Kotex giả như thật Đem 2 lốc băng vệ sinh nhái nhãn hiệu Kotex đặt trước mặt phóng viên để làm chứng, chị Nguyễn Thu Hà (cư ngụ tại Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) chia sẻ với báo Giáo Dục Việt Nam: Chị mua sản phẩm này tại một siêu thị mini trên đường Nguyễn Chí Thanh, ngay cạnh nhà mình. Nhìn bề ngoài thì chị Hà cũng như nhiều người tiêu dùng khác không thể nào nhận biết được đây là hàng giả. Trên mặt bao bì vẫn đề chữ “Kotex - Style” như bình thường, kèm theo hình ảnh một cô gái đeo tràng hạt và tóc búi cao. Phía dưới cùng có đề nhãn mác tên công ty sản xuất TNHH Kimberly-Clark kèm địa chỉ tại quận Phú Nhuận, Tp. HCM.
Nhìn bế ngoài, người tiêu dùng khó có thể nhận biết được đâu là giả, đâu là thật (Ảnh băng vệ sinh Kotex giả bên trái, được đánh dấu, so sánh với băng vệ sinh thật bên phải) |
“Tôi là một người cũng khá cẩn thận, đã tìm mua băng vệ sinh ở siêu thị mini thay vì ở các quầy tạp hóa bán lẻ. Tôi đã nhìn rất kỹ trước khi trả tiền, thấy đúng là Kotex – Style với giá 11.000 đồng một gói. Thậm chí, tôi còn hỏi nhân viên thu ngân: Hàng có chính hãng không đấy? Đến khi họ bảo: Chị đừng lo, bên em có người của hãng đưa hàng tới, tôi mới yên tâm. Nhưng khi về nhà, bóc gói băng vệ sinh ra, tôi mới giật mình vì trên miếng băng vệ sinh ghi chữ Kalex thay vì chữ Kotex tôi vẫn thường thấy” – Chị Hà nói. Kiểm tra lại sản phẩm và so sánh với băng vệ sinh Kotex thật, chị Hà mới ngớ người vì nhiều sự khác biệt. Trước hết là về đường nét trên vỏ bao bì không được sắc nét, các lớp màu không khớp nhau, bị lem ra ngoài. Phần dưới ghi địa chỉ nhem nhuốc, nhòe mờ, khó đọc được chữ viết, phần để cắt vỏ nhăn nhúm, nhìn rất xấu. Khi đưa bao bì lên ngửi có mùi nhựa tái chế, khá khó chịu.
Phần thông tin nhà sản xuất ghi lem luốc, chữ nhòe mờ ở băng vệ sinh Kotex giả (phía trên) |
Lần theo những địa chỉ mà khách hàng trên bật mí, phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam đã phát hiện ra nơi bán loại băng vệ sinh giả này. Một siêu thị nhỏ nằm trong ngõ giáp ranh giữa Nguyễn Chí Thanh và đường Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội). Hàng dãy dài băng vệ sinh nhái Kotex vẫn được đặt ngay ngắn trên kệ, người bán hàng vẫn ngang nhiên chỉ chỗ để Kotex cho người mua khi khách hàng hỏi. Thậm chí, bản thân nhân viên bán hàng cũng vô tình hay cố ý tỏ ra ngơ ngác khi phóng viên vạch rõ đây là hàng giả.Nhà sản xuất cũng “bó tay” trước vấn nạn hàng giả? Trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, trưởng nhãn hàng Kotex của công ty TNHH Kimberly-Clark có trụ sở tại Tp. HCM chia sẻ: Trên thị trường hiện nay, có nhiều đơn vị làm hàng nhái, không thể ngăn chặn hết được. Theo vị đại diện của nhãn hàng Kotex này: Nguyên nhân khiến nhà sản xuất cũng đành “bó tay” trước vấn nạn hàng giả, nhái là do chế tài của nước Việt Nam chưa nghiêm. “Chúng tôi có thuê hẳn một công ty luật phụ trách về việc giải quyết hàng giả, hàng nhái. Khi phát hiện ra đầu mối làm hàng giả, hàng nhái, bộ phận luật của công ty cùng với công an đã đi làm việc với họ. Chế tài nhà nước mình chỉ phạt ít tiền đối với đơn vị làm giả đó và bắt họ cam kết không tái phạm nữa. Nhưng rất nhiều trường hợp: công an đã tới lập biên bản, họ hứa không làm nữa nhưng một thời gian sau lại thấy họ lặp lại. Do đó, chúng ta phải xác định: đối diện với thực tế đó, là vấn nạn của Việt Nam mình” - đại diện của nhãn hàng Kotex thừa nhận. Nhãn hàng Kotex cũng cho biết: Không thể thống kê nổi một con số cụ thể: có bao nhiêu sản phẩm giả, nhái trên thị trường vì vừa bắt xong, bắt họ cam kết không vi phạm nữa thì họ lại tái sản xuất dưới một hình thức khác.
Mặt bên trong của hàng giả, không đề chữ Kotex mà là Kalex. |
“Quá nhiều đến mức chúng tôi không thể thường xuyên thay đổi vì chi phí cao. Do vậy, không hẳn là “sống chung với lũ”, nhưng Kotex đã, đang và sẽ cố gắng hết sức, vì chế tài của nhà nước mình chưa đủ mạnh để răn đe các công ty làm giả, hàng nhái trên thị trường” - đại diện của nhãn hàng Kotex nói. Với mục đích hạn chế tối đa hàng giả, hàng nhái, Kotex đã nhờ các anh em, đại lý thân cận, các đối tác, thậm chí là cả khách hàng ráo riết tìm và phát hiện, báo về cho công ty để nhanh chóng xử lý. Đối với người tiêu dùng, đại diện của nhãn hàng Kotex khuyên: Hãy nhìn kỹ bao bì trước khi mua. Thường thì họ chỉ giả bao bì chứ không thể giả ruột vì họ sẽ phải đầu tư thêm rất nhiều, chi phí đội lên, họ sẽ không thể bán giá rẻ. Khách hàng cần để ý kỹ sản phẩm đó, xem chữ có bị mờ không, có in hoa văn và logo Kotex ở mặt sau của miếng băng không?. “Khi mua hàng giả về, phát hiện ra đó là đồ giả, nhái, chị em phụ nữ tuyệt đối không nên dùng vì chất lượng không an toàn. Bộ phận của phụ nữ rất nhạy cảm sẽ gây ngứa ngáy, khó chịu” - đại diện của nhãn hàng Kotex nhắc nhở. Ngoài ra, cách tốt nhất để mua đúng hàng thật, bảo vệ quyền lợi của mình, các khách hàng nên mua ở các đại lý lớn, uy tín hoặc những nơi thân cận, quen biết với mình. Đối với các công ty sản xuất lớn nên lập hẳn một đội truy tìm và chống hàng giả, hàng nhái. “Tất cả các công ty hãy tự bảo vệ mình bẳng cách đó để giảm tối thiểu “sự cố” cho người tiêu dùng và giảm doanh số bán hàng của mình” - đại diện của nhãn hàng Kotex kết luận.
Khảo sát của Kimberly Clark cho thấy các sản phẩm giả mạo, “nhái” nhãn hiệu của Kimberly Clark chủ yếu là nhãn hàng băng vệ sinh (BVS) Kotex. Các sản phẩm “nhái” được bày bán công khai, tiêu thụ khắp các tỉnh, thành và thường được sản xuất tại Hà Nội, Bắc Ninh và TP. Hồ Chí Minh.
Tháng 6/2011, lực lượng quản lý thị trường huyện Nho Quan (Ninh Bình) đã phát hiện trên thị trường tỉnh này xuất hiện nhiều loại BVS mang nhãn hiệu “Koteir” tương tự gây nhầm lẫn với sản phẩm BVS Kotex của Kimberly Clark. Các sản phẩm này được xác định do cơ sở sản xuất BVS An Tâm có địa chỉ tại 39 Hà Huy Tập- Yên Viên- Gia Lâm- Hà Nội sản xuất.
Tháng 7/2011, Công an tỉnh Bắc Ninh cũng phát hiện và xử lý 01 xe ô tô đang trên đường vận chuyển 31.200 gói BVS mang nhãn hiệu “Koteir” tương tự gây nhầm lẫn với sản phẩm BVS Kotex.
Tháng 8/2011, PC46 Công an Hà Nội và Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ đã phối hợp tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất băng vệ sinh An Tâm và phát hiện một số lượng lớn sản phẩm vi phạm nhãn hiệu “Kotex” của công ty Kimberly Clark. Tại đây, đoàn kiểm tra còn phát hiện 1 cuộn/quả lô ny lông có gắn/dập/in nhãn hiệu “Kotex” được sử dụng để đóng gói các sản phẩm Kotex giả.
Tháng 6/2011, lực lượng quản lý thị trường huyện Nho Quan (Ninh Bình) đã phát hiện trên thị trường tỉnh này xuất hiện nhiều loại BVS mang nhãn hiệu “Koteir” tương tự gây nhầm lẫn với sản phẩm BVS Kotex của Kimberly Clark. Các sản phẩm này được xác định do cơ sở sản xuất BVS An Tâm có địa chỉ tại 39 Hà Huy Tập- Yên Viên- Gia Lâm- Hà Nội sản xuất.
Tháng 7/2011, Công an tỉnh Bắc Ninh cũng phát hiện và xử lý 01 xe ô tô đang trên đường vận chuyển 31.200 gói BVS mang nhãn hiệu “Koteir” tương tự gây nhầm lẫn với sản phẩm BVS Kotex.
Tháng 8/2011, PC46 Công an Hà Nội và Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ đã phối hợp tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất băng vệ sinh An Tâm và phát hiện một số lượng lớn sản phẩm vi phạm nhãn hiệu “Kotex” của công ty Kimberly Clark. Tại đây, đoàn kiểm tra còn phát hiện 1 cuộn/quả lô ny lông có gắn/dập/in nhãn hiệu “Kotex” được sử dụng để đóng gói các sản phẩm Kotex giả.
Bài, ảnh: Tiểu Phương