Dự thảo Nghị định mới về tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu rõ, Bộ Công thương sẽ miễn nhiệm, cách chức TGĐ tập đoàn này nếu kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp. Theo đó, Dự thảo nghị định nhấn mạnh hai điều thứ nhất, Tổng giám đốc EVN sẽ do Bộ Công thương bổ nhiệm.
Thứ hai, Bộ Công thương sẽ miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Tổng giám đốc EVN nếu để EVN lỗ hai năm liên tiếp hoặc không đạt chỉ tiêu tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (do chủ sở hữu giao trong hai năm liên tiếp) hoặc ở trong tình trạng lỗ, lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được (trừ các trường hợp như lỗ theo kế hoạch, lỗ có lý do khách quan được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận...).
TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management - CIEM). |
Đánh giá dự thảo Nghị định mới này của Bộ Công thương, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management - CIEM) khẳng định: “Đây là điều mà Chính phủ và các Bộ ngành quản lý các Tổng công ty, Tập đoàn Nhà nước nên làm từ lâu”.
Là người có hàng chục năm dày công nghiên cứu các mô hình quản lý kinh tế doanh nghiệp, theo TS Lê Đăng Doanh việc áp dụng hiệu quả quản lý thể hiện bằng doanh thu, mục tiêu kinh doanh như Bộ Công thương đưa ra đã được các nước áp dụng từ lâu.
“Đến nay chúng ta mới áp dụng là chậm vì vậy suốt một thời gian dài kinh tế nhà nước luôn trì trệ, ỉ lại vào ngân sách nhà nước kinh doanh sản xuất không hiệu quả nhưng tuyệt nhiên không thấy một ông giám đốc doanh nghiệp nhà nước nào bị sa thải vì kinh doanh kém, đây là điều bất hợp lý” – TS Doanh nhận xét.
Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, với các nước áp dụng mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước rất chặt chẽ, như Trung Quốc khi tuyển dụng vị trí người đứng đầu doanh nghiệp: Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT… thường đi kèm theo đó là một bản cam kết hiệu quả kinh doanh theo các năm. Căn cứ vào đó họ sẽ trả lương, thưởng cũng như có hình thức xử lý như sa thải, đền bù thiệt hại nếu xảy ra thất thu, hiệu quả sản xuất kém.
Từ nghị định mới của Bộ Công thương trong việc tổ chức và hoạt động của EVN, TS Lê Đăng Doanh cho rằng Chính phủ nên áp dụng điều này với tất cả các doanh nghiệp tập đoàn, tổng công ty vốn Nhà nước để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Ở khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong - nguyên cán bộ Viện nghiên cứu kinh tế Hà Nội cho rằng, trước đến nay tình trạng doanh nghiệp Nhà nước lỗ lớn như EVN, Petrolimex nhưng người đứng đầu doanh nghiệp vẫn hưởng mức lương cao, điều này là bất hợp lý.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đã kinh doanh thì để đánh giá khách quan phải dựa trên hiệu quả kinh doanh, nếu lỗ thì đương nhiên người đứng đầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm từ giảm lương, không lương đến sa thải…
Trước đó, cũng liên quan đến vấn đề lương thưởng và trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước trong việc hưởng các chế độ lương thưởng. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng – Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thắc mắc việc hàng loạt tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nhiều năm báo lỗ cả nghìn tỉ đồng nhưng lương, thưởng lãnh đạo vẫn cao.
Tại văn bản trả lời, Thủ tướng cũng khẳng định: Còn một số doanh nghiệp xác định tiền lương thưởng chưa theo đúng quy định. Theo Thủ tướng việc kiểm tra, kiểm soát của chủ sở hữu không thường xuyên, vì vậy đã không phát hiện kịp thời sai phạm của doanh nghiệp để sớm ngăn chặn xử lý.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Hoàng Lực