Trước thực trạng người dân ở nhiều khu vực tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành đang phải sử dụng nước sinh hoạt không đảm bảo, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia trong lĩnh vực môi trường - Phó Giáo sư Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa 13). Bà cũng là một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực môi trường.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng cần sớm có một cuộc tổng kiểm tra nước sinh hoạt trên toàn quốc để bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó những thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần gương mẫu làm trước. ảnh: GDVN. |
Những năm gần đây người dân ở nhiều khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương đều đã đối diện với vấn đề nước sinh hoạt bẩn, ảnh hưởng tới sức khỏe. Vậy theo bà, cần làm những gì để chấm dứt hoàn toàn tình trạng này?
Phó Giáo sư Bùi Thị An: Chúng ta biết rằng Bộ Y tế đã có quy định về chất lượng nước sinh hoạt mà lâu nay vẫn gọi một cách phổ biến là nước sạch. Trên thực tế những năm qua, người dân ở nhiều khu vực tại Thủ đô than phiền về nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo, rất nhiều cặn, nước ngả màu vàng thậm chí có màu đen do đường ống quá bẩn.
Nước là nhu cầu thiết yếu của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Hãy thử hình dung xem nếu như hàng ngày đều nạp vào cơ thể một khối lượng nước không đảm bảo thì hậu quả sẽ ra sao? Mặc dù những năm gần đây do khoa học kỹ thuật phát triển nên các gia đình đã lắp thêm bình lọc riêng, nhưng cũng chỉ cải thiện phần nào chứ không thể giải quyết triệt để, thật an tâm về nguồn nước sinh hoạt.
Chỉ một vài tuần mở các lõi lọc ra là thấy ngay nước mà nhà máy, xí nghiệp cung cấp bẩn đến thế nào. Vậy mà như trước kia không có các lõi lọc ấy, người dân sử dụng nước trực tiếp ngay tại vòi thì nguy cơ tổn tại tới sức khỏe khủng khiếp ra sao?
Nước chứa nhiều tạp chất sẽ gây nguy hại lớn cho nội tạng, nhất là gan và thận và chắc chắn nếu hàng ngày uống nước không thực sự sạch (vẫn còn tạp chất, còn cặn) thì đó là nguyên nhân gây ra sỏi thận.
Bên cạnh đó, do nước có quá nhiều cặn còn gây hỏng các thiết bị đồ dùng, làm quần áo nhanh bị chuyển màu… tóm lại là gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của mỗi gia đình.
Tôi cho rằng cần phải đặt vấn đề này ở tầm quốc gia thì mới giải quyết được, tức là phải có sự vào cuộc của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Phải có một cuộc tổng rà soát trên toàn quốc, kiểm tra tới đâu xử lý dứt điểm tới đó.
Nước sinh hoạt ở chung cư New Horizon City (87 Lĩnh Nam, Hà Nội) bị nhiễm bẩn. Công ty Cổ phần Xây dựng và Kỹ thuật Việt Nam (Vinaenco) làm chủ đầu tư xây dựng toà nhà này. Còn đơn vị cấp nước và Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàng Mai. |
Nước là một phần vô cùng quan trọng của cuộc sống, có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, tương lai của giống nòi Việt Nam. Theo bà, liệu đã đến lúc Quốc hội phải thực hiện giám sát việc cung cấp nước sinh hoạt trên cả nước?
Phó Giáo sư Bùi Thị An: Tại kỳ họp giữa năm 2019, Quốc hội đã ra Nghị quyết giám sát về an toàn thực phẩm. Đây là một vấn đề rất thời sự và Quốc hội đã kịp thời vào cuộc, nhưng tiếc là vấn đề nước sinh hoạt của toàn dân thì chưa được đề cập tại kỳ họp này.
Tôi hy vọng ở kỳ họp cuối năm 2019, Quốc hội sẽ quan tâm tới vấn đề nước sinh hoạt của nhân dân, bởi nước uống quan trọng không kém gì bất cứ loại thực phẩm nào, nhưng hiện nay nhiều người chưa thực sự đánh giá đúng mức độ nguy hại với “nước sinh hoạt bẩn” là vì nó không gây bệnh ngay lập tức, không gây chết người ngay lập tức.
Nhưng nếu nhìn xa hơn, một năm hoặc vài năm sau thì bệnh tật sẽ từ các nguồn nước không đảm bảo nảy sinh, đó chính là vấn đề rất lớn của quốc gia – sức khỏe của giống nòi, nhất là với hàng chục triệu trẻ em.
Đối với Hà Nội, như tôi đã nói ở trên có khá nhiều phản ánh của người dân về tình trạng nước sinh hoạt không đảm bảo, thậm chí người dân bức xúc tới mức họ tự mang nước đến các trung tâm kiểm định và phát hiện ra rằng nhiều chất trong nước đã vượt quy định cho phép rất nhiều lần.
Những năm gần đây, các đồng chí lãnh đạo Hà Nội cũng đã có nhiều cố gắng để thay đổi diện mạo của thành phố, vì vậy bên cạnh việc phát triển kinh tế thì tôi mong rằng các đồng chí sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn tới vấn đề môi trường, trong đó có vấn đề khói bụi, rác thải và nước sinh hoạt.
Trên thực tế thì các đồng chí lãnh đạo thành phố cũng đã có cố gắng xử lý vấn đề này, đã có những dự án mới ra đời áp dụng công nghệ hiện đại, nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là phải triển khai đồng bộ trên toàn thành phố, chứ không thể ở khu này thì nước sạch mà khu khác nước bẩn.
Để giải quyết vấn đề ấy, tôi cho rằng thành phố cần chủ động rà soát toàn bộ các nhà máy xem họ đang khai thác nguồn nước nào, sử dụng công nghệ gì? Nhà máy nào không đáp ứng được thì phải đầu tư lại, nếu không thì phải có một cơ chế nào đó, phải có lộ trình chấm dứt hoàn toàn nỗi lo của dân về nước bẩn.
Tôi cũng mong Quốc hội sẽ sớm đặt ra vấn đề này và lấy một số thành phố lớn làm thí dụ điển hình.
Bà nghĩ sao khi hàng triệu người dân trả tiền mua nước sinh hoạt (nước sạch), nhưng thực tế nước bị bẩn (rất nhiều cặn và kim loại nặng vượt quy định cho phép). Ở một khía cạnh nào đó thì người tiêu dùng đang bị lừa dối và họ không thể biết được các nhà máy cung cấp nước đang sử dụng công nghệ gì, đường ống gì, quy trình lọc nước ra sao... có đảm bảo an toàn không. Làm cách nào để minh bạch vấn đề này, thưa bà?
Phó Giáo sư Bùi Thị An: Từ trước tới nay chưa bao giờ có một cuộc tổng kiểm tra nước sinh hoạt trên toàn quốc, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Vì vậy khi thiết bị cũ lạc hậu không được đầu tư, thay thế sẽ dẫn tới chất lượng nước kém và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.
Thực tế người dân ở nhiều nơi bỏ tiền mua nước sạch nhưng họ lại nhận về nước bẩn, thế có nghĩa là đơn vị cung cấp không hoàn thành trách nhiệm.
Vì các địa phương chưa có tổng kiểm tra rà soát nên chưa thống kê được đơn vị nào đáp ứng được tiêu chuẩn và đơn vị nào yếu kém để xử lý.
Tôi khẳng định lại một lần nữa đây là vấn đề mang tầm quốc gia và phải có sự chỉ đạo đồng bộ của cả hệ thống chính trị thì mới giải quyết được trên toàn quốc. Còn với địa phương phải thực sự quyết liệt, tôi tin rằng nếu các đồng chí vào cuộc quyết liệt thì sẽ nhanh chóng giải quyết được vấn đề này.
Ở khu vực phố Tư Đình (phường Long Biên, quận Long Biên), nước bám cặn đầy các thiết bị, các vòi ống. Vài ngày không dùng hóa chất tẩy rửa là thiết bị chuyển màu. Với chất lượng nước như vậy người dân rất lo lắng cho sức khỏe. |
Bà có cho rằng, nếu một nhà máy nước nào đó ăn bớt quy trình, bán nước không đảm bảo chất lượng cho người dân thì đấy là một tội ác?
Phó Giáo sư Bùi Thị An: Kinh doanh nước là một lĩnh vực hết sức đặc thù, nó khác biệt hoàn toàn với các lĩnh vực khác, bởi có ảnh hưởng tới sức khỏe của từng con người. Vì vậy mà vấn đề đạo đức phải được đặt lên đầu tiên, tôi thấy rất lạ là dù ở nhiều nơi nước xí nghiệp cung cấp bẩn như vậy mà họ vẫn thu tiền, giải thích qua loa rồi thôi, chứ chẳng bao giờ xin lỗi dân công khai hay đền bù cho người dân.
Thậm chí ở một số nơi khi người dân đưa bằng chứng nước có tạp chất, có những chất vượt nhiều lần quy định thì các xí nghiệp, nhà máy vẫn cố gắng giải thích họ đã làm đúng quy trình, đúng quy định và coi như không có chuyện gì. Còn vấn đề ăn bớt quy trình lọc nước để giảm bớt chi phí và tăng lợi nhuận thì tôi mong là không xảy ra, vì nếu điều đó có thật thì đấy là tội ác, phải nghiêm trị.
Trân trọng cảm ơn bà!