Gần 1 tháng trôi qua nhưng những nghi ngờ về việc “ăn bớt” phụ tùng theo xe, “tráo đồ” của đại lý bán xe và những sự cố kỹ thuật trên chiếc xe Mercedes-Benz S500 được vạch trần vẫn đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Quan tâm không chỉ bởi việc một người tiêu dùng Việt Nam dám lên tiếng vạch trần chất lượng, lỗ hổng trong khâu chăm sóc khách hàng của một thương hiệu lớn, một tập đoàn đa quốc gia mà hơn hết dư luận đang chờ xem cách xử lý sự cố của thương hiệu ô tô lớn như Mercedes-Benz sẽ như thế nào?.
Sự im lặng đến lạ lùng của Mercedes-Benz Việt Nam |
Tuy nhiên càng chờ đợi, dư luận càng thất vọng về sự "án binh bất động" của Mercedes-Benz Việt Nam - đơn vị đại diện thương hiệu xe Mercedes tại Việt Nam. Sự im lặng trước khúc mắc của khách hàng này đang khiến dư luận đặt ra câu hỏi lớn, phải chăng đây là cách cư xử lạnh lùng theo kiểu “mua đứt bán đoạn”, không quan tâm tới khách hàng của Mercedes-Benz?.
Lâu nay người tiêu dùng Việt Nam thường bị coi thường ở khâu hậu mãi sau bán hàng, điều đó xuất phát từ tâm lý trong giao thương người Việt từ xưa đó là “thuận mua vừa bán”. Khi đó cả người bán và người mua đề thỏa thuận xong về giá cả và chấp nhận bán hàng và mua hàng. Vì thế tâm lý chung là khi xảy ra sự cố người tiêu dùng thường tự trách mình hơn là tìm nguyên nhân sau sự cố đó.
Tâm lý này khiến người tiêu dùng Việt Nam dễ bị coi thường đặc biệt khi họ sử dụng những sản phầm của tập đoàn đa quốc gia, sản phẩm thương hiệu lớn khi họ thường bỏ qua những sự cố, nếu nó không trầm trọng. Ở câu chuyện xử lý sự cố giữa Mercedes-Benz Việt Nam và chị P.M (khách hàng lên tiếng phản ánh chất lượng kỹ thuật xe Mercedes-Benz S500), người ta cũng có thể thấy "thấp thoáng" sự coi thường ấy từ ông lớn trong ngành xe khi phớt lờ mọi phản ánh của khách hàng.
Khách hàng cho rằng, sự im lặng khó hiểu của Mercedes-Benz Việt Nam lúc này như một cách lẩn trốn trách nhiệm với sản phẩm của mình. Sự im lặng đó có thể sẽ giúp Mercedes-Benz “tai quan nạn khỏi” trong một hoặc vài vụ việc nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu của doanh nghiệp.
Theo thông tin mới nhất Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được, chị P.M đã có đơn gửi cơ quan như Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) với mong muốn được các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ vụ việc.
Dường như vụ việc không còn là "giải quyết sự cố" Mercedes Việt Nam và khách hàng khi cả hai không tìm được tiếng nói chung. Khách hàng của Mercedes, Mercedes Việt Nam và người tiêu dùng Việt nói chung vẫn chờ đợi một cái kết tốt đẹp, liệu điều đó có xảy ra?