LTS: Thiếu văn hóa ứng xử đang là "góc tối" trong bức tranh phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất của hàng không Việt Nam hiện nay. Câu chuyện dưới đây của Blogger Nguyễn Ngọc Long - Công ty truyền thông Trăng Đen - ghi lại những điều anh chứng kiến trên một chuyến bay nội địa của hàng không Việt Nam có thể giúp độc giả hiểu hơn "góc tối" này:
"Những ngày qua, nhiều tờ báo nói đến văn hóa hàng không, phân tích cách cư xử của hành khách trên nhiều chuyến bay. Tuy nhiên, phải thực sự được nhìn tận mắt, nghe tận tai mới hiểu hết. Để rồi lặng buồn bởi văn hóa ứng xử của không ít người.
Chuyến bay của tôi dự định cất cánh 23h đêm nhưng bị thông báo chậm chuyến (delay) đến hai lần.
Khi nghe thông báo chuyến bay bị chậm trễ, là hành khách tôi không vui vẻ gì, bởi chậm chuyến bay sẽ ảnh hướng đến kế hoạch công việc của mình. Nhưng biết làm sao, delay chuyến bay là chuyện đặng chẳng đừng của hãng hàng không.
Nhưng rồi với những gì chứng kiến sau đó, tôi phải cám ơn bởi nếu chuyến bay không bị delay, tôi sẽ không được nghe và thấy những điều mà từ trước đến nay tôi chỉ đọc được trên báo chí.
Cảnh nhóm hành khách bu lại vây lấy quầy nhân viên hàng không khi chuyến bay bị delay |
Nếu tìm hiểu một chút về hàng không, ai cũng biết một chuyến bay có thể bị delay vì rất nhiều lý do bất khả kháng như thời tiết, trục trặc kỹ thuật, chim trời… Và cũng có rất nhiều lý do khiến chuyến bay bị chậm mà hành khách có bức xúc, la hét... cũng không thay đổi được.
Trở lại câu chuyện của tôi, ngay khi hãng hàng không báo chậm chuyến, nhiều hành khách trên chuyến bay đã bất ngờ sử dụng quyền lực "thượng đế" của họ một cách đáng sợ.
Hết chất vấn lịch sự họ quay sang lý luận so sánh hết sức vô lý. Có hành khách cho rằng, khách trễ có 12 phút thì hãng phạt 450.000 đồng, còn hãng hàng không trễ 1 tiếng thì giờ tính sao?
Nghe tới đó tôi giật mình với cách lý luận ấy. “Trễ 12 phút thôi”, câu nói ấy thể hiện cả văn hóa, suy nghĩ của vị hành khách trong việc tôn trọng giờ giấc.
Sau màn khơi mào lý luận của vị hành khách trên là một nhóm hành khách cũng lao vào vây kín quầy vé, nơi nhân viên của hãng hàng không đáng đứng đòi hơn thua, đòi giải thích theo kiểu: Trễ chuyến thì giờ tính sao, tính sao?
Nhìn cảnh tượng đó tôi tưởng mình đang đứng ở chợ, hay chứng kiến vụ xiết nợ cùng lời lẽ bốp chát, chợ búa... Còn cô nhân viên hãng hàng không khuôn mặt sợ hãi, kiên trì giải thích và xin lỗi giữa vòng vây.
Tiếp đến là nhóm hành khách này la lối, văng tục, kêu gọi tẩy chay hãng bay. Cứ tưởng cách cử xử như thế là không thể hơn được nữa nhưng khi có thông báo chuyến bay sắp được khởi hành, tới giờ ra máy bay tôi mới hoảng. Nhóm khách khách kia sung sướng như vừa giành được chiến thắng vẻ vang, vừa đi vừa kể công lao của mình là quát, mắng, chửi nhân viên nên mới được bay.
Ai đi máy bay rồi cũng biết, các thông báo của hãng nội địa luôn song hành tiếng Việt và tiếng Anh. Thế nhưng khi nghe thông báo của hãng bằng tiếng Anh, một vị hành khách văng tục, yêu cầu nhân viên hàng không nói tiếng Việt vì trời đã đêm rồi?
Máy bay chuẩn bị cất cánh, tiếp viên đi từng hàng ghế kiểm tra việc thắt dây an toàn, một hành khách tỏ ra khó chịu cho rằng tiếp viên đang dòm ngó để rồi lại chửi bậy vô tội vạ...
Thậm chí, khi máy bay cất cánh, có hành khách yêu cầu tiếp viên bật nhạc remix. Có vị hành khách đi vệ sinh về tìm số ghế, tiếp viên hỏi số ghế bao nhiêu để trợ giúp thì lại nhận được câu trả lời: “Ghế số mấy hỏi làm gì... có mù đâu”.
Còn rất nhiều chuyện "không thể tin được" mà tôi phải chứng kiến từ hành khách trên chuyến bay đó. Hy vọng những nhóm hành khách như câu chuyện trên chỉ là thiểu số bởi hành vi lời nói, cách ứng xử của họ đang mua cái xấu hổ cho hành khách hàng không khác.
Đặt trường hợp cũng cách ứng xử đó nhưng trên hãng hàng không quốc tế, du khách sẽ nghĩ gì? Rất may chuyến bay của tôi là của hãng hàng không nội địa chứ nếu là của một hãng hàng không quốc tế, có lẽ trên máy bay sau đó họ sẽ dán thông báo bằng tiếng Việt với dòng chữ: “Không văng tục chửi bậy”.