Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, sáng 16/6, thông tin từ một số hãng hàng không cho biết nhiều chuyến bay đã không thể cất hạ cánh do đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất đã bị gián đoạn điều hành do nhiễu sóng điều khiển không lưu.
Chiều cùng ngày, Cục Hàng không Việt Nam đã ra thông cáo báo chí chính thức cho biết: Từ 7h47 phút đến 08h 05 phút sáng nay (16/6) đã xảy ra hiện tượng can nhiễu trên tần số điều hành bay tại khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Khi có hiện tượng can nhiễu trên tần số điều hành bay xảy ra, ngay lập tức cơ sở điều hành bay đã thực hiện phương án dự phòng (cụ thể là sử dụng các tần số dự bị theo đúng quy trình), bảo đảm điều hành bay an toàn tuyệt đối.
Sân bay Tân Sơn Nhất (ảnh nguồn ACV). |
Trong khoảng thời gian trên, có 06 chuyến bay chờ và 01 chuyến chuyển hướng tới sân bay dự bị.
Phải đến 08h05 phút giờ cơ sở điều hành bay mới được điều chỉnh bình thường trên tần số chính tại khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo thông tin ban đầu có một nguồn sóng tương đối mạnh, phủ sóng trên các tần số điều hành của đài kiểm soát. Hiện tượng can nhiễu tần số điều hành bay lần đầu tiên xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất khiến nhiều người lo lắng.
Chia sẻ sự quan tâm đến hiện tượng can nhiễu tần số điều hành bay ở sân bay Tân Sơn Nhất, TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (HASCON) gửi bài viết đến báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, giải thích rõ hơn hiện tượng này.
Giả thiết nguồn sóng lạ
TS Nguyễn Bách Phúc cho rằng, dựa vào nguyên lý hoạt động thì đây là hiện tượng tần số “bị một nguồn sóng lạ đè”.
Theo đó, các giải tần số vô tuyến điện đã được phân chia rất khoa học và rất chặt chẽ, sao cho các giải tân số của các ứng dụng không chồng chéo và xâm phạm lẫn nhau, được Cục Quản lý tần số quản lý rất chặt chẽ, sự phân chia này có hiệu lực pháp luật.
Khoảng cách giữa giải tần của hai ứng dụng khác nhau đủ lớn để khó xảy ra sự cố chồng chéo (lưu ý: “giải tân số của các ứng dụng khác nhau” có nghĩa là “giải tần số, ví dụ của sóng phát thanh, của sóng truyền hình, của sóng truyền số liệu, của sóng điều khiển tên lửa, vũ khí...).
“Như vậy khi nói “bị một nguồn sóng lạ đè” lên, người nghe có thể hiểu nguyên nhân xuất phát từ một trong hai khả năng là ngẫu nhiên hoặc cố ý”, TS Phúc nhận định.
Ở trường hợp nguồn sóng lạ là ngẫu nhiên, đây có thể do một sự cố nghiêm trọng xảy ra ở các thiết bị điện, năng lượng, hoặc các máy phát sóng của một ứng dụng khác đang hoạt động trong khu vực. Bởi vì, hằng ngày các thiết bị này vẫn làm việc bình thường mà không gây ra sóng lạ, chỉ khi bị sự cố mới có khả năng phát ra sóng lạ.
Trường hợp ngẫu nhiên thứ hai, là sự cố xảy ra tại chính nguồn phát sóng của điều khiển không lưu. Sự cố khiến máy phát phát ra một nguồn sóng lạ, khác với nguồn sóng bình thường của mình.
Tuy nhiên, cách giải thích trường hợp này không có sức thuyết phục, bởi vì sóng lạ tại sao chỉ đè có 18 phút, chẳng lẽ máy phát sóng của điều khiển không lưu chỉ sự cố có 18 phút, rồi tự khôi phục lại như bình thường?
Ở giả thiết một nguồn sóng lạ là cố ý, hiện tượng này chỉ xảy ra khi có hành động cố tình phá hoại.
“Cục quản lý tần số và lực lượng an ninh hoàn toàn có khả năng phát hiện chính xác nguồn sóng lạ phát ra từ đâu, nhờ họ đã có đầy đủ những phương tiện tự động hóa tối tân hiện đại”, TS Phúc cho biết.
Sao không có tần số dự phòng?
Khoan nói đến nguyên nhân tần số từ đâu và tại sao xuất hiện đè lên tần số đài kiểm soát không lưu của sân bay Tân Sơn Nhất thì cách phản ứng với tình huống sân bay Tân Sơn Nhất bị nhiễu sóng lạ của Cục Hàng không cùng những lý giải của các đơn vị ngành hàng không có nhiều điều chưa rõ ràng.
Cụ thể trong thông báo Cục Hàng không Việt Nam nói: “Khi xảy ra hiện tượng can nhiễu trên tần số điều hành bay, ngay lập tức cơ sở điều hành bay đã thực hiện phương án dự phòng (cụ thể là sử dụng các tần số dự bị theo đúng quy trình), bảo đảm điều hành bay an toàn tuyệt đối”.
TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI: Mất tần số, mất điều khiển thì máy bay biết bay đi đâu, hạ cánh ở nơi nào? |
Cách lý giải này chúng tôi rất ngạc nhiên, bởi vì “đã ngay lập tức thực hiện phương án dự phòng”, “sử dụng các tần số dự bị theo đúng quy trình”, “bảo đảm điều hành bay an toàn tuyệt đối”, mà sao lại có hàng loạt máy bay không cất cánh hạ cánh được?
Xin hỏi, xuất phát từ nguyên nhân nào mà sinh ra mâu thuẫn này trong phát ngôn của Lãnh đạo Hàng không Việt Nam?
Theo nguyên lý khoa học, thì Điều hành không lưu luôn luôn phải có “các tần số dự bị theo đúng quy trình”, các máy bay cất cánh và hạ cánh đều phải biết tần số dự bị, hơn nữa hệ thông tự động trên máy bay và trên Điều khiển không lưu sẽ tự động chuyển đổi sang tần số dự bị khi mất tần số chính thức.
Nếu vậy dù sóng điều khiển không lưu bị nhiễu thì liên lạc giữa điều khiển không lưu và các máy bay sẽ không hề hấn gì.
Đó là nói theo nguyên lý, còn thực tế thế nào thì không ai biết. Chỉ có thể kết luận rằng với sự cố vừa qua, điều khiển không lưu Tân Sơn Nhất không cho các máy bay cất hạ cánh biết tần số dự bị của mình, và trên các máy bay không có thiết bị tự động chuyển đổi tần số khi gặp sự cố.
Sau khi Hội Tư vấn HASCON đưa ra phân tích sự cố tần số tại sân bay Tân Sơn Nhất, Cục trưởng Cục hàng không giải thích: “Hôm qua trạm điều hành không lưu đã phải chuyển sang tần số dự bị, nếu không sẽ gián đoạn điều hành bay. Còn một số chuyến bay bị lỡ là điều bình thường, vì khi chuyển sang tần số dự bị thì về mặt khối lượng cung cấp không bằng được tần số bình thường, nên dẫn đến tình trạng chuyến phải bay chờ, phải dự bị.
Tuy nhiên, lời giải thích này không hợp lý vì thực ra, “khối lượng cung cấp dịch vụ” ở đây phụ thuộc trình độ của thiết bị, của công nghệ, của năng lực điều hành, chứ hoàn toàn không phụ thuộc tần số sóng điều hành chính thức hay dự bị, có thể đưa ra một ví dụ dễ hiểu: thực lượng một bữa ăn của người ta phụ thuộc tình trạng sức khỏe, tình trạng đói no, chứ hoàn toàn không phụ thuộc dùng đôi đũa chính thức hay dự bị, dài hay ngắn”.
Bên cạnh đó, phát biểu trên báo chí lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho rằng “sự cố mất tần số là không nguy hiểm” vậy mất tần số, mất điều khiển thì máy bay biết bay đi đâu, hạ cánh ở nơi nào?