Phải chấp nhận sự “ra đi” của một vài NH để hệ thống được ổn định

22/01/2013 07:21
Theo TTVN
Theo ông Võ Trí Thành – Viện phó Viện Quản lý kinh tế Trung ương: “Giải quyết nợ xấu gắn với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Chúng ta phải chấp nhận sự ra đi của một số ngân hàng yếu kém để đổi lấy sự ổn định và phát triển của toàn hệ thống, không nên giữ quan điểm không để tổ chức tín dụng nào phá sản.
Ông Võ Trí Thành
Ông Võ Trí Thành
Trao đổi về phương án xử lý nợ xấu của Chính phủ, ông Võ Trí Thành – Viện phó Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ năm 2012, nhưng quá trình xử lý có phần chậm trễ do thiếu tính kiên quyết và triệt để. Theo ông Thành, nguyên nhân là do thiếu sự giải trình với xã hội trước những phản ứng của thị trường về dòng tiền, lợi ích nhóm liên quan đến trục trặc trong hệ thống ngân hàng. Do đó, việc thành lập công ty mua bán nợ xấu (AMC) chỉ là giải pháp quan trọng trong tổng thể giải pháp liên quan đến việc giải quyết nợ xấu hiện nay của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, để xử lý nợ xấu, phải đảm bảo thị trường mua bán nợ có thanh khoản và tối thiểu hóa chi phí của Nhà nước. Ông Thành tiết lộ, trong tháng này, Nghị định hay khung pháp lý về VAMC có thể chính thức ra đời. “Nguồn tiền cho hoạt động của AMC có thể do Ngân hàng Ngân hàng Trung ương bơm tiền hoặc là phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh. Tuy nhiên, AMC nên trực thuộc Chính phủ chứ không “nằm” trong NHNN hay Bộ Tài chính, đồng thời nên để nhiều cơ quan tham gia để đảm bảo tính minh bạch, chống lợi ích nhóm” – Ông Thành góp ý. Ông Thành cũng bày tỏ băn khoăn, điều khó nhất hiện nay là liệu các nhà hoạch định chính sách có dám ra trước thị trường để giải trình minh bạch không, trong bối cảnh nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm. Đồng thời, việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng cần làm quyết liệt hơn bởi nếu không dòng tín dụng không ra được mà hệ thống tín dụng của Việt Nam cũng không thể lành mạnh được. “Giải quyết nợ xấu gắn với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Chúng ta phải chấp nhận sự ra đi của một số ngân hàng yếu kém để đổi lấy sự ổn định và phát triển của toàn hệ thống, không nên giữ quan điểm không để tổ chức tín dụng nào phá sản” – ông Thành nói. Thông điệp của Việt Nam trong năm 2013 là tiếp tục ổn định kinh tết vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ nên rất có thể 6 tháng đầu năm nay tín dụng sẽ chưa thể tăng mạnh do các ngân hàng còn phải tập trung giải quyết nợ xấu; và điều đó sẽ giúp Chính phủ có thể “bơm” tiền nhiều hơn qua kênh chính sách tài khóa trong 6 tháng đầu năm; chính sách tiền tệ sẽ bớt chặt hơn vào 6 tháng cuối năm. Dự kiến cả năm tăng trưởng tín dụng sẽ vẫn đạt mức 12 – 13%.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo TTVN