Nói đến ngành dầu khí, người ta thường nghĩ đến chế độ đãi ngộ tốt với mức lương rất cao. Nhưng ít ai biết rằng, để có được từng thùng dầu đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước, những cán bộ kỹ thuật trên giàn khoan đã phải làm việc vất vả ngày đêm như thế nào?
Ở giàn khoan tự nâng Tam đảo 02 (thuộc địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng như những giàn khoan khác đều có sân đỗ dành cho máy bay trực thăng làm nhiệm vụ đưa đón các chuyên gia, cán bộ, kỹ sư. |
Tại thời điểm này, giàn khoan tự nâng Tam đảo 02 đang triển khai nhiệm vụ ở mực nước sâu 50m. |
Anh Nguyễn Hải - Giàn trưởng Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 02 đang thực hiện nhiệm vụ báo cáo công việc. Mỗi ngày, giàn trưởng phải thực hiện ít nhất 2 lần báo cáo về đất liền và phải chịu trách nhiệm chung cho toàn bộ mọi hoạt động trên giàn. |
Hiện tại giàn khoan tự nâng Tam đảo 02 đang có hơn 70 cán bộ, kỹ sư làm việc suốt ngày đêm. Có thời điểm giàn có hơn 100 cán bộ, kỹ sư làm việc. Ở vào thời điểm hiện nay mặc dù ngành dầu khí đang gặp nhiều khó khăn, mỗi cán bộ - kỹ sư vẫn luôn thể hiện được sự đoàn kết, gắn bó. Họ không chỉ đối diện với những khó khăn trong công việc thường nhật, mà còn phải sống xa gia đình, có rất ít thời gian dành cho vợ con. |
Kỹ sư Bùi Thọ Dương cho biết, khi thực hiện nhiệm vụ giữa biển khơi anh em kỹ sư phải chủ động khắc phục khó khăn và phải hết sức sáng tạo để duy trì được nhịp hoạt động của giàn. Anh Dương cho biết mỗi chiếc khớp nối trong ống bơm cao áp có giá vài chục đô la, vào những lúc xảy ra sự cố bất ngờ mà chưa có thiết bị dự phòng, anh em kỹ sư phải "tự chế" khớp nối. |
Nếu không trực tiếp chứng kiến những giờ phút lao động vô cùng vất vả của cán bộ, kỹ sư trên giàn khoan, thật khó hình dung được những khó khăn họ đang vượt qua. |
Lịch làm việc được duy trì 24/24: Ca 1 từ 7h đến 19h; Ca 2 từ 19h đến 7h ngày hôm sau. |
Kíp trưởng Trương Thanh Tùng cho biết, quy trình khoan phải đạt được sự chính xác tuyệt đối, đi kèm với đó là yêu cầu hết sức khắt khe về kỷ luật làm việc. Máy khoan làm việc liên tục cho đến khi thực hiện xong nhiệm vụ. Quá trình khoan không được phép dừng lại, bởi nếu chỉ cần dừng lại vì phút thì mũi khoan có thể bị kẹt và không thể khoan tiếp, như vậy sẽ gây ra thiệt hại lớn. |
Thợ tiện Lê Hùng Cường đang xử lý các thiết bị phục vụ hoạt động tại Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 02. |
Giàn trưởng Nguyễn Hải giới thiệu về hệ thống khai thác dầu. |
Những hoạt động của Vietsovpetro luôn có sự tham gia hỗ trợ tích cực của các chuyên gia, kỹ sư đến từ nước Nga. |
Cán bộ, kỹ thuật và ngay cả các phóng viên như chúng tôi ở trên giàn khoan đều được yêu cầu mặc đồ bảo hộ lao động, đội mũ và đeo găng tay khi di chuyển vào khu vực làm việc. Mỗi người đều phải đi những đôi dày bảo hộ được bọc thép ở toàn bộ phía đầu, để đảm bảo an toàn khi có va chạm và chống trơn trượt. Mũi thép ở phần đầu giày cho phép chịu lực lên tới 1 tấn. |
Khu vực vận hành điện luôn có 5-6 cán bộ trực suốt ngày đêm. |
Cán bộ kỹ thuật trực tổng đài 24/24. Hệ thống loa thông báo trên giàn khoa được lắp đặt ở toàn bộ các khu vực: Từ nơi làm việc cho đến phòng ăn, hàng lang, phòng ngủ... nhằm đảm bảo thông tin được truyền tải nhanh nhất. |
Anh em kỹ sư trên giàn Tam đảo 02 đến những nhiều tỉnh thành trên cả nước. Họ thân thiết như các thành viên trong một gia đình, chia sẻ với nhau mọi khó khăn gian khổ. |
Ngay cả khi bước vào phòng ăn nhiều cán bộ, kỹ sư vẫn còn mặc nguyên cả bộ quần áo làm việc. |
Để duy trì hoạt động ổn định của giàn, không chỉ có đội ngũ cán bộ, kỹ sư mà còn có cả những đầu bếp và những người thực hiện giặt đồ bảo hộ lao động. |
Hệ thống bơm trám - một bộ phận không thể thiếu trong quá trình khoan. Mũi khoan đi xuống đến đâu thì hệ thống bơm trám làm việc đến đó, thực hiện bơm xi măng ra xung quanh đường ống khoan để đảm bảo đất đá xung quanh không bị rơi xuống, không chèn vào đường ống. |
Đây là hệ thống máy phát điện phục vụ hoạt động của giàn khoan. Khi có nhiều máy cùng hoạt động thì độ ồn vượt quá 120dBA (đề-xi-ben), trong khi độ ồn cho phép trong mức an toàn là dưới 65dBA. Các nghiên cứu khoa học đã cảnh báo khi độ ồn vượt quá 115dBA có thể gây ra tình trạng "điếc tạm thời". Ở khu vực máy hoạt động, kỹ sư làm việc đều được trang bị các thiết bị chụp tai để hạn chế độ ồn, mặc dù vậy nhiều kỹ sư đã bị mắc "bệnh nghề nghiệp" - họ thường nói rất to, cũng là do ảnh hưởng tự độ ồn quá lớn của máy móc. |
Trong các phòng làm việc hệ thống dây điện, các đường ống được bịt bằng thiết bị chống cháy để đảm bảo khi có sự cố bất thường thì kỹ sư làm việc trong khu vực này có đủ thời gian thoát ra ngoài. |
Giàn trưởng giàn tự nâng Tam đảo 02 cho biết, giữa biển khơi trùng trùng sóng gió mỗi cán bộ, kỹ sư trên giàn khoan như những người lính. Họ đang phải đối diện với vô vàn khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi, nhưng luôn đoàn kết, luôn sáng tạo và tự hào vì sự đóng góp nhỏ bé của mình cho ngành dầu khí. |
Ngọc Quang