Quyền công dân, quyền con người dưới chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

01/08/2018 07:13
Theo Quân đội nhân dân
(GDVN) - Thủ đoạn mà các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị sử dụng nhằm xóa bỏ chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay là gì?

Có những giá trị xã hội ở Việt Nam được xem như là tự nhiên, trong đó có chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Tiền thân của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa là chế độ dân chủ, cộng hòa, ra đời sau cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Với chế độ xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền, lần đầu tiên người Việt Nam mới có các quyền công dân và quyền con người.

Quyền công dân, quyền con người dưới chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ảnh 1Những thành tựu về bảo vệ Quyền con người ở Việt Nam

Thế nhưng với những lý do khác nhau, thời gian gần đây, một số người, nhóm người lợi dụng internet, mạng xã hội xuyên tạc, ký tên vào “kiến nghị”, gửi “thư ngỏ”, ra “tuyên bố” trên mạng (trong đó có một số đảng viên đã ra khỏi Đảng) phủ nhận chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Họ nói rằng: “Thể chế Việt Nam hiện nay là không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế”;

“Chế độ một đảng lãnh đạo, cầm quyền là trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền”;

“Việc Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo đất nước là hành vi chiếm đoạt thành quả cách mạng của nhân dân”;

“Điều 4 Hiến pháp 2013 đặt Đảng vào vị thế siêu quyền lực”...

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Có nhóm mạng trong dịp Quốc hội Việt Nam thông qua Hiến pháp 2013 “kiến nghị” về Điều 4, rằng:

“Nếu Hiến pháp thực sự do nhân dân quyết định thì việc định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội thuộc về một tổ chức chính trị hay một tầng lớp là trái với quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân và ngược với bản chất của một nhà nước pháp quyền”.

Có nhóm mạng khác thì “kiến nghị” với Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam rằng:

Đảng phải “thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ''…

Vậy, bản chất chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa của chúng ta là gì?

Quyền công dân, quyền con người dưới chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ảnh 3Muốn có quyền con người, đừng quên nghĩa vụ công dân

Mối quan hệ giữa chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa với quyền công dân và quyền con người như thế nào?

Và thủ đoạn mà các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị sử dụng nhằm xóa bỏ chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay là gì?

Dân chủ là gì?

Dân chủ là một giá trị xã hội được hình thành từ rất sớm, khi xuất hiện giai cấp và nhà nước, mở đầu là chế độ nô lệ, còn gọi là chế độ “dân chủ chủ nô”.

Ở đó chỉ có tầng lớp chủ nô, một bộ phận nhỏ trong xã hội có quyền bầu cử, trong khi đó đại đa số người dân, những nô lệ chỉ như những “công cụ biết nói”.

Trải qua thời đại phong kiến, chế độ dân chủ dường như không có nhiều tiến bộ.

Các cuộc cách mạng dân chủ tư sản đã đưa đến một bước phát triển cơ bản trong lịch sử chế độ dân chủ của nhân loại.

Để bảo vệ thành quả của cách mạng, đồng thời chống lại tàn dư của giới phong kiến quý tộc, giai cấp tư sản tuyên bố bảo đảm quyền bình đẳng của mọi người trước pháp luật.

Có thể nói, bản "Tuyên ngôn độc lập" của Mỹ (1776) và bản "Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp" (1789) đánh dấu thành quả sự phát triển quan trọng chế độ dân chủ của nhân loại.

Quyền công dân, quyền con người dưới chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ảnh 4"Thương vay khóc mướn" hay thiếu tôn trọng pháp luật?

Tuy nhiên, chế độ dân chủ tư bản chủ nghĩa vẫn hạn hẹp vì sự bất bình đẳng về chế độ sở hữu, vì sự phân hóa giàu-nghèo.

Thực tế cho thấy, hiện nay, các cuộc bầu cử ở nhiều nước phát triển, số cử tri đi bầu cử thường thấp.

Cuộc bầu cử gần đây nhất của Hoa Kỳ (2016) chỉ “ở mức dưới 70%. Bang có lượng cử tri dự kiến đi bầu cao nhất là Minnesota (75%), thấp nhất là Utah (53,1%).

Số cử tri tham gia bầu vào những năm 1980 còn thấp hơn, dao động từ 48% đến 57%”.(1)

Phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Lênin nhiều lần khẳng định rằng:

Chế độ dân chủ… là một hình thức nhà nước, một trong những hình thái của nhà nước.

Chế độ dân chủ cũng là nhà nước, do đó, nhà nước mà mất đi thì chế độ dân chủ cũng mất theo.

Lênin còn nhấn mạnh rằng: “Dân chủ là tự do, là bình đẳng, là quyết định của đa số; còn có gì cao hơn tự do, bình đẳng, quyết định của đa số nữa”(2).

Chế độ dân chủ được tạo lập sau các cuộc cách mạng do các Đảng Cộng sản lãnh đạo là đỉnh cao, vượt trội so với nền dân chủ tư bản chủ nghĩa.

Không có một hạn chế luật định nào đối với tất cả công dân tham gia bầu cử, ứng cử; nhà nước hình thành từ các cuộc bầu cử tự do trở thành một hình thức dân chủ.

Đối với dân tộc Việt Nam, cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thắng lợi mở ra một thời đại mới cho dân tộc:

Thời đại độc lập dân tộc gắn với chế độ dân chủ của dân, do dân, vì dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Quyền công dân, quyền con người dưới chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ảnh 5Phải chặt đứt những “bàn tay đen” luôn kích động, phá hoại

Trong chế độ này, nhà nước là người bảo vệ các quyền công dân và quyền con người cho mọi người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về chế độ dân chủ của Việt Nam một cách giản dị và sâu sắc: 

“Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân; công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân;

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân; chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra; đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên…

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(3). 

Nét đặc sắc trong quan niệm về chế độ dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là quyền mà còn gắn liền với nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.

Hiện nay, trên thế giới đang tồn tại nhiều hình thức nhà nước dân chủ với những tên gọi khác nhau;

Chẳng hạn: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (Lào); Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (Việt Nam); Cộng hòa Nhân dân (Trung Hoa)...

Ngoài một số ít quốc gia vẫn theo chế độ quân chủ, các nhà nước có chế độ nghị viện, như chế độ Cộng hòa Tổng thống (Hoa Kỳ, Mexico…); Cộng hòa Đại nghị (Áo, Ấn Độ…) đều là những nước dân chủ tư bản chủ nghĩa.

Trong những nước dân chủ này lại có nhiều mô hình dân chủ khác nhau; chẳng hạn: Dân chủ đa đảng, dân chủ một đảng cầm quyền…

Bởi vậy, việc người ta lấy một mô hình dân chủ nào đó, chẳng hạn như mô hình phương Tây mà phủ nhận chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là một cách nhìn hạn hẹp, nếu không nói là vì động cơ chính trị thâm độc, muốn xóa bỏ chế độ hiện hữu và thành quả cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Mối quan hệ giữa chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa với quyền công dân và quyền con người

Trong mỗi chế độ xã hội nói chung, chế độ dân chủ nói riêng, đều có những quy định về quyền công dân và quyền con người khác nhau.

Nói cách khác, tương ứng với mỗi chế độ xã hội, các nhà nước đều có những quy định về quyền công dân và quyền con người nhất định.

Quyền công dân, quyền con người dưới chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ảnh 6Quyền dân tộc tự quyết và quyền của dân tộc thiểu số

Điều này bắt nguồn từ tính phổ biến và tính đặc thù của quyền con người.

Tính phổ biến của quyền con người là những giá trị chung được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc (1945);

Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (1948) và các Công ước quốc tế về quyền con người.

Tính đặc thù của quyền con người là những quy định của pháp luật quốc gia về quyền công dân và quyền con người do cơ quan lập pháp quyết định.

Ngày 28/11/2013, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (có hiệu lực ngày 1/1/2014).

Đáng chú ý là so với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước Việt Nam.

Chẳng hạn, Hiến pháp năm 2013 đã dành cả chương hai quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân.

Trong chương này, tất cả quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế-xã hội và văn hóa đều được quy định rõ ràng, đồng thời tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người.

Về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều 4 (Hiến pháp 2013) quy định:

“1. Đảng Cộng sản Việt Nam-đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội;

2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình;

Quyền công dân, quyền con người dưới chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ảnh 7Họ đã cùng nhau “phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật”

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm, chịu sự giám sát của nhân dân; hoạt động của tổ chức và cá nhân đảng viên trong khuổn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Như vậy, hoàn toàn không có chuyện chế độ ở Việt Nam là “trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền”;

Không có chuyện “Điều 4 đặt Đảng ở vị thế siêu quyền lực” như các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội xuyên tạc.

Trong các công ước quốc tế về quyền con người, quyền và trách nhiệm cũng được quy định rõ ràng.

Trách nhiệm ở những công ước này được hiểu là mọi người phải chịu những hạn chế bởi luật định.

Chẳng hạn, Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 quy định:

“Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo… quyền này có thể “bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.

Điều 19 quy định: “1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp; 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận…;

3. Việc thực hiện những quyền này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt.

Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:

a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.

Cũng như các quy định của các Công ước quốc tế về quyền con người, Hiến pháp, pháp luật Việt Nam quy định quyền gắn liền với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân.

Quyền công dân, quyền con người dưới chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ảnh 8Chỉ là luận điệu "lòng lang dạ sói, đội lốt dân chủ, nhân quyền" 

Điều 15 Hiến pháp 2013 quy định: “1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; 2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác;

3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội;

4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.

Thể chế hóa Hiến pháp 2013, các bộ luật như: Luật Báo chí, Luật An ninh mạng, nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin mạng đều có những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người hưởng thụ quyền.

Chẳng hạn, Điều 4 (Luật Báo chí) đề cập đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí như sau:

“Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân;...

c) Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân…”. 

Điều 9 Luật Báo chí 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm: 

“1. Đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung: a) Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân...

2. a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội;

b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;

c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo;

3. Đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

4. Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc''…

Quyền công dân, quyền con người dưới chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ảnh 9Vì sao Việt Nam cần có Luật An ninh mạng?

Điều 4 Luật An ninh mạng 2016, quy định: “Nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng là:

(1) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

(2) Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước;…

(3) Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng… bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng''…

Như Luật An ninh mạng xem bảo đảm quyền công dân, quyền con người là một nguyên tắc.

Đồng thời, Luật An ninh mạng nghiên cấm những hành vi sau:

“(1) Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

(2) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc…; (3) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân,…;

(4) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc…;

(5) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội...

(6) Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi” (Điều 8).

Như vậy có thể nói, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo đảm hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ công dân, không có chuyện pháp luật Việt Nam vi phạm quyền công dân, quyền con người như những kẻ thoái hóa về tư tưởng chính trị thường viết.

Thủ đoạn mà các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị sử dụng nhằm xóa bỏ chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay là gì?

Ngày nay, các thế lực thù địch trong và ngoài nước không dễ gì có thể dùng lực lượng vũ trang, áp đặt chế độ cai trị của chúng lên đất nước ta như những cuộc chiến tranh xâm lược trước đây.

Quyền công dân, quyền con người dưới chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ảnh 10Luận điệu xảo trá của những kẻ hiềm khích, chống phá đã bị bẻ gẫy

Chúng chỉ có thể thực hiện bằng những chiến lược “mềm”, trước hết là chiến lược "diễn biến hòa bình".

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của Liên Xô, sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu là do chủ nghĩa đế quốc đã thực hiện chiến lược “thẩm thấu” tư tưởng “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” của phương Tây vào các nước xã hội chủ nghĩa.

Khi Liên Xô cải tổ hệ thống chính trị-thực hiện chế độ dân chủ đa đảng, các lực lượng thù địch bên trong và bên ngoài đã móc nối với nhau lật đổ vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Từ những kinh nghiệm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông Âu, các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chủ trương thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình đối với các nước xã hội chủ nghĩa nói chung và Việt Nam nói riêng.

Một trong những mục tiêu của chiến lược đó là thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" từ bên trong nội bộ.

Thủ đoạn mà chúng thực hiện là lợi dụng internet, mạng xã hội tán phát các thông tin xuyên tạc bản chất của chế độ xã hội Việt Nam, thổi phồng những mặt trái của xã hội, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, từng bước làm suy giảm niềm tin của nhân dân, của cán bộ, đảng viên với chế độ xã hội, với Đảng… chuyển hóa xã hội hiện hữu sang con đường tư bản chủ nghĩa.

Những năm gần đây, chúng còn chống phá chế độ bằng phương thức đóng vai người “yêu nước” để huy động đám đông, dùng phương thức “bất tuân dân sự” gây rối trật tự công cộng.

Như vụ việc lấy cớ phản đối Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường diễn ra ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, năm 2014-2015 là một ví dụ.

Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa là thành quả cách mạng hơn 70 năm của nhân dân Việt Nam với biết bao nhiêu hy sinh xương máu, tài sản, sức lực của đồng bào và chiến sĩ.

Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa đã trở thành văn hóa lối sống của dân tộc Việt Nam.

Vì vậy, nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ khoan nhượng với bất cứ ai, lấy bất cứ lý do gì để phủ nhận thành quả đó.

Tài liệu tham khảo:

(1) “Tại sao tỷ lệ cử tri đi bầu cử tại Mỹ lại thấp?”, BBC news, ngày 31/10/2016.

(2) V.I.Lênin toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, t.38, tr.41.

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, t.5. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 698.

Theo Quân đội nhân dân