Lời mẹ dặn con trai chống dịch: Hãy lên đường và luôn nhớ "đồng bào" trong tim!

28/08/2021 06:29
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều sinh viên tình nguyện chia sẻ dù bố mẹ lo lắng nhưng luôn động viên, cổ vũ tinh thần cho các em thêm quyết tâm tham gia chống dịch.

Những ngày này, ở cả hai miền Nam - Bắc, hàng ngàn chiến sĩ áo trắng vẫn đang ngày đêm truy vết, lấy mẫu, chăm sóc bệnh nhân,... Đứng trước một cuộc chiến còn nhiều gian nan, chúng ta cần lắm những ý chí kiên cường, lòng dũng cảm, tinh thần dấn thân, cống hiến và đoàn kết một lòng.

Có nhiều sinh viên, tình nguyện viên, nhiều bác sĩ đã xung phong bước vào tâm dịch, làm nhiệm vụ ròng rã suốt nhiều tháng qua. Tất cả đang nỗ lực từng ngày, từng giờ, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

4 tháng xa gia đình, 2 lần lên tuyến đầu chống dịch

Tiên phong ghi danh vào đoàn tình nguyện, ngày 2/6, Trần Việt Hoàng (quê Nam Định) - sinh viên năm cuối khoa Điều dưỡng y học, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội bắt đầu lên đường vào tâm dịch Bắc Giang.

Cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ trong hơn 1 tháng, Hoàng trở về Hà Nội. Hết thời gian cách ly chưa được bao lâu, chưa kịp trở về bên gia đình, nam sinh trường y lại bước vào cuộc chiến mới.

Trần Việt Hoàng (bên trái) cùng đồng đội trong những ngày tham gia đuổi giặc Covid-19. (Ảnh: NVCC)

Trần Việt Hoàng (bên trái) cùng đồng đội trong những ngày tham gia đuổi giặc Covid-19. (Ảnh: NVCC)

Đáp lại lời hiệu triệu của ngành y tế, ngày 8/8, Trần Việt Hoàng xung phong cùng thầy cô và bạn bè nhận nhiệm vụ chống dịch bảo vệ Thủ đô. Hiện tại, Hoàng đang thực hiện các công việc lấy mẫu xét nghiệm, nhập liệu và hỗ trợ công tác tiêm chủng tại Trạm y tế phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.

Hoàng tâm sự: “Tham gia tình nguyện vừa là thử thách, vừa là cơ hội để em học hỏi, rèn luyện bản thân trưởng thành, góp sức nhỏ của mình cho cộng đồng.

Làm nhiệm vụ vất vả nhưng đổi lại là chuỗi ngày vô cùng ý nghĩa và quý giá. Qua những ngày này, em chứng kiến và cảm nhận được tình người cao đẹp, gắn bó hơn bao giờ hết. Và cả những bài học về cách san sẻ, giúp đỡ nhau, cùng nhau vượt qua đại dịch, đó là nguồn động lực giúp bản thân em kiên định, vững vàng và quyết tâm hơn”.

Từ thời gian làm việc tại Bắc Giang, Việt Hoàng đã có cho mình những bài học quý giá trong quá trình tham gia chống dịch. Chính vì vậy, khi về hỗ trợ tại Trạm y tế phường Đại Mỗ, em đã chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng. Nhờ vậy, công việc tại trạm y tế cũng trở nên thuận lợi, đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng chống lây nhiễm.

Những chiến sĩ áo trắng luôn sẵn sàng với mọi công việc, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. (Ảnh: NVCC)

Những chiến sĩ áo trắng luôn sẵn sàng với mọi công việc, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. (Ảnh: NVCC)

“Trước ngày làm việc chúng em cùng anh chị ở trạm y tế sẽ tổ chức cuộc họp giao ban ngắn để phân chia cụ thể về nhân lực, số bàn lấy mẫu, địa điểm, thời gian và dự kiến số người dân lấy mẫu tại khu vực đó.

Để chủ động trong công việc, cần chuẩn bị sẵn các đồ vật, tư trang cá nhân, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc, phòng tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như người dân.

Trong hoạt động lấy mẫu và tiêm chủng, cần phải có cách vận động, bố trí hợp lý, không để người dân ra tập trung một cách ồ ạt, ảnh hưởng đến quy trình phòng dịch.

Em chủ động đưa ra ý kiến sẽ hẹn người dân theo từng khung giờ, sắp xếp vị trí ghế ngồi đảm bảo khoảng cách 2m, vị trí thoáng mát.

Sau những lần hoàn thành nhiệm vụ, được xét nghiệm với kết quả âm tính, em càng tự tin vào đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm tốt hơn. Em luôn tự nhắc nhở bản thân cũng như các bạn, các anh chị nhân viên y tế tuân thủ 5k và thực hiện đúng quy trình, đúng kỹ thuật”, Việt Hoàng chia sẻ.

Trong 4 tháng qua, nam sinh Trần Việt Hoàng đã 2 lần bước vào tâm dịch. Cuộc chiến vẫn nhiều gian nan, thử thách, xa gia đình, chàng trai chỉ biết gửi nỗi nhớ qua những cuộc gọi, động viên bố mẹ an tâm để bản thân vững vàng đối mặt với kẻ thù Covid.

Thời điểm Hoàng đang tham gia chống dịch ở Bắc Giang cũng là lúc em nhận được tin cháu trai chào đời. Dẫu rất muốn về bên gia đình, muốn được ôm đứa cháu nhỏ nhưng Hoàng quyết định gác lại những tình cảm riêng tư, ở lại Thủ đô chống dịch.

“Thời gian sắp tới, em chỉ mong dịch bệnh được đẩy lùi, chúng em sẽ hoàn thành các môn thi để tốt nghiệp. Tiếp đó, khi có lời kêu gọi, em sẵn sàng vào các tỉnh miền Nam để tiếp sức cho cuộc chiến.

Khi em nói với bố mẹ ý định tiếp tục vào Nam nếu được lệnh, mẹ em cũng tỏ ra lo lắng, nhưng mẹ luôn tôn trọng quyết định của em, mẹ nhắn nhủ rằng: Con hãy cứ lên đường vì hai tiếng ‘đồng bào’ trong tim”, Việt Hoàng bày tỏ tâm tư.

Sẵn sàng với mọi nhiệm vụ, quyết tâm trong từng “trận chiến”

Sau khi tham gia chống dịch ở Bắc Giang và hết thời gian cách ly, Lê Tiến Đạt (quê Hưng Yên), sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội đã sắp xếp thời gian về với gia đình.

Về thăm bố mẹ được 4 ngày, theo lời kêu gọi, theo sứ mệnh thiêng liêng của ngành y, Tiến Đạt trở lại Hà Nội xung phong nhận nhiệm vụ nơi tuyến đầu.

Cũng như Việt Hoàng, Tiến Đạt cùng hơn 900 sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội hiện đang tham gia chống dịch trên các địa bàn quận, huyện của Thủ Đô.

Lê Tiến Đạt hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, thực hiện công việc hỗ trợ tiêm vaccine phòng Covid-19, lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn các phường và nhập liệu.

Nam sinh Lê Tiến Đạt và Tiến sĩ-Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - trưởng đoàn tình nguyện trong những ngày chống dịch tại Bắc Giang. (Ảnh: NVCC)

Nam sinh Lê Tiến Đạt và Tiến sĩ-Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - trưởng đoàn tình nguyện trong những ngày chống dịch tại Bắc Giang. (Ảnh: NVCC)

Ngoài ra, Đạt còn được giao nhiệm vụ trưởng nhóm, quản lý và theo dõi công việc của các tình nguyện viên. Thêm một phần công việc, thêm trọng trách trên vai nhưng với chàng trai này, đây là vinh dự, cũng là cơ hội để cống hiến nhiều hơn, góp sức mình cho cuộc chiến chống dịch.

“Hai lần tham gia chống dịch ở hai địa bàn khác nhau, em nhận ra rằng, chúng ta phải nhận diện rõ tính chất từng cuộc chiến với ‘giặc Covid’.

Mỗi địa bàn với quy mô dân cư, mức độ, diễn biến dịch bệnh khác nhau nên việc sắp xếp và tổ chức công tác lấy mẫu, tiêm chủng cũng khác nhau. Điều quan trọng là phải tuân thủ khoảng cách khi người dân đi lấy mẫu.

Ngày làm nhiệm vụ ở Bắc Giang, là trưởng nhóm, có những khi em phải đi lại qua các địa bàn xã khác nhau, để biết công việc các đội thực tế như thế nào, khối lượng công việc ra sao, điều phối người dân có đảm bảo không, sức khỏe của các thành viên cũng như xử lý những tình huống phát sinh.

Còn ở Hà Nội, đoàn được chia nhỏ làm việc tại các địa bàn khác nhau. Do đó, chúng em chủ yêu liên lạc để nắm tình hình công việc qua kết nối online. Kết thúc một ngày, các bạn sẽ báo cáo, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau”, Đạt cho biết.

Nhưng dù đối mặt với cuộc chiến khó khăn như thế nào, điều quan trọng nhất là trong trái tim những chiến sĩ áo trắng luôn tràn đầy quyết tâm, sẵn sàng dấn thân, cống hiến.

Đặc biệt, tình bạn, tinh thần đồng đội chính là sức mạnh để những sinh viên ngành y luôn mạnh mẽ, can trường trước mọi thử thách gian nan.

Đến bây giờ, ký ức sâu đậm trong Tiến Đạt vẫn là hình ảnh những người đồng đội kiên trì làm việc, hết mình trong từng nhiệm vụ được giao.

Tinh thần đồng đội là sức mạnh, tiếp thêm ý chí, bản lĩnh cho những chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến gian nan. (Ảnh: NVCC)

Tinh thần đồng đội là sức mạnh, tiếp thêm ý chí, bản lĩnh cho những chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến gian nan. (Ảnh: NVCC)

Những ngày ở Bắc Giang trời nắng như chảo lửa, đã có người bạn ngất xỉu vì mất nước điện giải khi tham gia lấy mẫu cộng đồng. Đạt cũng đã được tập huấn để xử lý những tình huống đó, em cùng đồng đội nhanh chóng sơ cứu và chăm sóc khi bạn tỉnh lại.

Để tránh những tình huống xấu xảy ra, khi các bạn có dấu hiệu mệt mỏi, Đạt yêu cầu các thành viên báo cáo để được nghỉ ngơi tại chỗ, đảm bảo về sức khỏe.

Những ngày qua làm nhiệm vụ ở Thủ đô, có bạn làm việc đến hơn 10 giờ đêm mới trở về. Là nhóm trưởng, Tiến Đạt luôn chờ đợi để hỏi thăm công việc, sức khỏe của đồng đội mình.

“Khi tổ quốc cần, chúng em luôn quyết tâm, đoàn kết một lòng, chung sức đẩy lùi dịch bệnh. Dù là Bắc Giang, Hà Nội hay bất cứ tỉnh thành nào, khi có lệnh, chúng em sẵn sàng tiến bước, không ngần ngại với ‘trận chiến’ Covid nào”, Đạt khẳng định.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Phạm Minh