Phải chăng, chỉ NTD Việt mới tự hành hạ mình thế này?

10/10/2011 08:47
Khuê Hạ (Tổng hợp)
(GDVN) - Bất chấp mưa gió hay nắng gắt, NTD vẫn chen lấn, xô đẩy nhau chỉ để mua được hàng khuyến mại. Không ít cảnh dở khóc, dở cười xảy ra...

>> Xem người tiêu dùng Việt tự hành hạ mình vì ham đồ giá rẻ

Mua giảm giá vài trăm, mất áo khoác triệu đồng


Những ngày vừa qua, cảnh hàng trăm người phụ nữ đội mưa đội gió đứng chờ chực tại cửa hàng Eva de Eva để "săn" hàng khuyến mãi đã khiến không ít người bất ngờ, ngạc nhiên. Người ta không hiểu tại sao việc giảm giá 50% các mặt hàng vào giờ giấc "đánh đố" (từ 21h ngày 5/10 đến 4h sáng ngày 6/10) tại hai cửa hàng trên phố Tràng Thi và Tôn Đức Thắng, Hà Nội lại có sức hút đến như vậy.
Chen lấn, xô đẩy nhau mua hàng khuyến mại của Eva de Eva. (Ảnh: Đất Việt)
Chen lấn, xô đẩy nhau mua hàng khuyến mại của Eva de Eva. (Ảnh: Đất Việt)

Lúc 20h30 (ngày 5/10) tại 69 Tràng Thi, mặc dù chưa đến giờ khuyến mãi nhưng bên trong căn phòng rộng chưa đầy 20 m2 là cảnh chen lấn, xô đẩy đến nghẹt thở. Nhân viên của Eva de Eva đang mướt mồ hôi tính tiền cho khách. Dưới sàn nhà, móc áo rơi vãi, trên những kệ trưng bày thì chỉ còn một hai chiếc áo,váy không mấy bắt mắt.

Càng sát giờ khuyến mãi, trời mưa mau hơn nhưng người kéo đến mỗi lúc một đông, vỉa hè trước cửa hàng lúc 21h cũng chật kín người.

Tại  một cửa hàng khách của Eva de Eva (173 Tôn Đức Thắng) lúc 21h15, tình trạng chen lấn cũng diễn ra tương tự. Khách hàng kéo đến để xe tràn lan dưới lòng đường gây tắc nghẽn giao thông hàng loạt khiến lực lượng công an phường phải kéo đến giải quyết.
 
Người đứng bên ngoài khó chịu, người mua được hàng bên trong đi ra cũng dở khóc dở cười. Một khách hàng vừa thoát ra khỏi đám đông hỗn loạn, cầm trên tay sản phẩm khuyến mãi của Eva nhưng mếu máo trình báo bảo vệ: “Tôi vừa bỏ cái áo khoác ra, để thử ướm đồ vào người, đến lúc quay lại đã không thấy áo khoác đâu nữa, mua giảm giá được vài trăm nghìn nhưng mất chiếc áo khoác da cả triệu đồng”. Bảo vệ cũng chỉ biết lắc đầu vì lượng người kéo đến quá đông, không thể kiểm soát được.

Hủy hoại nhan sắc vì ham đồ mỹ phẩm rẻ


Tại những chợ đêm Mai Dịch (Cầu Giấy, HN), Phùng Khoang (Thanh Xuân, HN), hay chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, HN) và các khu vực khác, chúng tôi đếm được tầm chục gian hàng chuyên bày bán các sản phẩm làm đẹp cho các quý bà, quý cô.

Những sản phẩm ở đây dán mác của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, nào Clinque (Mỹ), Shiseido (Nhật Bản), OHui (Hàn Quốc), L'oreal (Pháp), Estee Lauder (Mỹ), hay E’Zup, Lacvert, Lancôme, Clarins, Vichy... với giá cả dao động chỉ từ 30.000 đồng – 60.000 đồng/sản phẩm.
Không ít bạn gái đang hủy hoại nhan sắc của mình vì mua mỹ phẩm dởm mà không hề hay biết
Không ít bạn gái đang hủy hoại nhan sắc của mình vì mua mỹ phẩm dởm mà không hề hay biết

Các sản phẩm làm đẹp ở chợ được bán với giá chỉ bằng 1/10, thậm chí là 1/20 so với giá niêm yết của hàng chính hãng. Qua đó dễ thấy đây là mỹ phẩm nhái nhập lậu - mà tác hại của nó đã được minh chứng cũng như từng khiến nhiều người tiêu dùng hãi hùng.

Chị Hải, một người bán mỹ phẩm, cho biết: “Để sắm hoàn chỉnh một bộ make up cũng chỉ tốn khoảng 200.000 đồng. Giá thành như thế mới phù hợp với sinh viên và người lao động nghèo". Tại gian hàng của chị, nhiều mặt hàng bán đổ đống với giá 10.000 đồng/sản phẩm thu hút sự quan tâm của rất nhiều người mua.

Trao đổi với phóng viên, Trang Nhung (SV Học viện Bưu Chính) cho biết: "Đây là lần đầu tiên tập trang điểm nên em chưa biết loại phấn nào sẽ phù hợp với mình. Không biết chất lượng thế nào, nhưng người bán hàng giới thiệu sản phẩm này dùng hay lắm, nên em mua thử. Với lại giá cũng rẻ, nếu dùng không như ý mình thì bỏ đi cũng đỡ tiếc".

>> Xem người tiêu dùng Việt tự hành hạ mình vì ham đồ giá rẻ

Tuy nhiên, theo lời khuyên của nhiều chuyên gia của bệnh viện da liễu: Có thể do thiếu hiểu biết trong vấn đề làm đẹp này, hoặc có thể chỉ vì ham của rẻ mà rất nhiều người khi mua các sản phẩm không hề quan tâm đến độ an toàn cho da. Họ vẫn vô tư sử dụng mà không ngờ tới việc mình đang tự hủy hoại nhan sắc và sức khỏe của chính mình.

Mất tiền oan “mua rẻ thành đắt” ở chợ Giời


Anh Khương, một người bạn của phóng viên từng kể: Có dạo, anh tấp tểnh từ Hòa Bình ra Hà Nội tìm mua một cái máy bơm cũ. Anh đã phải cẩn trọng đến mức nhờ cả người quen ở Hà Nội dẫn đến chợ Giời. Tại đây, sau khi biết được nhu cầu của anh bạn, cánh chủ cửa hàng bán máy bơm cũ tranh nhau mời mọc, đưa đẩy. Vốn đã được nghe nhiều chuyện về chợ Giời, hai anh không "lượn lờ" nhiều mà rẽ ngay vào một cửa hàng bày la liệt máy bơm cả cũ lẫn mới để tránh sự dòm ngó của kẻ gian. Cửa hàng khá đông khách.

Có một chiếc máy bơm cũ của Liên Xô (trước đây), trông còn khá bắt mắt đang được mấy người khách xúm vào trả giá. Chủ hàng nhất định không bán. Thấy vậy, anh Khương liền mạnh dạn trả giá cao hơn hẳn so với mấy người kia. Chỉ chờ có thế, ông chủ hàng liền khoát tay, cất giọng vẻ đon đả: "Dễ ai cũng như quan bác thì có phải thuận mua vừa bán với nhau không, đằng này họ (chỉ đám khách mà cả giá trước đó) lại cứ chắc lép mất cả thì giờ. Tôi bán cho quan bác vả cũng để… giải vía".
Nhiều người mất tiền oan vì ham đồ rẻ ở chợ Giời.
Nhiều người mất tiền oan vì ham đồ rẻ ở chợ Giời.
Ai dè, chiếc máy bơm mang về, dùng được vài hôm thì phải vứt bỏ. Về sau, anh Khương mới vỡ lẽ, chiếc máy được chủ hàng tân trang lại cho bóng bẩy để hét giá cao. Còn những vị khách đã trả giá trước đó chỉ là "hệ thống cò mồi" - chuyên đóng giả khách hàng đi mặc cả để làm "lóa mắt" những "thượng đế" gà mờ.

Người bán giăng bẫy lừa kích cầu, giảm giá

Hiện nay, trên đường phố Hà Nội, TP. HCM hay nhiều tỉnh thành khác, nhan nhản các cửa hàng khác phô trương những băng rôn hoành tráng với những dòng chữ “mua một tặng một”, những combo (bộ sản phẩm đính kèm nhau) khuyến mại, và đặc biệt là những mặt hàng được quảng cáo là "giảm giá kịch sàn"... Những lời quảng cáo hấp dẫn này có sức hút cực mạnh, khiến nhiều người như thiêu thân trông thấy lửa, cứ mê mải lao vào không chút nghi ngờ.
Nhiều cửa hàng trưng biển quảng cáo giảm giá theo kiểu "treo thịt đầu dê bán thịt chó".
Nhiều cửa hàng trưng biển quảng cáo giảm giá theo kiểu "treo thịt đầu dê bán thịt chó".

Chị Lan, Bình Tân (TP. HCM) kể, tuần trước chị cùng gia đình dắt nhau vào một cửa hàng bán đồ gia dụng. Nhìn những tấm bìa dán dòng chữ khuyến mãi đỏ chói khắp nơi, nhu cầu mua sắm của gia đình chị bỗng "trỗi dậy". Một nồi cơm điện Trung Quốc trông rất đẹp lại được quảng cáo giảm giá trên 100.000 đồng, còn 500.000 đồng, chị Lan liền khuân ngay mà không một chút do dự.

Tuy nhiên, hôm sau đến nhà người bạn chơi, chị thấy cũng có một nồi cơm điện giống y chang. Tò mò hỏi thăm giá thì được chủ nhà cho biết mới mua tại một trung tâm điện máy lớn cũng với giá 500.000 đồng không có khuyến mãi. "Lúc đó tôi thấy nóng ran người. Thực ra họ đã niêm yết giá gốc cao hơn để khuyến mãi nhằm thu hút khách chứ chẳng giảm tí nào", chị chia sẻ.

Vợ chồng cãi nhau vì trót mua vàng hạ giá

Giá vàng tăng dựng đứng, sau đó nhanh chóng tuột dốc, rồi lại đảo chiều… Biên độ lớn, thời gian ngắn, xu hướng khó lường…, diễn biến của thị trường vàng những ngày qua như một cơn lốc xoáy, cuốn quay cuồng không chỉ giới đầu tư mà cả những người dân ít có cơ hội mua bán, tích trữ vàng. Một nghịch lý muôn thuở tới nực cười xuất hiện trên thị trường vàng hiện nay là: Cứ mỗi lần giá xuống là người dân lại đổ xô đi mua vàng gây ra không ít cảnh dở khóc, dở cười.
Nhiều người đổ xô đi mua vàng khi thấy vàng hạ giá (Ảnh: VNE)
Nhiều người đổ xô đi mua vàng khi thấy vàng hạ giá (Ảnh: VNE)

10h đêm, anh Dương  - chồng chị Thu ở phố Trương Định, Hà Nội mon men tới bên vợ nói nhỏ: "Xin lỗi vợ, anh rút tiền tiết kiệm sớm để mua vàng. Định bụng nếu thắng sẽ bù thêm chút nữa để đổi chiếc xe máy cho vợ. Ai dè, sau hai lần thắng, hôm qua giá tụt nhanh quá, anh không kịp bán nên ôm số vàng về nhà".

Chị Thu gần như chết lặng, hơn 200 triệu đồng là khoản tiết kiệm duy nhất mà anh chị có. Vốn "ăn chắc mặc bền", lâu nay chị Thu chỉ có kênh đầu tư duy nhất là gửi ngân hàng ăn lãi suất. Hai vợ chồng đã thống nhất tiền tiết kiệm chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết hoặc có biến cố trong nhà.

Vậy mà, chẳng bàn bạc gì với vợ, ông xã chị đùng đùng ra ngân hàng rút sạch rồi đầu tư vào vàng. Không nén nổi giận, bao nhiêu tức bực chị Thu trút hết ra và nội chiến đã bắt đầu xảy ra.

Cách đây ít tuần, chẳng biết nghe bạn nghe bè kiểu gì, đùng một cái chị Minh giáo viên cấp II ở Hà Nội dồn hết số tiền hơn 100 triệu đồng tiết kiệm của gia đình đổ vào vàng. Anh Khang – chồng chị cho hay kể từ khi dính vào vàng, chị nhà mất hẳn nét dịu dàng của cô giáo, thay vào đó là hình ảnh một bà buôn chi ly tính toán hằng đêm. Thậm chí, đang nấu cơm trong bếp, hoặc đang ủi đồ, chị nhà cũng thậm thụt điện thoại cho bạn bè rồi thở độc ra câu: "Mai sẽ lên hay xuống".

"Đôi lúc tôi chỉ biết lạy giời cho cơn sốt vàng qua đi, giá cả bình ổn cho cuộc sống của tôi đỡ bị xáo trộn", anh Khang chia sẻ.

>> Xem người tiêu dùng Việt tự hành hạ mình vì ham đồ giá rẻ
Khuê Hạ (Tổng hợp)