Theo báo cáo tại hội nghị, thời gian qua, thị trường vận tải hàng không Việt Nam luôn đạt được sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2009-2014 là 13,9% về hành khách và 16,7% về hàng hóa.
Năm năm qua, công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không cơ bản được giữ vững, những sự cố được xử lý khắc phục kịp thời. Ngành hàng không tiếp tục có sự phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, giữ vững 17 năm liên tiếp không để xảy ra tai nạn hàng không.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu nhận định, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng chất lượng đảm bảo an ninh hàng không chưa thực sự bền vững; hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm an ninh hàng không chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ; tính chuyên nghiệp của nhân viên an ninh hàng không chưa cao.
Tình trạng mất cắp tài sản trong vận chuyển bằng đường hàng không, lợi dụng vị trí việc làm để buôn lậu vẫn chưa chấm dứt. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại các cảng hàng không còn thiếu chặt chẽ, nên còn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh hàng không và gian lận thương mại.
Tình trạng ăn cắp vặt hành lý làm mất niềm tin của hành khách. ảnh: Tuổi trẻ. |
Các ý kiến tại đầu cầu Hà Nội cũng như các địa phương đều thống nhất cần sớm kết nối dữ liệu thông tin của các ngành chức năng về thông tin hàng hóa, hành khách vận chuyển hàng không, không chỉ có những phương án phối hợp đòi hỏi phải xây dựng quy trình xử lí cụ thể ở các sân bay quốc tế, có phân định tình huống để xử lí, tránh chồng chéo giữa các lực lượng.
Đặc biệt, có thể làm mẫu ở Nội Bài, Tân Sơn Nhất, sau đó triển khai ra các sân bay trong toàn quốc.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Chủ tịch Ủy ban an ninh hàng không dân dụng quốc gia yêu cầu có giải pháp quyết liệt, xử lý kịp thời đối với những hạn chế, những nguy cơ đe dọa an ninh hàng không còn tiềm ẩn.
"Một hiện tượng nếu nhìn qua là chuyện nhỏ như ăn cắp vặt hành lý,
làm mất tài sản của hành khách, lòng tin của hành khách, nhưng điều lớn hơn chính là vẫn còn những lỗ hổng an ninh, những yếu kém quản lý đáng lo ngại", Phó Thủ tướng lấy ví dụ.
Đồng thời, Phó Thủ tướng khẳng định: "Không thể coi đây là hiện tượng, hay chỉ là vi phạm nhỏ, vì trong lĩnh vực này có thể chỉ là chuyện nhỏ, nhưng có thể phải rút kinh nghiệm hay mất hình ảnh cả vài chục năm, thậm chí là không được phép sai lầm".
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu chú trọng công tác phối hợp xây dựng thông tư liên ngành để hướng dẫn thực hiện; đồng thời các cơ quan hữu quan cần lên kịch bản, xây dựng phương án để xử lý các trường hợp, tình huống cụ thể, làm sao để có đầy đủ những phương án vận hành, xử lý mọi trường hợp có thể xảy ra.
Đặc biệt nhấn mạnh công tác đảm bảo an ninh hàng không và phòng ngừa, ngăn chặn hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng là rất quan trọng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị công tác này cần được tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới...
Các bộ, ngành liên quan, các địa phương có sân bay, cảng hàng không phải xây dựng đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cụ thể. Ủy ban an ninh hàng không dân dụng quốc gia, Ban Chỉ huy khẩn nguy hàng không địa phương và các cơ quan hữu quan giao ban thường xuyên, khẩn trương xây dựng danh mục các yếu tố đe dọa đối với hàng không để nắm chắc các nguy cơ, xây dựng các phương án xử lý cụ thể.
Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành hữu quan xây dựng và tăng cường việc trao đổi, liên kết thông tin để phối hợp tốt trong đảm bảo an ninh hàng không.
Bộ GTVT khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ xem xét gia nhập Công ước và Nghị định thư Bắc Kinh 2010 về ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn của hàng không dân dụng.