Việc Tập đoàn Metro Cash & Carry (Metro) ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Berli Juker (BJC) của Thái Lan về việc BJC sẽ mua lại lĩnh vực kinh doanh sỉ của Metro tại Việt Nam khiến nhiều người lo ngại về sự xáo trộn đáng kể trên thị trường bán lẻ trong nước. Ông Philippe Bacac, Tổng giám đốc Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam trả lời về vấn đề này.
- Đánh giá Việt Nam là một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng, nhưng tại sao Tập đoàn Metro Cash & Carry lại quyết định chuyển nhượng Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam, thưa ông?
ss
Ông Philippe Bacac, Tổng giám đốc Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam. |
Ông Philippe Bacac: Metro và BJC đã có một số thảo luận về các hoạt động của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Chúng tôi tin rằng, thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng và đó là lý do chúng tôi đã đầu tư vào thị trường này trong suốt 12 năm qua.
Chúng tôi cũng chắc chắn rằng, thỏa thuận trên sẽ giúp Công ty tăng cường năng lực cốt lỗi, đảm bảo sự tăng trưởng trong tương lai.
Điều đó có thể thực hiện được do BJC đang vận hành các chuỗi cung ứng hiện đại và phân phối trong khu vực cũng như có cam kết tiếp tục mở rộng tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng, thỏa thuận này sẽ đưa Công ty lên một vị thế mới và phát huy hết tiềm năng của mình.
- Có ý kiến cho rằng, Metro đã thất bại tại thị trường Việt Nam, ông nghĩ thế nào về nhận định này?
Ông Philippe Bacac: Hoạt động của Metro Cash & Carry Việt Nam là một câu chuyện thành công kể từ khi chúng tôi có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2002.
Metro Cash & Carry Việt Nam là công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực phân phối, với 19 trung tâm tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước, phục vụ hơn 900.000 khách hàng chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng là một trong những công ty sử dụng nhiều nhân viên nhất, với khoảng 3.600 nhân viên toàn thời gian.
ss
Metro Cash & Carry Việt Nam là công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực phân phối
Bên cạnh đó, Metro Cash & Carry Việt Nam cũng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thông qua xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững trong nông nghiệp, phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong năm tài khóa 2012-2013, doanh số của Công ty đạt 526 triệu euro.
- Ông có cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã mất động lực và môi trường kinh doanh không còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài?
Ông Philippe Bacac: Chúng tôi tin rằng, Việt Nam là một thị trường có tiềm năng lớn, vì đây là quốc gia lớn thứ ba trong khu vực về dân số và thực tế là tỷ lệ thâm nhập hàng tạp hóa hiện đại còn rất nhiều cơ hội để phát triển ở Đông Nam Á.
Theo Euromonitor, năm 2013, tỷ lệ này chiếm khoảng 4% tổng doanh số bán hàng tạp hóa, so với tỷ lệ trung bình là 42% cho các nước tại khu vực này. Đồng thời, GDP của Việt Nam có xu hướng tăng tích cực (tăng trưởng hàng năm khoảng 5% trong vòng 2 năm qua) và xu hướng tiêu dùng phản ánh sự quan tâm ngày càng cao đối với các hình thức phân phối và bán lẻ hiện đại.
- Tại sao Metro quyết định bán Metro Cash & Carry Việt Nam cho BJC mà không phải là đơn vị khác?
Ông Philippe Bacac: BJC đã xây dựng và vận hành các chuỗi cung ứng hiện đại và toàn diện, đồng thời có kế hoạch rõ ràng cho việc mở rộng kinh doanh. Chúng tôi tin rằng, hoạt động bán buôn của chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển dưới sự quản lý của BJC, cùng với nhiều tiềm năng khác sẽ được khai thác.
- Việc bán Metro Cash & Carry Việt Nam có phải là một hoạt động chuyển giá?
Ông Philippe Bacac: Tại tất cả các quốc gia nơi Metro hoạt động, trong đó có Việt Nam, chúng tôi tuyệt đối tuân thủ quy định công ty, luật pháp và quy định của các nước sở tại. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đều có đầy đủ thông tin liên quan tới hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại Việt Nam.
- Ông có thể cho biết chi tiết về việc chuyển nhượng giữa Metro Cash & Carry Việt Nam và Tập đoàn Berli Juker (BJC) khi nào hoàn tất?
Ông Philippe Bacac: Thỏa thuận chuyển nhượng gồm 19 trung tâm phân phối trên cả nước, kho hàng và phương tiện hậu cần gồm các trung tâm trung chuyển, trung tâm thu mua rau quả và thủy sản, cũng như chi phí thuê các trung tâm, kho bãi thời gian từ 20 đến 37 năm.
Thỏa thuận này sẽ tuân thủ các điều kiện và sự phê duyệt theo quy định về chuyển nhượng của các cơ quan hữu quan. Dự kiến, việc chuyển nhượng sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2015.
- Vậy có những thay đổi gì sau ký hợp đồng chuyển nhượng?
Ông Philippe Bacac: Hiện nay, các hoạt động kinh doanh của Metro Cash & Carry Việt Nam vẫn diễn ra như bình thường. Điều quan trọng là, tất cả chúng tôi đều tập trung vào từng lĩnh vực của mình để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Cho đến khi việc chuyển nhượng hoàn thành, sẽ không có bất kỳ thay đổi nào về các điều khoản và hợp đồng lao động, cũng như hoạt động kinh doanh của Metro Cash & Carry Việt Nam và mối quan hệ với văn phòng chính tại CHLB Đức.
Sau quá trình chuyển nhượng, Metro Cash & Carry sẽ tiếp tục hỗ trợ Công ty trong vòng 24 tháng để đảm bảo việc chuyển giao được thực hiện suôn sẻ.
- Sự thay đổi chủ của Metro Cash & Carry Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với nhân viên công ty?
Ông Philippe Bacac: Nhân viên cùng các phúc lợi có liên quan luôn là trọng tâm trong các thảo luận giữa Metro và BJC. BJC đã có kế hoạch ấn tượng trong những năm gần đây để tăng cường vị thế trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ tại khu vực.
Việc tiếp quản Metro Cash & Carry Việt Nam sẽ giúp BJC phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Điều này đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm của đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản của Metro Cash & Carry Việt Nam. BJC cam kết mở rộng hoạt động và mạng lưới của Metro Cash & Carry Việt Nam và mong muốn được làm việc với tất cả nhân viên trong Công ty.
- Sau khi tiếp quản Metro Cash & Carry Việt Nam, BJC sẽ hoạt động như thế nào?
Ông Philippe Bacac: BJC là một công ty hàng đầu trong khu vực về lĩnh vực xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng, sản xuất và phân phối. Việc mua lại các trung tâm của Metro Cash & Carry Việt Nam sẽ giúp công ty này có cơ hội lớn hơn trong việc phát triển lĩnh vực phân phối tại Việt Nam và mở rộng mạng lưới trên cả nước.
Việc chuyển nhượng có ảnh hưởng gì tới các đối tác kinh doanh và các nhà cung cấp hiện nay của Metro Cash & Carry Việt Nam, đặc biệt là các hợp đồng và điều khoản thanh toán?
Đối với các đối tác kinh doanh, nhà cung cấp lớn và quan trọng, chúng tôi đã và đang thông báo cho họ thông tin về thỏa thuận giữa Metro và BJC.
Chúng tôi sẽ giữ mối liên lạc thường xuyên và chặt chẽ với các đối tác và nhà cung cấp theo phương châm trao đổi cởi mở và minh bạch những vấn đề có thể phát sinh từ việc chuyển nhượng. Một sự chuyển nhượng suôn sẻ là điều các bên cùng mong đợi và chúng tôi sẽ làm hết sức để đảm bảo điều đó.
- Hiện nay, có một số quan ngại về việc sau chuyển nhượng, các sản phẩm của Thái Lan sẽ có thể lấn át sản phẩm Việt Nam. Ông nghĩ thế nào về những ý kiến này?
Ông Philippe Bacac: Bản chất của hoạt động kinh doanh đòi hỏi chúng tôi phải xây dựng và tối ưu các chủng loại sản phẩm dựa trên xu thế tiêu dùng và nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, các sản phẩm được phân phối tại các trung tâm phải đáp ứng những đòi hỏi và yêu cầu đó. Quá trình lựa chọn sản phẩm trong nước và quốc tế để đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng sẽ như vậy. Chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm quản lý ngành hàng với BJC.
Bên cạnh đó, BJC cũng mong muốn là một đối tác đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam và tiếp tục hỗ trợ các nhà cung cấp, cộng đồng địa phương. Tôi cũng cần nói rõ thêm rằng, với kinh nghiệm khu vực trong việc quản lý các chuỗi cung ứng của BJC, có thể sẽ có nhiều cơ hội cho các nhà cung cấp trong nước tiếp cận thị trường nước ngoài thông qua hệ thống phân phối đã có.
- Metro Cash & Carry Việt Nam đã có những thành công trong việc hỗ trợ và đào tạo nông dân, nhà sản xuất địa phương. Liệu các hoạt động này có được tiếp tục?
Ông Philippe Bacac: Đào tạo nông dân, ngư dân và chuyển giao kiến thức mới là một trong những thành công của Metro Cash & Carry Việt Nam khi hoạt động tại Việt Nam. Cách tiếp cận này mang lại lợi ích và được cộng đồng, cũng như Chính phủ Việt Nam hoan nghênh. Chúng tôi đã sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm đó với BJC.
- Metro được biết đến là đơn vị tích cực hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt. Trong tương lai, việc thu mua các mặt hàng này xuất đi thị trường châu Âu có bị ảnh hưởng?
Ông Philippe Bacac: Ưu tiên quan trọng của chúng tôi là thỏa mãn nhu cầu khách hàng và vì vậy, chúng tôi thu mua tất cả các sản phẩm từ khắp nơi trên thế giới để đáp ứng nhu cầu đó. Văn hóa ẩm thực của Việt Nam ngày càng được nhiều người biết đến, đặc biệt là tại thị trường Đông và Tây Âu, nên chúng tôi cũng phân phối nhiều hàng Việt.
Từ nhiều năm nay, Metro cũng thành lập các văn phòng thu mua tại TP.HCM và trong khu vực. Những văn phòng này vẫn tiếp tục hoạt động và các sản phẩm Việt sẽ tiếp tục được xuất khẩu. Trong năm 2014, dự kiến giá trị thu mua các sản phẩm thực phẩm từ Việt Nam sẽ gấp đôi năm 2013.