Vinamilk là một điển hình. Các sản phẩm sữa của Vinamilk được đầu tư và phát triển không kém gì so với các nhãn sữa ngoại. Thật đáng buồn khi sữa Vinamilk được xuất khẩu trong khi đó người tiêu dùng Việt Nam quay lưng lại sản phẩm của chính mình. Một quốc gia muốn vững mạnh trong nền kinh tế hội nhập rất cần các doanh nghiệp Việt vững mạnh như Vinamilk, Kềm Nghĩa, Trung Nguyên... Tâm thế sử dụng hàng Việt chính là điểm tựa cho những doanh nghiệp Việt như vậy. Nếu như bản thân chúng ta ruồng rẫy những sản phẩm tâm huyết của những doanh nghiệp Việt, tự bản thân chúng ta trực tiếp làm giảm đi sức mạnh nền kinh tế Việt Nam. Nước giàu – doanh nghiệp mạnh rất cần tâm thế mạnh của cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam. Mua một lon sữa của doanh nghiệp Việt bên cạnh nguồn dinh dưỡng cho bé còn là khoản đầu tư gián tiếp cho đất nước của bé trong tương lai – Đất nước Việt Nam.
Vũ Tuấn Anh - GĐ Viện Quản lý VN