Chống dịch là trách nhiệm
Tình hình dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam vẫn đang diễn biến phức tạp. Tất cả sức người, sức của đều được cả nước huy động dành cho những địa phương này với quyết tâm sớm kiểm soát và sớm chiến thắng dịch bệnh.
Lê Thúy Nhàn, sinh viên ngành Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh NVCC) |
Như nhiều sinh viên thuộc khối ngành y, Lê Thúy Nhàn, sinh viên khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy trách nhiệm của bản thân, đạo đức với nghề nghiệp mình đang theo đuổi mà không do dự, đăng ký tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch với quyết tâm bảo vệ thành phố bình an.
Thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra, để trang trải học phí tại trường, Thuý Nhàn đã đi làm thêm tại một cửa hàng đồ ăn nhanh. Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách toàn xã hội thì cửa hàng buộc phải tạm nghỉ. Đó cũng là thời điểm nhà trường kêu gọi sinh viên tình nguyện chống dịch và Thúy Nhàn đã không ngần ngại, lập tức đăng kí tham gia.
“Em nghĩ sinh viên là lực lượng đông đảo, có sức khỏe và có nhận thức tốt về phòng chống dịch bệnh. Bản thân em lại là sinh viên khối ngành chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng thì tại sao mình còn chần chừ mà không tình nguyện đi chống dịch.
Kiến thức học được có thể chưa nhiều nhưng nhờ sự chỉ bảo động viên của các thầy cô nên em tự tin tham gia hỗ trợ tuyến đầu, góp sức để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh”, Nhàn bày tỏ.
Thúy Nhàn hiện tại đang tham gia tình nguyện hỗ trợ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, trực tiếp chăm sóc người bệnh F0, đúng với chuyên ngành điều dưỡng được học tại trường.
Từ tâm dịch, Nhàn kể: “Nơi em đang tình nguyện có lẽ là nơi chứng kiến sự khốc liệt nhất của dịch bệnh Covid, ở đây các y, bác sỹ, nhân viên y tế giành giật sự sống của người bệnh từng giây, từng phút.
Số lượng bệnh nhân thở máy ngày càng nhiều, cường độ làm việc của mọi người ở đây càng cao và luôn tận tâm, hết mình với người bệnh. Với số lượng công việc lớn, tụi em phải chia ca, chia vị trí để vừa hỗ trợ mọi người chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tốt nhất, vừa đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân mình”.
Thúy Nhàn chia sẻ, tình nguyện tham gia hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân nơi tuyến đầu chống dịch là một phần trách nhiệm nhưng cũng là cơ hội học hỏi và nâng cao thực hành trước khi ra trường.
Những bàn tay sũng nước, những bộ đồ bảo hộ mặc liên tục trong nhiều giờ đồng hồ để đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn khiến các bác sỹ, nhân viên y tế kiệt sức vì mất nước. Thế nhưng chẳng ai bảo ai, chỉ có thể động viên nhau qua ánh mắt, cùng nhau cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chăm sóc tốt cho người bệnh.
“Quê của em ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng đã hơn 5 tháng em chưa về nhà vì đi học rồi dịch bùng phát trở lại. Vì bố mẹ cũng lớn tuổi nên lúc đi em cũng không nói rõ là đi vào tâm dịch sợ bố mẹ lo lắng, mẹ em bị cao huyết áp.
Sau này khi gia đình biết em tham gia tình nguyện trong Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cũng bất ngờ, dù rất lo lắng cho con gái nhưng bố mẹ ủng hộ và tôn trọng quyết định này. Đó là sự khích lệ, tiếp thêm sức mạnh cho em vượt qua những khó khăn nơi tâm dịch”, Nhàn tâm sự.
Khi được hỏi em có sợ không, Nhàn thổ lộ: “Lúc đầu em có sợ, đi vào tâm dịch mà dịch bệnh căng thẳng, không biết bản thân mình sẽ làm được gì? Nếu không may bị lây nhiễm thì còn có thể làm ảnh hưởng đến nhiều người.
Thế nhưng nhờ sự động viên của thầy cô, các anh chị đi trước và bạn bè, em luôn nhắc nhở mình phải luôn đảm bảo an toàn cho bản thân, thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Mình phải thật khỏe mới chăm sóc tốt cho những người xung quanh”.
Lê Thúy Nhàn hiện tại đang tham gia tình nguyện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, trực tiếp chăm sóc người bệnh F0. (Ảnh NVCC) |
Những bài học quý về giá trị cuộc sống
Trong cuộc chiến chống dịch căng thẳng, quyết liệt đang diễn ra, đã có nhiều người khỏi bệnh, nhưng cũng có những mất mát, đó là điều không thể tránh khỏi ngay cả ở những quốc gia có nền y học hiện đại nhất.
“Tại thời điểm em mới đi tình nguyện, có một chú nhiễm bệnh tên là Hương, sinh năm 1965. Lúc được chuyển vào khoa, chú mệt lắm rồi, áo ướt hết trơn. Lúc này chú đang thở mask có túi mà chỉ số SpO2 của chú chỉ được 88 nên chú bắt buộc phải nằm sấp để phổi được dãn nở, nhưng hồi lâu vẫn không cải thiện. Chú bắt buộc phải chuyển sang thở HFNC.
Chiếc áo chú thấm mồ hôi 2 ngày liền trước đó nên em giúp chú thay áo, thay tã, đút cháo cho chú vì lúc này chú cũng không thể dậy nổi nữa. Có một buổi trực ca của em, chú nhờ em lấy giúp 2-3 lần nước ấm xong có nói chú cảm ơn, vì chú mà tụi em bị phiền hà. Em động viên chú ráng khỏe lại là tụi em mừng rồi.
Chỉ số SpO2 của chú không cải thiện, có lần xuống tận 75 em phải đứng vỗ lưng cho chú dễ thở để chỉ số tăng lên nhanh chóng hồi phục. Thế nhưng sang mấy ngày hôm sau thì chú thở máy và gắng gượng được một tuần thì chú mất”, Thúy Nhàn kể và giọng em trùng xuống.
Câu chuyện về chú Hương chỉ là một trong rất nhiều những câu chuyện lột tả sự tàn khốc của cuộc chiến với dịch bệnh mà các y, bác sỹ hay nhân viên y tế, sinh viên tình nguyện như Nhàn phải chứng kiến.
“Trước sự tàn khốc, khó lường của dịch bệnh, mọi người luôn đoàn kết, thương yêu nhau, động viên người bệnh những điều tích cực nhất với hi vọng vượt qua nhanh nhất”, Nhàn tâm sự.
Tham gia tình nguyện hỗ trợ tuyến đầu chống dịch là một hành trình trải nghiệm vô cùng quý giá đối với Lê Thúy Nhàn, bởi mỗi người bệnh, mỗi y, bác sỹ tuyến đầu, mỗi địa điểm tham gia đều mang đến cho em cảm nhận sâu sắc về tình người.
Nhàn gửi gắm: “Chúng em là sinh viên và chỉ có một lần tuổi trẻ trong cuộc đời nên em mong các bạn hãy tích cực tham gia tình nguyện chống dịch, hãy trải nghiệm, sống và cống hiến hết mình đặc biệt là tại thời điểm dịch bệnh đang hoành hành.
Ngoài ra, người dân nên chủ động nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, giữ gìn sức khỏe và thực hiện đúng quy tắc 5K để bảo vệ bản thân, gia đình và những người xung quanh. Nếu mọi người cùng nhau chia sẻ, phối hợp, đồng lòng thì ngày chúng ta chiến thắng dịch bệnh sẽ không còn xa”.
“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.