Run cầm cập đi thang máy tại chung cư Hà Nội

27/09/2011 09:49
Trần Nguyên
(GDVN) - Tình trạng thang máy bị trục trặc hay ngắt điện đột ngột trong lúc vận hành đang trở thành nỗi sợ hãi lớn của cư dân sống tại các khu dân cư.
Vụ tai nạn làm một người bị kẹt và chết tại chỗ trong thang máy ở chung cư CT3 khu đô thị Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) mới đây được xem là lời cảnh báo cho chất lượng của nhiều thang máy đang vận hành tại các khu chung cư cao tầng hiện nay trên địa bàn TP.Hà Nội.

Tại mỗi chung cư, thang máy chính là cửa ngõ ra vào của mỗi gia đình do đó tần suất sử dụng thang máy là rất lớn. Chính vì thế, bất cứ sự cố nào xảy ra với thang máy cũng khiến người dân sống trong các khu chung cư nơm nớp lo sợ.
Run cầm cập đi thang máy tại chung cư Hà Nội ảnh 1
Cư dân sống tại khu chung cư CT3 Yên Hòa (Hà Nội) mấy ngày gần đây hễ bước vào thang máy là bất an và lo sợ
Khảo sát của phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam về việc sử dụng cầu thang máy tại nhiều khu chung cư hiện nay cho thấy, chất lượng thang máy đang ở mức báo động, chưa đảm bảo an toàn trong khâu vận hành.

Những sự cố từ thang máy không còn hiếm thấy. Cách đây  không lâu, ngày 16/2/2011 một sự cố thang máy tại một trong những tòa nhà chung cư tại khu đô thị Nam Trung Yên đã khiến bà Vũ Thị Mùi (phòng 1206 khu đô thị Nam Trung Yên) tử vong.

Mắc bệnh ho, phế quản nên mỗi khi phát bệnh, bà Mùi phải đi đến bệnh viện cấp cứu ngay. Nhưng vào hôm 16/2, thấy bệnh tái phát, bà Mùi chủ động đến bệnh viện. Tuy nhiên, do đợi cầu thang máy quá lâu nên khi xuống đến tầng 1 để bắt taxi đi cấp cứu, bà Mùi ngất xỉu và tử vong trên đường đến bệnh viện.

Vụ tai nạn đáng tiếc khiến nhiều cư dân ở đây bất bình.

Mới đây nhất, sự cố thang máy bị mất điện đột ngột khi đang đi xuống đã gây ra cái chết thương tâm cho ông Nguyễn Văn Hòa (ở ngách 36, ngõ 113, phố Thụy Khuê, Hà Nội). Mặc dù đã được lực lượng cứu hộ mở cửa để ông bước ra ngoài nhưng do quá hoảng sợ, ông Hòa bị trượt chân rơi xuống hầm thang máy, tử vong tại chỗ.

Tai nạn trên đã trở thành nỗi ám ảnh của hầu hết cư dân tại tòa nhà CT3 khu chung cư Yên Hòa hơn 1 tuần qua. Với họ, đó không phải là lần đầu tiên thang máy tòa nhà này gặp sự cố.
Đến 10h sáng ngày 24/9 thang máy,tại chung cư CT3, nơi đã gây ra cái chết thương tâm của ông Nguyễn Văn Hòa, vẫn chưa được sửa chữa.
Đến 10h sáng ngày 24/9 thang máy,tại chung cư CT3, nơi đã gây ra cái chết thương tâm của ông Nguyễn Văn Hòa, vẫn chưa được sửa chữa.

"Không ít người dân ở đây đã từng nhiều lần bị kẹt, rơi tự do trong thang máy nhưng có lẽ nhờ may mắn, hơn nữa do cầu thang rơi từ tầng 2 xuống nên áp lực nhẹ mà đã còn sống sót”, cô Ngát - cư dân ở chung cư CT3 phản ánh nhưng ánh mắt vẫn còn bộc lộ nỗi hoang mang.

Cũng theo cô Ngát, từ hôm xảy ra vụ tai nạn chết người đến nay, mỗi khi bước vào thang máy là cô lại có cảm giác lo sợ và bất an. Mấy ngày đầu, cô phải đi bộ nhưng đi xuống thì được, đi lên... đành chịu vì nhà cô ở trên tầng quá cao. Cuối cùng, thang máy vẫn là giải pháp đi lại chính trong tòa nhà.

Tuy nhiên, chiếc thang máy bị hỏng từ hôm xảy ra sự cố hiện vẫn chưa sửa xong và không có biển gắn báo hiệu gì.

"Có sống ở khu chung cư CT3 lâu năm mới cảm nhận rõ nỗi khổ mà hàng trăm hộ dân ở đây phải chịu đựng về sự cũ kỹ của thang máy. Hàng loạt lỗi của thang máy như đèn báo hiệu số tầng bị hỏng, bảng bấm số tầng bị bong tróc... Mỗi khi tòa nhà mất điện, hệ thống phát điện dự phòng để vận hành thang máy cũng không hoạt động nên thang máy hẳn nhiên bị ngắt đột ngột. Vì thế, sử dụng thang máy ở đây, sợ nhất là mất điện, có khi bị kẹt trong đó hàng tiếng đồng hồ trước khi gọi được người đến ứng cứu", cô Ngát phản ánh.
Nhiều thang máy tại các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội hiện nay chưa đảm bảo trong khâu vận hành...
Nhiều thang máy tại các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội hiện nay chưa đảm bảo trong khâu vận hành...

Cũng theo cô Ngát, từ lâu nhiều gia đình ở tầng 4, 5 chung cư chẳng bao giờ đi thang máy mà sử dụng thang bộ là chính "vừa đảm bảo an toàn vừa xem như tập thể dục luôn", cô Ngát cho biết.

Chẳng riêng gì ở khu CT3, hiện thang máy tại nhiều khu chung cư trên địa bàn Hà Nội cũng đang là nỗi ám ảnh, bức xúc của cư dân tại đây.

Chị Linh (tầng 13 tòa nhà B11B Nam Trung Yên) cho biết: Sự cố tại tòa nhà CT3 đã ảnh hưởng đến tâm lý của những người đi thang máy tại tất cả các chung cư khác. Chị Linh nhớ lại, các đây không lâu cư dân cả tòa nhà phải đi cầu thang bộ cả tháng trời vì cầu thang máy bị hỏng mà không có cơ quan nào đến sửa.

Chị Linh cho biết, có lần chị bị kẹt trong cầu thang máy mãi mới ra được. Chẳng biết gọi điện cho ai vì vào trong thang máy thì mất hết sóng điện thoại, hơn nữa khi ấn chuông báo động, chuông cũng bị hỏng nốt.

Cũng theo chị Linh, từ lâu thang máy tại chung cư B11B Nam Trung Yên bị hỏng quạt gió, hai bóng điện chiếu sáng trong thang máy thì một bóng đã bị cháy, mỗi khi vận hành, cầu thang lại kêu như “máy cày”. Trong khi khu chung cư này có rất nhiều trẻ con, mỗi khi bước vào cầu thang máy tiếng động phát ra đã làm nhiều cháu sợ phát khóc...
Tại một số chung cư , thang máy đang là nỗi ám ảnh lớn của người dân mặc dù họ vẫn phải sử dụng hằng ngày.
Tại một số chung cư , thang máy đang là nỗi ám ảnh lớn của người dân mặc dù họ vẫn phải sử dụng hằng ngày.

Cùng cảnh ngộ với chị Linh, bác Trần Xuân T - cư dân ở tòa nhà Keangnam hãi hùng kể lại: Trước đây khi mới đưa vào sử dụng được vài ba tháng thang máy của tòa nhà này chẳng khác nào chuồng để nhốt người. Người bị nhốt ít cũng 5-10 phút và cũng có người mắc kẹt tận 30 phút.

"Bản thân tôi đã bị mắc kẹt hai lần, một lần khoảng 5 phút, một lần 30 phút. Riêng lần 30 phút tôi đã bấm chuông cho đội bảo vệ, họ nói bác cứ đứng đợi. Trong suốt thời gian đó, thang máy hết đi lên tầng 16 rồi lại xuống tầng 1 và cứ như thế đến 30 phút tôi mới được giải cứu", bác Linh bày tỏ.

“Để đảm bảo cho việc đi lại bằng cầu thang máy tại các chung cư, tránh tình trạng cầu thang máy chỉ là để làm “cảnh”, chúng tôi mong muốn các ban, ngành liên quan cần thẩm định lại chất lượng toàn bộ hệ thống thangg máy hiện nay. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những sai sót của chủ đầu tư đối với từng khu chung cư mà họ thực hiện phần xây dựng dự án để tránh tình trạng khi “nước đến chân rồi mới nhảy”, anh Tùng một người dân sống tại B6B Nam Trung Yên kiến nghị.
Trần Nguyên