Thông tin Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) sẽ trình đại hội cổ đông thông qua phương án sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Tâm điểm dư luận lúc này chính là đại gia Trầm Bê, khi gia đình ông này đang cùng lúc nắm giữ cổ phần lớn tại Sacombank và Southern Bank.
Cụ thể ông Trầm Bê và thành viên trong gia đình chi phối tới 21% Southern Bank, giữ nhiều chức vụ quan trọng tại đây. Trong khi tại Sacombank, gia đình ông Trầm Bê cũng đang nắm giữ khoảng 6,7%, chưa kể tới khả năng tỷ lệ có thể còn lớn hơn rất nhiều thông qua hình thức nhờ người khác đứng tên cổ phiếu.
Sáp nhập Phương Nam và Sacombank, gia đình ông Trầm Bê được hưởng lợi |
Trước đó, sau khi Báo cáo quản trị năm 2013 của Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) được công bố, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các thành viên trong gia đình ông Trầm Bê đã nắm là 20,81% vốn của ngân hàng này. Theo Luật các tổ chức tín dụng 2010 gia đình đại gia Trầm Bê đã vi phạm vì nắm giữ cổ phần vượt quá trần.
Bên cạnh đó, Báo cáo quản trị 2013 của Sacombank (STB) cho thấy, gia đình ông Trầm Bê cũng nắm nhiều cổ phần nhất trong số các thành viên HĐQT NH này. Tính chung số cổ phần nắm giữa của gia đình ông Trầm Bê tại Sacombank hơn 6%.
Được biết tổng số vốn của Sacombank khoảng trên 12.000 tỉ đồng, Souther Bank 4.000 tỉ đồng. Về luật, sau khi hợp nhất 2 ngân hàng lại chắc chắn tổng số cổ phần nắm giữa tại ngân hàng mới của gia đình ông Trầm Bê sẽ không còn lo ngại vượt trần (trên 20%) như trước.
Không những thoát án phạt sở hữu cổ phần vượt trần, việc sáp nhập ngân hàng sẽ đưa đại gia 55 tuổi này lên hàng những ông trùm tài chính lớn nhất tại Việt Nam.
Chủ trương tìm một ngân hàng nhỏ sáp nhập Sacombank nhằm tái cơ cấu lại ngân hàng này đã có từ năm 2013, tuy nhiên trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia tài chính (xin được dầu tên) cho rằng: “Dù tính toán thế nào nhưng trước khi việc sáp nhập hoàn thành thì như ý kiến của nguyên Thổng đốc NHNN TS Cao Sỹ Kiêm đã nói gia đình ông Trầm Bê vi phạm luật thì sẽ phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật”.
Cũng đồng quan điểm với ý kiến đó, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập cho rằng, qua diễn biến của vụ việc có thể thấy, hiện nay trong văn bản pháp luật còn thiếu quy định về việc một cổ đông hay những người liên quan cổ đông đó đến được phép sở hữu bao nhiêu phần trăm cổ phần tại các ngân hàng. Hiện mới chỉ đưa ra quy định một cổ đông và những người có liên quan không được sở hữu vượt 20% vốn của các tổ chức tín dụng.
“Việc quyết định một cá nhân được phép nắm giữ bao nhiêu phần trăm số cổ phần tại một ngân hàng do NHNN quyết định cũng như cũng cơ quan quản lý nhà nước khác đưa ra. Điều này đặc biệt quan trọng khi hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang có nhiều lo lắng liên quan đến sở hữu chéo, lo lắng một cá nhân sẽ thao túng tài chính khi sở hữu quá nhiều cổ phiếu tại một ngân hàng”, TS Hiếu cho biết.
Ngoài gia đình ông Trầm Bê Hiện, hiện còn nhiều gia đình đại gia Việt có quyền lực tài chính trong ngành ngân hàng như gia đình ông Trần Mộng Hùng tại Ngân hàng Á Châu (ACB), gia đình bà Nguyễn Thị Xuân Loan tại ngân hàng Nam Á NamA bank.
Tại ACB, tính số cổ phiếu các thành viên gia đình ông Trần Mộng Hùng nắm giữ lên tới 880 tỷ đồng cổ phiếu bao gồm ông Trần Mộng Hùng 260 tỷ đồng cổ phiếu, bà Đặng Thu Thủy - vợ ông Hùng nắm giữ 170 tỷ đồng và ông Trần Hùng Huy - con trai ông Hùng, thay ông Hùng nắm giữ số tài sản trị giá hơn 450 tỷ đồng cổ phiếu ACB.
Tương tự tại ngân hàng NamA Bank, Chủ tịch Hội đồng quản trị của nhà băng hiện là bà Nguyễn Thị Xuân Loan, người nắm cổ phần lớn nhất lại là mẹ ruột - bà Trần Thị Hường với 14,03% cổ phần theo bản cáo bạch ngày 31/12/2009.