Standard & Poor's vừa hạ bậc phát hành ở khu vực ASEAN đồng thời đánh giá triển vọng ở mức tiêu cực đối với 2 ngân hàng tư nhân có quy mô lớn, đó là Techcombank và Sacombank.
Nhận định của Standard & Poor’s về hai ngân hàng này gần như nhau: Chất lượng tài sản đang đi xuống, ảnh hưởng đến lợi nhuận và nguồn vốn trong bối cảnh tình hình kinh doanh khó khăn ở Việt Nam. Tương tự, trong báo cáo hồi tuần trước về tình hình ngân hàng Việt Nam, Fitch cho rằng điều kiện kinh tế sắp tới sẽ quyết định đến triển vọng hoạt động của các ngân hàng. Và trong trường hợp xấu, việc hạ bậc xếp hạng cũng rất có thể được diễn ra.
Với ngân hàng Việt Nam, xếp hạng có tác động nếu muốn huy động vốn quốc tế. Ảnh: Phan Tuyển |
Trên thực tế, động thái hạ triển vọng xuống tiêu cực mang ý nghĩa cảnh báo thị trường rằng việc hạ bậc tín nhiệm có thể diễn ra sắp tới nếu tình hình tiếp tục diễn biến không thuận lợi.
Đại diện ngân hàng Techcombank cho rằng bản thân ngân hàng đang cố gắng tái cấu trúc với chính sách thận trọng. Ngân hàng bị ảnh hưởng từ khó khăn chung của thị trường và việc cố gắng cải cách sẽ có kết quả tốt đẹp trong thời gian sắp tới.
Tuy vậy, có một câu hỏi đặt ra là việc hạ bậc xếp hạng có thực sự tác động lớn đến các ngân hàng ở Việt Nam? Theo lý thuyết, hạ xếp hạng cũng đồng nghĩa với việc ảnh hưởng ngay đến giá cổ phiếu hay lãi suất các khoản vay quốc tế mà ngân hàng này đang gánh chịu. Nhưng ở Việt Nam, ảnh hưởng này chưa xuất hiện nhiều, bởi một lý do quan trọng là “các ngân hàng Việt còn ít vay mượn từ thị trường quốc tế”, theo ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Điều hành quỹ đầu tư Vietnam Capital Partners, đơn vị tư vấn cho nhiều ngân hàng.
“Việc hạ bậc nếu có cũng không làm ảnh hưởng gì nhiều đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng”, bà Cao Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội, cho biết đối với trường hợp của ngân hàng mình.
“Điều này cũng đúng với những ngân hàng có sự tham gia hạn chế vào các giao dịch có liên quan đến cổ phiếu, trái phiếu trong các giao dịch tài chính quốc tế”, ông Sơn nói.
Xếp hạng rõ ràng là một tiêu chí quan trọng để huy động vốn quốc tế. Nhưng thực tế thì các ngân hàng Việt Nam tham gia khá hạn chế. Trong năm ngoái, chỉ mới có Vietinbank là thành công trong thương vụ phát hành 250 triệu USD trái phiếu. Kế hoạch 1 tỉ USD của Vietcombank vẫn còn để ngỏ. Còn BIDV gần đây mới được phép phát hành tối đa 500 triệu USD.
Dường như các ngân hàng Việt Nam hiện nay chưa thực sự có nhu cầu nên cũng chưa quan tâm đến xếp hạng tín dụng một cách đầy đủ. Tuy nhiên, thái độ đó sẽ dẫn đến một hệ quả lâu dài là suy giảm tính cạnh tranh quốc tế của các ngân hàng và càng làm thị trường tài chính Việt Nam tách biệt ra khỏi thế giới và gây khó cho sự hội nhập của chúng ta một khi nền kinh tế bắt đầu có tính liên kết mạnh hơn với các nước khác.
Nhưng việc cải thiện lại hệ số tín nhiệm ở các ngân hàng là cả một vấn đề. Bởi sự đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hiện nay lại dựa phần nhiều vào bối cảnh hoạt động kinh doanh.
Theo Nhịp cầu đầu tư