Việc Tập đoàn Samsung yêu cầu được sử dụng riêng ga hàng hóa chuyên dụng tại Sân bay Nội Bài cho thấy vị thế ngày càng lớn mạnh của nhà đầu tư này trong khối các doanh nghiệp vốn trực tiếp nước ngoài (FDI).
Hiện tại, kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Samsung tại Việt Nam đã chiếm hơn 10% tổng kim ngạch của cả nước; và chiếm hơn 90% của khối FDI. Sân bay Nội Bài chính là một trong các cửa ngõ giao thương hàng hóa chính của Samsung với lợi thế gần Bắc Ninh và Thái Nguyên, nơi nhà đầu tư này đang đặt các nhà máy có quy mô sản xuất thuộc hàng lớn nhất thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Samsung tại Việt Nam đã chiếm hơn 10% tổng kim ngạch của cả nước. |
Cách đây không lâu, NCĐT từng có bài viết phản ánh về tình trạng quá tải tại khu vực ga hàng hóa của Sân bay Nội Bài với sự hiện diện của các loại máy bay chuyên dụng chở hàng như Boeing 777F, Boeing 747-400F của các hãng hàng không quốc tế như Emirates Airlines, Qatar Airways, China Airlines, Eva Air, Cargolux hay Korean Air. Đặc biệt, hơn 50% lượng hàng xuất khẩu thông qua sân bay này đều thuộc về Công ty Điện tử Samsung Việt Nam (SEV).
Với vị thế là một trong những doanh nghiệp FDI hiện có quy mô sản xuất thuộc hàng lớn nhất nước, SEV vừa có văn bản đề nghị Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) và Tổng Công ty Cảng hàng không tạo điều kiện để nhà ga hàng hóa mới dự kiến hoạt động vào tháng 12 tới sẽ được quy hoạch và sử dụng như một ga chuyên phục vụ xuất nhập khẩu cho SEV qua Sân bay Nội Bài.
Theo tính toán của SEV, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua sân bay quốc tế lớn nhất phía Bắc đã vượt quá 30% công suất thiết kế. Trong khi đó, với vị thế là nhà xuất nhập khẩu chính, chiếm hơn phân nửa sản lượng hàng hóa tại đây và dự kiến sẽ còn tăng lên trong vài năm tới, SEV tin rằng nhu cầu được có một ga hàng hóa riêng là chính đáng.
“Yêu cầu hỗ trợ của Samsung hoàn toàn đúng. Hàng hóa xuất nhập khẩu của Hãng là chủ yếu. Còn năng lực phục vụ hiện tại của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội bài (NCTS) và ACS vẫn chưa đủ. Việc có thêm một ga nữa là hợp lý”, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng CAAV, nói.
Nhưng quyền lực của Samsung không chỉ có ở khu vực phía Bắc. Trong vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, chắc chắn TP.HCM sẽ tiếp tục trở thành điểm đến thu hút vốn đầu tư lớn của thương hiệu toàn cầu này. Cụ thể, ngày 11.9.2014, Ủy ban Nhân dân TP.HCM sẽ trình Hội đồng Nhân dân về những nội dung ưu đãi đầu tư dành cho SEV tại Khu Công nghệ cao thành phố (SHTP) ở Q.9.
Trước đó, tháng 6.2014, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Lê Mạnh Hà cũng đã chấp thuận địa điểm tại SHTP cho SEV đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất hàng điện tử với tổng số vốn trên 1 tỉ USD.
Thông tin từ Bộ Công thương cho hay, hiện điểm yếu của TP.HCM là ngành công nghiệp hỗ trợ cho nhóm ngành thiết bị điện - điện tử vẫn chỉ ở mức trung bình, lĩnh vực gia công kỹ thuật điện, điện tử cao cấp chủ yếu do các hãng nước ngoài sản xuất diot bán dẫn, chíp điện tử. Đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ chủ yếu chỉ đến từ khu vực FDI.
Vì vậy, sự góp mặt của dự án Samsung tại TP.HCM là khá phù hợp vì Thành phố đang chú trọng thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia vào các lĩnh vực điện tử công nghệ cao, đặc biệt là khâu thiết kế, sản xuất vi mạch và bán dẫn, trên cơ sở đó sẽ phát triển các doanh nghiệp sản xuất vệ tinh.
Tuy các ưu đãi của TP.HCM dành cho Samsung vẫn chưa được tiết lộ, nhưng nếu chỉ dừng lại ở thuế và tiền thuê đất, Thành phố có thể sẽ “thua” các địa phương khác. Giới phân tích dự báo, các ưu đãi này sẽ xoay quanh vấn đề thuế, hỗ trợ về hạ tầng (tiền thuê đất), nguồn nhân lực và phát triển văn hóa doanh nghiệp của Samsung, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia cao cấp của Samsung làm việc tại TP.HCM… Như vậy, một lần nữa, quyền lực của nhà đầu tư tỉ USD này tiếp tục có cơ hội được thể hiện.
Có thể nói, câu chuyện quyền lực của Samsung đã tạo ra hiệu ứng dây chuyền cho các thương hiệu công nghệ toàn cầu khác đang có kế hoạch gia tăng đầu tư tại Việt Nam. Nokia là một minh chứng cụ thể.
Theo đó, Công ty Nokia Việt Nam vừa có văn bản gửi tới lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, nơi đơn vị đang đặt nhà máy sản xuất điện thoại di động về định hướng phát triển sản xuất tại Việt Nam, sau khi được Tập đoàn Microsoft mua lại hồi tháng 4/2014.
Trong chiến lược đưa Nokia Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thiết bị điện thoại di động, từ tháng 5 năm nay, đơn vị này đã tiến hành chuyển giao dây chuyền sản xuất từ các nhà máy tại Trung Quốc, Hungary và Mexico tới Việt Nam.
Giai đoạn đầu tiên của quá trình chuyển giao dự kiến sẽ hoàn thành cuối tháng 10 năm nay và sẽ tiếp tục di dời các dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc cho đến hết tháng 2.2015. Sau khi hoàn tất chuyển giao, số lượng dây chuyền sản xuất của nhà máy Nokia Bắc Ninh dự kiến sẽ tăng từ 6 vào cuối năm 2013 lên 39 vào cuối năm nay. Số lượng sản phẩm hằng tháng cũng sẽ tăng hơn 3 lần, độ phức tạp của sản phẩm cũng gia tăng vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015.
Theo nhận định của Nokia Việt Nam, thay đổi này là cơ hội lớn cho nhà máy tại Bắc Ninh trong lĩnh vực sản xuất thiết bị di động. Cụ thể, nhà máy này đã bắt đầu sản xuất dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành Windows Phone, với các sản phẩm Lumia 630 và Lumia 530 vào cuối tháng 8.2014. Các sản phẩm khác của Lumia cũng được xuất xưởng vào cuối năm nay. Dự kiến đến cuối tháng 10, gần như toàn bộ khâu sản xuất thiết bị điện thoại di động của Nokia sẽ được tập trung tại tỉnh Bắc Ninh.
Với quyết định di dời các dây chuyền sản xuất thiết bị điện thoại di động tới Việt Nam, Nokia dự kiến sẽ thay đổi đáng kể quy mô đầu tư cũng như sản lượng, giá trị xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư dự kiến năm 2014 là 220 triệu USD, tăng so với mức 200 triệu USD đã tính toán trong báo cáo khả thi. Sản lượng đạt 76,5 triệu sản phẩm, giá trị xuất khẩu gần 1,9 tỉ USD.
Tương tự Samsung, thương hiệu Nokia đang dần tạo nên quyền lực lớn cho chính mình, góp phần giúp Việt Nam tăng tốc trong cuộc đua trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu thiết bị di động lớn của thế giới trong tương lai.