Xảy ra thất thoát, lãng phí phải quy trách nhiệm cá nhân
Nghị quyết của Bộ Chính trị về quản lý nợ công, cơ cấu ngân sách nhà nước khẳng định, đầu tư công kém hiệu quả, gây thất thoát là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ công tăng cao.
Cùng với việc làm rõ nguyên nhân dẫn đến đầu tư công kém hiệu quả, điều dư luận quan tâm hiện nay là vì sao sau khi phát hiện sai phạm, việc xử lý trách nhiệm cá nhân, thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát chưa được quyết liệt?
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Trần Quốc Thuận – nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu thực trạng: Thất thoát, lãng phí vốn tại các dự án đầu tư công xuất phát từ việc cấp trên thiếu trách nhiệm.
Những bài học như Vinashin, Vinalines gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, nhưng cuối cùng chỉ có cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp bị điều tra xử lý.
Trong khi đó lãnh đạo Bộ, Ngành chịu trách nhiệm quản lý thì gần như đứng ngoài cuộc.
Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đắp chiều vì hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí lớn cho ngân sách. Ảnh: Chí Cường/Đầu tư. |
Theo ông Trần Quốc Thuận, quy trình tại các dự án đầu tư công bắt nguồn từ chủ trương đầu tư. Sau khi có chủ trương, dự án được nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi và xem xét kỹ trước khi được phê duyệt.
Một dự án kém hiệu quả bắt đầu từ việc xác định sai chủ trương đầu tư, dẫn đến đầu tư không có hiệu quả, hoặc hiệu quả đầu tư kém.
Không ít nhà máy do xác định sai chủ trương đầu tư dẫn tới khi đưa vào hoạt động không có nguyên liệu, sản xuất không hiệu quả...
Từ chủ trương đầu tư đến khi có quyết định phải trải qua quá trình thẩm định, phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước.
“Như vậy nếu dự án đầu tư công kém hiệu quả đáng lẽ người đứng đầu cơ quan phê duyệt dự án phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên hầu hết tại các dự án kém hiệu quả thì cơ quan quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý phê duyệt dự án không nhận trách nhiệm về mình”, ông Thuận cho biết.
Luật sư Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, nguyên nhân đầu tư công kém hiệu quả kéo dài là do không quy rõ trách nhiệm cá nhân. ảnh: H.Lực |
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, những dự án như Vinashin, Vinalines... đầu tư thua lỗ, gây thiệt hại cho nhà nước hàng nghìn tỷ, tạo thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Những thua lỗ, thiệt hại ấy ai cũng biết, nhưng đáng tiếc là kết quả thu hồi tài sản về cho nhà nước thì quá thấp.
Điều đó suy cho cùng cũng xuất phát từ việc không quy trách nhiệm cá nhân đối với lãnh đạo của các cơ quan quản lý nhà nước.
Ngoài Vinashin, Vinalines, vừa qua Quốc hội đưa ra bàn về 5 dự án đầu tư do Bộ Công Thương quản lý gồm: Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2;Nhà máy xơ sợi Đình Vũ; Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học; Dự án Đạm Ninh Bình; Nhà máy Giấy Phương Nam.
Theo ông Trần Quốc Thuận, 5 dự án này đều do các Tổng công ty, Tập đoàn nhà nước làm chủ đầu tư. Bộ Công Thương là cơ quan quản lý đối với các Tập đoàn, Tổng Công ty này nên cũng phải chịu trách nhiệm.
“Tuy nhiên không thể chỉ nói chung chung là Bộ này, Ngành kia, mà phải làm rõ trách nhiệm cụ thể của cán bộ lãnh đạo nào, sai phạm ra sao, xử lý và khắc phục tài sản nhà nước bị thất thoát như thế nào.
Không có trách nhiệm từ lãnh đạo cấp trên thì làm gì có trách nhiệm phía dưới.
Vì thế cán bộ cấp trên được cấp dưới xem như cái ô che chắn cho cấp dưới”, ông Thuận nêu quan điểm.
Ngoài các dự án nói trên, theo ông Thuận, nếu vào cuộc điều tra, rà soát lại rất có thể sẽ phát hiện thêm các dự án khác thua lỗ, đầu tư không hiệu quả.
Với dự án đầu tư công, theo ông Thuận, ngay cả khi hoàn thành đưa vào sử dụng cần phải có đánh giá dự án đó hiệu quả thế nào? Có tương xứng với mức đầu tư không?
Quốc hội cần phải giám sát chặt chẽ dự án đầu tư công
Nguyên nhân dẫn đến đầu tư công kém hiệu quả, theo ông Thuận có lỗi rất lớn từ quá trình thanh tra, kiểm tra và cơ chế giám sát.
Tại sao thường xuyên có kiểm tra, thanh tra tại các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước, nhưng không phát hiện sớm những sai phạm? Tại sao kiểm tra, giám sát lại không sớm phát hiện những dự án của Bộ Công Thương quản lý có vấn đề?
Từ những câu hỏi trên, theo Luật sư Trần Quốc Thuận, cơ chế quản lý giám sát thực hiện các dự án công đang có lỗ hổng. Lỗ hổng đó có thể do khách quan nghiệp vụ, nhưng cũng có thể do chủ quan, lợi ích nhóm.
Ông Thuận ví von, thực hiện được việc thanh tra, kiểm tra, nhưng không phát hiện sớm sai phạm cũng giống như việc khám bệnh không phát hiện ung thư đến khi bệnh nặng thì vô phương cứu chữa.
Nói đến Nghị quyết của Bộ Chính trị về quản lý nợ công, cơ cấu ngân sách nhà nước, nguyên Phó chủ nhiệm Trần Quốc Thuận khẳng định là vô cùng cần thiết và kịp thời.
“Tuy nhiên vấn đề không phải chỉ dựa vào Nghị quyết của Đảng mà có thể giải quyết được tất cả các vấn đề tồn tại.
Có Nghị quyết nhưng đi vào thực hiện thế nào và giám sát thực hiện ra sao cần phải làm rõ”, ông Thuận cho biết.
Cũng theo ông Thuận, Đảng lãnh đạo thì đưa Nghị quyết có tính chất định hướng, mở đường, chứ không phải “cầm tay chỉ việc”. Do đó, sau Nghị quyết, Chính phủ phải vạch ra chương trình hành động mạnh mẽ, quyết liệt mới có thể từng bước đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Ông Thuận đặc biệt lưu ý vai trò của Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất. Theo đó, Quốc hội phải giám sát việc thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ, các Bộ, Ngành.
Ông Thuận đánh giá: “Cái dở là cán bộ lãnh đạo cấp cao không tự thấy trách nhiệm của mình, mà đã không thấy trách nhiệm thì không thể rút ra bài học thực tiễn.
Vì thế để Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống thì cần có những biện pháp làm cho cả bộ máy lãnh đạo phải nhìn thấy trách nhiệm của mình, đặc biệt người đứng đầu”.