Những ngày cuối tháng 3, Nguyễn Hải Ly (sinh năm 2002), cựu học sinh chuyên Hóa - Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đang tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm, chuẩn bị những kỹ năng, kinh nghiệm và hành trang bắt đầu hành trình du học tại trường Đại học Dartmouth (Mỹ) vào tháng 8 tới.
Hải Ly chia sẻ, em mong muốn được đi du học từ những năm cấp 2 nhưng đến khi lên cấp 3 mới thật sự toàn tâm chuẩn bị cho mục tiêu này.
Vì vậy, em đã nộp hồ sơ xin học bổng vào trên dưới 30 trường đại học ở Mỹ để cơ hội của mình rộng mở nhất có thể.
Nhiều trường đã nhắn lại ngay từ vòng hồ sơ rằng nếu không thể tăng khả năng tài chính họ khó có thể nhận em.
“Lúc đó, em đã rất hoang mang và lo lắng bởi nếu kinh tế của gia đình không đủ thì sẽ có ít lựa chọn tốt hơn. Thế rồi em như vỡ òa cảm xúc khi biết tin mình đậu 9 trường Đại học của Mỹ”, Ly hào hứng kể.
Nguyễn Hải Ly, cựu sinh viên Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam xuất sắc chinh phục học bổng 9 trường đại học danh giá của Mỹ. Ảnh: NVCC |
Trong đó, học bổng tại Đại học Amherst, trường top 2 nhóm Liberal Arts College (theo US News & World Report) đưa ra mức hỗ trợ tài chính cao nhất, với 321.500 USD (hơn 7 tỷ đồng) cho 4 năm học.
Học bổng Đại học Colby (top 11 nhóm Liberal Arts College), Hải Ly được hỗ trợ 248.000 USD, đồng thời lọt nhóm 10 ứng viên được chọn làm học giả quỹ Pulver.
Hải Ly đồng thời được tham gia một số công tác nghiên cứu tại các viện khoa học quốc gia hàng đầu của Mỹ.
Một số trường học bổng khác như Đại học Drexel, Temple hay Purdue cũng trao cho Ly một số danh hiệu dành cho tân sinh viên.
Hải Ly kiên trì tìm kiếm những cơ hội khác, vào tháng 1/2020, em viết thư thể hiện ước mơ muốn được học tại trường Đại học Dartmouth và nhận được thư chúc mừng trúng tuyển 2 tháng sau đó với giá trị học bổng khoảng 7 tỷ đồng.
Đây là ngôi trường thuộc khối Ivy League danh giá, xếp thứ 12 ở Mỹ (theo US News & World Report) và tỉ lệ chấp thuận du học sinh của trường chưa tới 9%.
Hải Ly cùng các bạn trong lớp. Ảnh: NVCC |
Chia sẻ về bí quyết chinh phục những học bổng danh giá của Mỹ, Hải Ly cho hay, giữ vững tinh thần học tập ở trường lớp là một trong những điều quan trọng đối với các bạn học sinh. Đồng thời cũng liên tục tìm kiếm các cơ hội phát triển phù hợp với đam mê của mình. Không nên ngại khó, ngại chưa có kinh nghiệm vì một vị trí càng mới mẻ sẽ đem lại cho mình một góc nhìn mới.
Theo Hải Ly, bài luận cần được chuẩn bị thật cẩn thận để thể hiện bản thân và cá tính - đây cũng là yếu tố “khó nhằn” nhất trong bộ hồ sơ.
Cựu học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam khiến nhiều nhà tuyển sinh thán phục khi lựa chọn đề tài cho bài luận viết về chính con người mình trong phòng thí nghiệm, câu lạc bộ tranh biện, tổ chức trại hè, hội chợ khoa học, diễn thuyết ở các cuộc thi.
Hiện tại, trong thời gian chuẩn bị đi du học, Ly dành nhiều thời gian hơn cho việc trải nghiệm, tham gia các lớp học nâng cao kĩ năng. Em tiếp tục tham gia các phòng lab ở nhiều trường đại học với vai trò trợ lí nghiên cứu.
Việc học đi đôi với thực hành sẽ chắc chắn kiến thức, giúp bản thân hiểu thêm về lựa chọn nghề nghiệp của bản thân.
Ngoài ra, Hải Ly có đăng kí học các lớp lập trình và kinh tế vì nhận thấy đây là bộ môn của tương lai mà cấp 3 ở Việt Nam lại chưa được dùng nhiều, sau này ngành nghề nào cũng sẽ áp dụng đến. Em còn tham gia trải nghiệm “đặc quyền” làm giáo viên đứng lớp, truyền đạt tri thức cho các em học sinh.
Để chuẩn bị cho chuyến du học, Hải Ly dành nhiều thời gian cho việc trải nghiệm, tham gia các hoạt động xã hội. Ảnh: NVCC |
Cuối tháng 8/2021, Hải Ly dự định sẽ nhập học tại Trường Đại học Dartmouth để bắt đầu học kì đầu tiên.
Em dự định học chuyên ngành Biomedical Engineering (Kỹ thuật Y Sinh), tuy nhiên ở Dartmouth đến năm thứ hai sinh viên mới chính thức chọn ngành và họ cũng rất linh hoạt trong sở thích học thuật của sinh viên. Vì vậy, Hải Ly luôn thích tìm tòi thêm nhiều thứ để mở mang kiến thức trên nhiều lĩnh vực.
Nói về ước mơ trong tương lai, Ly mong muốn có thể học hỏi về công nghệ tiên tiến lĩnh vực kỹ thuật Y Sinh ở nước bạn để khi trở về có thể góp một phần nhỏ bé cải thiện đời sống của người dân Việt Nam.