"Ông lớn" Nestle lỗ "khủng" vẫn hào phóng chi hộ hàng chục tỷ đồng

01/08/2014 13:28
NHẤT NGÔN (TỔNG HỢP)
(GDVN) - Báo lỗ lũy kế tới hơn 30 triệu USD, tuy nhiên, sau cuộc thanh tra giá sữa, doạnh nghiệp này bị phát hiện nhiều khoản chi khổng lồ khó hiểu...

Lỗ vẫn chi hộ nhiều chục tỷ đồng

Cách đây 1 tuần, Thanh tra Bộ Tài chính đã gửi công văn tới Công ty TNHH Nestle có ý kiến về những khoản chi hộ cho đối tác một cách bất hợp lý. Tổng số tiền chi hộ này lên tới hơn 60,2 tỷ đồng.

Trước đó, đoàn thanh tra của Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế và giá tại Công ty TNHH Nestle' Việt Nam theo Quyết định số 31/QĐ-TTr ngày 4/3/2014.

Thanh tra Bộ tài chính cho biết, tại đợt thanh tra 5 doanh nghiệp sữa từ 11/3 đến 11/4, Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện, Neslte đã ký thỏa thuận chia sẻ chi phí quảng cáo đối với Công ty Tetra Pak South East Asia Pte, là một công ty tại nước ngoài. Số tiền mà Nestle đã bỏ ra cho đối tác làm marketing lên tới hơn 27,1 tỷ đồng.

Thanh tra Bộ Tài chính cho biết các ngành nghề kinh doanh của Công ty này tại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không hề có chức năng thực hiện kinh doanh dịch vụ quảng cáo. 

Như vậy, Neslte đã vi phạm quy định tại Điều 39 của Luật Quảng cáo, các "tổ chức cá nhân nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu quảng cáo về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ và hoạt động của mình tại Việt Nam phải thuê người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam thực hiện".

Do đó, Thanh tra Bộ Tài chính đã yêu cầu Công ty TNHH Nestle' Việt Nam dừng việc này. Trường hợp Công ty Tetra Park South East Asia Pte có nhu cầu thực hiện các chiến dịch quảng bá, tiếp thị tại Việt Nam sẽ phải thuê đơn vị có chức năng kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam để thực hiện.

Ngoài việc chi hộ tiền cho đối tác nói trên, Công ty TNHH Nestle' Việt Nam cũng chi hộ 23,34 tỷ đồng cho Nestle S.A (chương trình phát triển bền vững cây cà phê). 
Nestle có nhiều khoản chi "khó hiểu".
Nestle có nhiều khoản chi "khó hiểu".

Thanh tra Bộ Tài chính cũng yêu cầu doanh nghiệp phải căn cứ các ngành nghề trong giấy chứng nhận đầu tư, thực hiện lập hóa đơn thuế giá trị gia tăng và điều chỉnh hạch toán thu nhập, chi phí tương ứng với các hoạt động thuộc Thỏa thuận Chương trình phát triển bền vững cây cà phê với Nestle S.A bảo đảm tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Lần thanh tra này cũng cho thấy, trong năm 2013, Nestle' Việt Nam đã trả 273,55 tỷ đồng cho Societe Des Produits Nestle S.A – là công ty chủ sở hữu bản quyền và các khoản tương tự của nhãn hàng sản phẩm của Tập đoàn Nestle'.

Giá trị phí bản quyền và các khoản tương tự được xác định là 5% trên giá bán tính cho toàn bộ sản phẩm bán ra, bao gồm cả hàng nhập khẩu, hàng sản xuất trong nước. Được biết, năm 2013, doanh thu hàng nhập khẩu chiếm 21% tổng doanh thu của công ty TNHH Nestle' Việt Nam. 

Theo báo cáo với Thanh tra Bộ Tài chính, Nestle đã thực hiện đóng thuế nhà thầu cho các khoản chi trên. Đồng thời, công ty không thực hiện tính phí bản quyền và các khoản tương tự trên vào giá trị tính thuế của hàng nhập khẩu số tiền là 57,445 tỷ đồng như khoản điều chỉnh cộng vì không đủ điều kiện theo Thông tư 205 của Bộ tài chính.

Liên quan vấn đề này, hiện Tổng cục Hải quan đã làm việc với Neslte và chưa có kết luận chính thức. Thanh tra Bộ Tài chính đã yêu cầu Neslte cần cung cấp đầy đủ số liệu, tình hình cho Tổng cục Hải quan xem xét để ra kết luận đúng quy định của pháp luật.

Thời gian qua, dư luận bất bình với những nghi án chuyển giá, gian lận thuế của một số “ông lớn” FDI như Coca Cola, Pepsi, Metro, Nike, Adidas,… Danh sách này còn kéo với những cái tên không mới nhưng lại bất ngờ gây “tiếng vang”. Một trong những cái tên đó là Nestlé.

Dính nghi án chuyển giá trốn thuế vì lỗ triền miên

Thực ra, nghi án gian lận thuế và chuyển giá của Nestlé đã xuất hiện từ năm 2013. Tuy nhiên, con số lỗ 30,8 triệu USD (tương đương 650 tỷ đồng) dường như vẫn “khiêm tốn” hơn con số ngàn tỷ của Coca Cola nên ông lớn nước giải khát đến từ Mỹ nghiễm nhiên trở thành thương hiệu được quan tâm hơn cả.

Do đó, trong nghi án chuyển giá, gian lận thuế, cái tên Nestlé trở nên “lu mờ” dù Nestlé là một trong những công ty có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng Việt đón nhận. 

Trong suốt 18 năm hoạt động tại Việt Nam, phía Nestlé cũng “tự hào” khi có 4 năm đạt lợi nhuận. Đó là năm 2007, 2008, 2011 và 2012. Nestlé khẳng định mỗi năm có lãi, công ty này nộp hàng chục tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà Nestlé đã nộp đạt khoảng hơn 300 tỷ đồng. Như vậy, trong suốt 18 năm hoạt động ở Việt Nam, Nestlé mới chỉ nộp vào ngân sách 300 tỷ đồng, quá nhỏ nhoi so với những gì mà Vinamilk, một công ty nội địa làm được.
Lĩnh vực hoạt động của Nestlé và Vinamilk có nhiều sản phẩm trùng khớp. Chi phí quảng cáo của Vinamilk cũng không hề khiêm tốn. Năm ngoái, ông lớn ngành sữa Việt Nam đã chi hơn 700 tỷ đồng cho marketing.
Chi đậm cho hoạt động quảng bá nhưng Vinamilk vẫn đều đặn báo những khoản lãi trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Không chỉ vậy, Vinamilk thường xuyên có mặt trong Top các doanh nghiệp đóng thuế cao nhất Việt Nam. 

Năm 2014, Vinamilk nộp thuế khoảng 1.400 tỷ đồng, cao gấp 4,7 lần số thuế của Nestlé nộp trong 18 năm hoạt động.

Công ty TNHH Nestle' Việt Nam là một trong số 5 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa được Bộ Tài chính tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá và thuế hồi tháng 3 năm nay.

Cuối năm 2013, kết quả kinh doanh được bật mí là con số thua lỗ tới hơn 30 triệu USD. Theo báo cáo tài chính của công ty Neslte, số lỗ này là lỗ luỹ kế tính đến năm 2012.

Trong 18 năm hoạt động ở Việt Nam, Nestle chỉ kinh doanh có lãi trong 4 năm là các năm 2007, 2008, 2011, 2012. Đáng chú ý, trong một chuỗi thời gian có lãi như vậy, Neslte lại có tới 2 năm giữa chừng là 2009-2010 bị lỗ.

Thông tin gần đây nhất là, dù lỗ, Neslte vẫn có những kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Chẳng hạn như việc mở thêm một nhà máy mới với số vốn 230 triệu USD ở Đồng Nai, đưa tổng vốn đầu tư của Nestle tại Việt Nam lên tới 466 triệu USD.

Theo kết quả thanh tra, năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, các công ty đều có việc điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (không có trường hợp giảm giá). Trong đó, Công ty TNHH Nestle' Việt Nam, từ ngày 01/02/2014 đã tăng giá 11/24 sản phẩm với mức tăng từ 5% - 9%.

Căn cứ Báo cáo kết quả thanh tra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật đã được xác định đối với từng công ty.

Cụ thể, xử phạt vi phạm hành chính về giá đối với Công ty TNHH Nestle' Việt Nam do trong năm 2013 đã kê khai thiếu 3/24 sản phẩm sữa, vi phạm quy định tại khoản 3, Điều11, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ.

Ngày 17/4/2014, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 62/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính về giá với mức xử phạt là 45 triệu đồng.

 
NHẤT NGÔN (TỔNG HỢP)