Sau 3 ngày (18, 21,22/3/2016) đưa vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết ra xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã làm rõ, xác nhận lại toàn bộ những chứng cứ vi phạm tố tụng của Cơ quan CSĐT và Viện KSND TP. Hồ Chí Minh mà trước đó Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài phản ánh.
Đối tượng Yee Lip Chee (áo đen) tuy bị HĐXX khởi tố nhưng đến nay vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, tự do ra nước ngoài. |
Đặc biệt, trong quá trình xét hỏi, tranh tụng, HĐXX đã làm rõ được trách nhiệm của Yee Lip Chee (Tổng giám đốc) và Wong Kong Hee (Chủ tịch HĐQT) trong việc ký 25 lệnh chuyển tiền.
Từ những căn cứ không thể chối cãi trên, trong phiên tòa, Kiểm sát viên Hà Thị Bích Thu phải thừa nhận và đề nghị Hội đồng xét xử khởi tố vụ án để làm rõ vai trò, trách nhiệm của Yee Lip Chee.
Ông Dương Ngọc Hải, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM (người đứng) vẫn chưa thực hiện trách nhiệm là áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với Yee Lip Chee mặt dù cùng hành vi và chỉ là người giúp sức nhưng bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã bị giam hơn 2 năm. Ảnh Viện KSND TP.HCM |
Cuối phiên tòa, HĐXX đã ra quyết định khởi tố vụ án để làm rõ vai trò, đối tượng chủ mưu của Yee Lip Chee trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty L&M Việt Nam.
Tại Điều 13, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự quy định: “Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội. Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự do Bộ luật này quy định”.
Bên cạnh đó, khoản 1, Điều 104 của Bộ luật này quy định: “Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra”.
Như vậy, HĐXX đã việc khởi tố vụ án để làm rõ hành vi phạm tội của Yee Lip Chee. Bây giờ trách nhiệm điều tra, xử lý Yee Lip Chee thuộc về ông Dương Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của phóng viên, đến ngày 31/3, Yee Lip Chee vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật khi vẫn “vô tư” ra vào Việt Nam như… đi chợ.
Phân tích về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng:
"Theo quy định tại Điều 79, Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2003 về Các biện pháp và căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn như sau: Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật này có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau đây: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Như vậy, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh phải khẩn trương tiến hành các biện pháp để ngăn chặn đối tượng Yee Lip Chee để thuận lợi cho quá trình điều tra tội phạm".
Câu hỏi đặt ra là nếu ông Dương Ngọc Hải, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiếp tục “câu giờ” khi không áp dụng các biện pháp ngăn chặn và điều tra hành vi phạm tội đối với Yee Lip Chee thì hậu quả xảy ra ai phải chịu trách nhiệm, ông Hải có gánh hết trách nhiệm không?
Trước đó, đối tượng Wong Kong Hee (Chủ tịch Công ty L&M Việt Nam) biến mất, không trở lại Việt Nam chưa làm Viện Kiểm sát nhân TP. Hồ Chí Minh lấy làm bài học “nhãn tiền”.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.