Sao lại gọi bố là ông già?
Mới đây, báo Giáo dục Việt Nam có nhận được phản ánh của một số bạn đọc về nội dung quảng cáo sản phẩm Cốt Thoái Vương của Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu có sử dụng một số câu thoại được nhiều người cho rằng không phù hợp. Trong cuộc nói chuyện giữa hai nhân vật chính, khi giới thiệu về sản phẩm thường nhắc đến từ ông già tôi để thay cho từ bố.
Quảng cáo SP Cốt Thoái Vương bị cho là có cách sử dụng ngôn từ không phù hợp. |
Điều này khiến cho nhiều ông bố bà mẹ lo lắng vì con trẻ sẽ học theo cách nói có phần không hay. Chị Hiền ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Con mình đang học lớp 5. Hôm bạn học của con đến chơi có hỏi cháu “bố cậu đi đâu?”. Đang nấu ăn trong bếp tôi giật mình khi nghe cháu trả lời: “ông già tớ đi làm rồi”. Mình có hỏi cháu ai dạy con gọi bố là ông già thì cháu bảo, con nghe thấy trên đài vẫn nói thế…”.
Cũng sự việc trên, anh Tuấn ở Từ Liêm, Hà Nội cho biết, thời gian gần đây anh có nghe thấy con mình và bạn bè mỗi khi nhắc đến bố mẹ thường gọi là ông già, bà già, điều này khiến anh thấy khá “chướng tai” và lo lắng: “Bố tôi năm nay gần 80 tuổi rồi mà tôi vẫn gọi là bố hoặc gọi thay cho con là ông. Bảo cháu gọi như thế là hỗn thì cháu nói là thấy người lớn vẫn nói thế, cả trên đài cũng nói vậy”.
Theo nhiều ông bố bà mẹ khác, trẻ nhỏ là tầm tuổi thường rất thích quan sát, nghe ngóng và học theo những điều bên ngoài, trên tivi, đài báo. Những thông tin phát trên các phương tiện thông tin đại chúng được các cháu tiếp thu rất nhanh trong đó cũng không ít điều “sống sượng”, ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành tư duy và nhân cách cho trẻ. Do đó cần phát những thông tin hướng các cháu đến một sự lành mạnh, chuẩn mực.
Rất đáng chê trách
Trao đổi với PGS.TS Trịnh Hòa Bình, GĐ Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội, Viện Xã hội học, ông Bình cho rằng quảng cáo phát trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống mà có cách gọi như vậy là rất đáng chê trách. Ông Bình nói: “Trong hệ thống truyền thông chính thức, khi quảng cáo nên đưa cách xưng hô chính thống, lịch sự hơn là đưa lối nói phương ngữ (ngôn ngữ địa phương)”.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, GĐ Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội, Viện Xã hội học |
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, cách gọi ông già, bà già tôi là cách gọi theo phong cách của “anh Hai Nam bộ”. Tuy nhiên cách gọi đó đã được hành tiến ra và trở thành thứ phong cách khá phổ biến. Thay vì gọi một cách trang trọng là bố tôi, ông cụ nhà tôi, ông thân sinh tôi thì giờ đây rất nhiều người gọi bố mẹ là ông bà già.
Bàn thêm về cách gọi người thân trong gia đình trong quảng cáo sản phẩm Cốt Thoái Vương, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Cách gọi ông già tôi trong quảng cáo khiến cho người nghe thấy sượng, cho dù đó cách gọi đó không phải có nghĩa là bất hiếu, thiếu tử tế với bố mẹ”.
Nói thêm về điều này vị chuyên gia đánh giá: “Nếu tình cờ “ông già tôi” xuất hiện trong một trích đoạn hay một hoạt cảnh thì có thể thông cảm được. Tuy nhiên, nếu trong một đoạn thoại có tính chất chính thống, chính thức, căn bản thậm chí là hàn lâm thì điều đó là không được phép”.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, cách gọi đó sẽ ảnh hưởng đến năng lực, quá trình cảm thụ, học hỏi, tiếp thu ngôn ngữ của trẻ nhỏ. “Chúng ta cần phải bày cho trẻ em những sản phẩm chuẩn mực, phải là ngôn ngữ phổ thông của tiếng Việt. Không nên trang bị cho trẻ những biệt ngữ của một nhóm nào đó, dùng tiếng lóng với nhau. Điều đó làm mất đi sự trong sáng của tiếng việt, nguy cơ nhãn tiền làm cho thế hệ trẻ tiếp nhận một thứ ngôn ngữ có thể nói là “đầu đường xó chợ” chuyển thành thứ ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày của giới trẻ”.
- Ông K, ông K ơi, chưa chuẩn bị đi thi cầu lông à?
- Đang đau hết cả lưng đây này.
- Ôi, thế đã đi khám chưa?
- Khám rồi, bị đau lưng là do thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm. Có khi tôi phải đi bệnh viện mổ thôi ông ạ.
- Toi rồi, toi rồi, mà sao ông không uống Cốt Thoái Vương. Ông già tôi vừa bị như ông dùng Cốt Thoái Vương đỡ hẳn ông ạ. Cốt thoái vương là sự kết hợp đặc biệt...
- Hay quá nhỉ, Cốt Thoái Vương đúng là sản phẩm mà tôi đang cần dùng đấy, tôi phải mua ngay về uống mới được. Ơ, mà ông lại mới học dược về đấy à?
- Đâu có, tôi học từ ông già tôi thôi…