(GDVN) – Sau khi quảng cáo Kangaroo được phát liên tục giữa giờ nghỉ của trận chung kết Cúp C1 gây phản ứng mạnh cho người xem, nhiều khán giả Việt Nam đặt câu hỏi: Phải chăng chỉ cần có tiền là bất cứ quảng cáo nào cũng sẽ vượt qua giai đoạn kiểm duyệt? Chỉ cần có tiền thì những quảng cáo kiểu Kangaroo kia vẫn có thể liên tục “hành” người xem đến phát cáu? Hay vì tất cả các chương trình phát trên VTV đều miễn phí nên nhà đài "cho" gì, người xem phải "xem" nấy?.
>> Kangaroo: "Quảng cáo của chúng tôi không hề phản cảm"
>> "Chỉ vừa nghe tên Kangaroo đã muốn tẩy chay"
>> Thư gửi Kangaroo và ông VTV!
Trong vai một đơn vị muốn làm quảng cáo đăng tải trên đài VTV3, chúng tôi nhận được nhiều lời mời gọi. Có không ít các nhân viên quảng cáo vẫn làm khâu trung gian giúp khách hàng hợp tác với nhà đài. Chị H., từng làm trực tiếp ở trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam (TVad), hiện đã chuyển sang hoạt động quảng cáo cho một tờ báo riêng, cho biết: Khách hàng muốn quảng cáo trên các chương trình của VTV có thể trao đổi, làm việc trực tiếp với chị nhưng hợp đồng, dấu đỏ và hóa đơn sẽ do bên đài cung cấp và giá tính theo mức giá niêm yết trên website của đài.
Những "tín đồ" của Doremon đã coi âm thanh trong quảng cáo chẳng khác nào giọng ca của Chaien "chọc tức khán giả". |
Ứng với mỗi mã giờ sẽ có những khung tiền khác nhau, tùy thuộc vào thời lượng phát sóng (có thể là 10 giây, 15 giây, 20 giây hoặc 30 giây). Khung giờ diễn ra trận chung kết C1 vừa rồi rơi vào khoảng từ 0 – 7h (D1), phát trên VTV3, theo biểu giá của TVAD cung cấp trên website sẽ có mức giá như sau: 3,5 triệu/1 tvc (mẫu quảng cáo bằng video clip ngắn kết hợp của hình ảnh, chuyển động và âm thanh) 10 giây; 4,2 triệu cho tvc 15 giây; tvc 20 giây có giá 5,25 triệu đồng và 30 giây tvc tương ứng là 7 triệu đồng. Theo đó, số tiền mà phía Kangaroo chi cho 54 tvc trong một thời gian ngắn phát trận đấu là không nhỏ.
Về quy trình kiểm duyệt các tvc, chị H. khẳng định chắc nịch: Tất cả các hình ảnh, tvc sử dụng đăng tải trên đài VTV đều được các cơ quan ban ngành liên quan kiểm duyệt sát sao 4 – 5 ngày trước khi phát sóng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là: Những quảng cáo như kiểu Kangaroo vẫn được phát không chỉ một lần mà nhiều lần liên tiếp thì chất lượng kiểm duyệt của VTV như thế nào hay chỉ cần có tiền là mọi thứ sẽ lên sóng?.
Nhiều phản hồi của khán giả lên tiếng phản đối VTV trong việc đăng tải quảng cáo "siêu vô văn hóa" kiểu kangaroo. |
Nhiều thành viên của diễn đàn này cũng lên tiếng than thở: “Sợ nhất cái kiểu lúc đầu chưa kịp chỉnh volume, thì bị ngay câu "Uỳnh! Kangaroo máy lọc nước hàng đầu Việt Nam"... hết cả hồn”. Bạn lannntm bày tỏ sự phẫn nộ: "Không có văn hóa hay sao mà phát cái quảng cáo như vậy giữa đêm hôm”.
Trong khi đó, phản hồi tới tòa soạn báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, độc giả Bùi Thu Hoa chia sẻ: “Sau sự kiện một số bộ phim truyền hình ngớ ngẩn như "Anh chàng vượt thời gian" (đã bị khán giả đòi ngưng phát sóng) và "Xin thề anh nói thật" (cũng bị đòi ngưng nhưng nhà Đài chưa ngưng) cộng thêm cái quảng cáo ngớ ngẩn này, chứng tỏ VTV3 đang gửi tới người xem 1 thông điệp: "Đấy, xem truyền hình miễn phí thì cho cái gì phải xem cái đấy". Mình nghĩ là ngoài việc phản ứng với Kangaroo thì trách nhiệm còn thuộc về đài truyền hình nữa. Nếu không khán giả sẽ còn bị coi thường dài dài...”.Nhiều người cũng cùng chung quan điểm khi cho rằng: Nếu nhà đài không phát quảng cáo này thì đâu có thảm họa quảng cáo như vừa qua và hàng triệu tín đồ của túc cầu giáo đã chẳng phải bị “hành hạ” bởi những âm thanh khó nghe như thế. “Vẫn biết là chúng ta đang xem truyền hình miễn phí, vẫn biết nhà đài cũng cần quảng cáo để “kiếm cơm” nhưng thiết nghĩ, một hãng thông tấn lớn nhất Việt Nam, đại diện của truyền thông cả nước, VTV cũng nên tôn trọng khách hàng và nên lựa chọn thông tin đăng tải của mình cho phù hợp”, bạn Bùi Mạnh Hùng, sinh viên trường Đại học Điện lực nói.
Nhà đài kiểm điểm, rút kinh nghiệm về quảng cáo Kangaroo Theo VTC News |