Ngày 11/5, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe Bộ Y tế báo cáo về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế; phương án giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với 2 dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; vấn đề tự chủ bệnh viện; bảo đảm đủ vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, toàn ngành y tế đã tạm thời vượt qua những khó khăn, thách thức thời gian qua, nhưng cần đưa ra lộ trình, hướng đi bài bản, bền vững hơn.
Trong đó việc ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật, hoàn thiện các cơ sở pháp lý rất quan trọng và cần sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ sở y tế, bộ, ngành liên quan đến tài chính y tế, bộ máy tổ chức, đào tạo nhân lực.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục có phương án thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá để các địa phương có căn cứ mua sắm, không để thiếu vaccine cho tiêm chủng mở rộng - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
"Văn bản pháp luật đầy đủ thì hoạt động của ngành y tế mới nhịp nhàng, không lúng túng, bị động, bảo vệ được cơ sở y tế, cán bộ, nhân viên y tế, từ đó thực hiện hiệu quả chính sách y tế. Đây là trách nhiệm chung, nhưng Bộ Y tế phải có quan điểm trước, rõ ràng", Phó Thủ tướng nói.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ đang tập trung xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Khám chữa bệnh (có hiệu lực từ 1/1/2024); hoàn thiện dự thảo các thông tư liên quan đến quy định của Luật Giá, Luật Đấu thầu theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 4/3/2020 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Bộ Y tế cũng tích cực triển khai thực hiện Nghị định số 07/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế; Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024.
"Đến thời điểm này, cơ bản không thiếu các loại thuốc liên quan đến gia hạn số đăng ký lưu hành. Tổng số thuốc có giấy đăng ký lưu hành, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay khoảng trên 22.000 loại", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo về tình hình xây dựng các văn bản pháp luật của ngành y tế thời gian qua - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Đáng chú ý, Bộ Y tế đã hoàn thiện dự thảo "Thông tư hướng dẫn xây dựng giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu" và "Thông tư hướng dẫn xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập", tổ chức lấy ý kiến của các bộ, ngành, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và sở y tế tỉnh, thành phố.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu: Trong quá trình xây dựng thông tư về giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, Bộ Y tế cần tính đúng, tính đủ, đề xuất nguyên tắc điều chỉnh giá tự động…
Liên quan đến thông tư hướng dẫn về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, thông tư phải bao quát những nguyên tắc chung, đồng thời hướng dẫn chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc thù của ngành y tế, có cơ chế hội đồng khoa học để xem xét tiêu chí, tiêu chuẩn đấu thầu bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh, hiệu quả kinh tế về mặt tổng thể, lấy ý kiến của các cơ sở y tế, cơ quan quản lý y tế thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định…
Phó Thủ tướng lưu ý, các loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị phải đấu thầu tập trung, đàm phán giá cấp quốc gia để giảm giá thành, còn những loại thuốc biệt dược, thuốc hiếm có thể giao cho địa phương thực hiện.
Đối với việc triển khai thực hiện tự chủ bệnh viện theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế-dân số; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; các hoạt động kinh tế và lĩnh vực khác, Bộ Y tế có 45 đơn vị đã được giao tự chủ tài chính giai đoạn 2022-2025, còn 47 đơn vị phân loại tự chủ tài chính thuộc nhóm 3, nhóm 4, Bộ Tài chính đang tiếp tục rà soát và thống nhất với Bộ Y tế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ văn bản pháp luật đầy đủ thì hoạt động của ngành y tế mới nhịp nhàng, không lúng túng, bị động, thực hiện hiệu quả chính sách y tế - Ảnh; VGP/Minh Khôi |
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở y tế về mô hình, cơ chế, chính sách tự chủ đồng bộ theo các mức độ khác nhau, có tính đến giá dịch vụ khám chữa bệnh, nguồn lực Nhà nước để bảo đảm an sinh xã hội, công bằng trong tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ; đưa nội dung tự chủ, hợp tác công tư vào các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Khám chữa bệnh.
Đáng chú ý, tại cuộc họp, nhiều ý kiến đã nêu khó khăn, vướng mắc trong việc bảo đảm vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng sau khi chuyển từ cơ chế đặt hàng tập trung của Bộ Y tế để phân bổ cho các địa phương sang để cho các địa phương tự đấu thầu mua vaccine.
Cụ thể, một số loại vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng vốn được cung cấp theo cơ chế đặt hàng nên chưa có nhà cung cấp, không có kê khai giá, chưa có số đăng ký lưu hành… nên không đủ điều kiện để đấu thầu, mua sắm; cơ chế kiểm định các lô vaccine trước khi tiêm chủng cũng gây khó khăn cho các địa phương nếu thực hiện riêng lẻ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, trên cơ sở cân đối nguồn vaccine viện trợ, xem xét, có phương án thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá để các địa phương có căn cứ mua sắm, không để thiếu vaccine cho tiêm chủng mở rộng.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã báo cáo về những khó khăn, vướng mắc và phương án thúc đẩy dự án Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam.
Nhấn mạnh yêu cầu cấp bách của việc hoàn thành 2 dự án bệnh viện, Phó Thủ tướng cho ý kiến về phương án tiếp tục thực hiện 2 dự án; hoàn thiện thủ tục về đấu thầu, nghiệm thu, lập dự toán theo đúng quy định; điều chỉnh cục bộ dự án…