Trong thời gian gần đây, Cụm từ “Amiang trắng”, nhất là sự ảnh hưởng của nó tới sức khỏe con người đã xuất hiện với tần xuất khá nhiều trên các loại hình báo chí ở Việt Nam (báo hình, báo viết, báo nói…) với những quan điểm và nhận định khác nhau và đôi khi vì những quan điểm chủ quan của mình có một vài tổ chức, cá nhân đã tham mưu cho các cơ quan quản lý nhà nước không chuẩn xác trong việc định hướng sử dụng các vật liệu có chứa Amiang trắng ở nước ta.
Nhằm cung cấp thông tin khoa học, chính xác về sự độc hại của Amiang trắng tới sức khỏe con người và môi trường cùng các vấn đề liên quan, sáng ngày 6/10/2017, tại Liên hiệp Hội Việt Nam (53 Nguyễn Du , Hà Nội) Trung tâm Tổ chức Phi Chính phủ phối hợp với Hội Hóa học Việt Nam, Hội Khoa học kĩ thuật An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo và phát triển cộng đồng đã tổ chức Tọa đàm “Trao đổi các thông tin liên quan đến vấn đề sử dụng Amiang trắng ở Việt Nam”.
Buổi tọa đàm đã thu hút đông đảo các vị đại biểu, lãnh đạo, phóng viên của báo đài cùng tới tham dự (Ảnh: An Nhiên). |
Tới tham dự buổi tọa đàm có bà Bùi Thị An – Phó giáo sư, Tiến sĩ, Phó chủ tịch Liên Hiệp Hội Hà Nội; ông Nguyễn Văn Sơn - Phó viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ y tế; ông Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng; ông Đỗ Quốc Quang – nguyên Viện phó Viện công nghệ, Bộ Công thương… cùng đông đảo các vị đại biểu, đặc biệt là lãnh đạo và phóng viên, báo đài cùng đến tham dự.
Bà Bùi Thị An – Phó giáo sư, Tiến sĩ, Phó chủ tịch Liên Hiệp hội Hà Nội phát biểu khai mạc buổi tọa đàm. |
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ y tế đã có bài báo cáo về sự độc hại của Amiang đối với sức khỏe con người. |
Ông Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng phát biểu một số ý kiến về các thông tin liên quan đến vấn đề sử dụng Amiang trắng ở Việt Nam. |
Ông Đỗ Quốc Quang – nguyên Viện phó Viện công nghệ, Bộ Công thương chia sẻ nghiên cứu và sản xuất tấm lợp không sử dụng Amiang tại Việt Nam. |
Tình hình sử dụng Amiang ở Việt Nam
Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và nhiều nước phát triển đã khuyến cáo về tác động của Amiang đối với sức khỏe con người: tất cả các loại Amiang, trong đó có Amiang trắng, đều là chất gây ung thư cho con người.
Việc Amiang trắng là nguyên nhân gây ung thư trung biểu mô, ung thư buồng trứng, ung thư phổi… đã được nhiều Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nước phát triển ( Nhật, Úc, Anh,…), nhiều tổ chức và cơ quan (cơ quan nghiên cứu ung thư Quốc tế, IARC) nghiên cứu rất sâu với những thiết bị hiện đại có các bằng chứng cụ thể và khẳng định tác hại của Amiang trắng.
Chính vì vậy họ đã khuyến cáo các Chính phủ các nước là cần phải cấm sử dụng Amiang trắng càng sớm càng tốt vì chúng gây cho xã hội những hậu quả, thiệt hại lớn khôn lường (đó là chưa kể đến tính mạng con người – là vô giá.
Họ tính rằng nếu Amiang trắng đem lại được một đồng lợi nhuận thì xã hội tốn ba đồng chi cho bệnh tật do Amiang trắng gây ra.
Với khối lượng tiêu thụ cỡ 60-70 ngàn tấn Amiang mỗi năm, chỉ riêng trong lĩnh vực sản xuất và sử dụng tấm lợp AC ở Việt Nam với lịch sử trên 50 năm (kể từ khi nhà máy tấm lợp AC Đồng Nai được xây dựng vào năm 1963) chúng ta đã sử dụng tới vài triệu tấn sợi Amiang.
Với kích thước sợi Amiang vô cùng nhỏ bé, các sợi này nếu không được bao gói, bảo quản, vận chuyển, sử dụng đúng cách sẽ rất dễ phát tán vào không khí xung quanh, mà hậu quả là không chỉ người lao động trong các cơ sở sản xuất tấm lợp AC, mà cả cộng đồng dân cư phải hứng chịu.
Trong quá trình sản xuất tấm lợp AC, người ta phải dùng một lượng nước đáng kể để tạo pha lỏng, rồi khuấy trộn hỗn hợp Amiang với các chất phụ gia khác.
Không phải nhà máy tấm lợp AC nào cũng sử dụng nước tuần hoàn, mà ngay cả đối với các nhà máy sử dụng phương pháp tuần hoàn nước cũng không tránh khỏi việc nước, bùn thải có chứa Amiang thải vào hệ thống kênh mương, vào môi trường.
Dấu hiệu sớm cảnh báo ung thư phổi |
Bùn thải khi bị khô kiệt sẽ lại phát tán bụi , sợi Amiang vào không khí, đầu độc người dân, ấy là chưa kể khả năng người dân uống phải nước nhiễm Amiang sẽ bị các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa.
Nếu như ta làm một phép tính tương đối, với lượng tiêu thụ Amiang trung bình ở Việt Nam trong những năm từ 1990-2014, kể từ khi các nhà máy sản xuất tấm lợp AC ồ ạt ra đời ở Việt Nam là 70 ngàn tấn/ năm (có năm nhiều hơn, năm ít hơn), thì trong gần 25 năm qua chúng ta đã “mang về” Việt Nam tới 1.750.000 tấn khoáng chất độc hại này.
Nếu gộp cả lượng Amiang đã sử dụng ở Việt Nam từ khi nhà máy tấm lợp AC đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng ở Đồng Nai vào năm 1963 thì có lẽ lượng Amiang đã được sử dụng và đang tồn tại ở nước ta ở các dạng khác nhau phải lên đến trên 2 triệu tấn.
Ngoài Amiang Việt Nam còn nhập rất nhiều sản phẩm chứa Amiang, ví dụ: vải, má phanh, vật liệu cách nhiệt, đệm, thừng, sợi, thảm; đặc biệt các tấm phẳng để trang trí hoặc ngăn che trong các tòa nhà chung cư cao tầng, nhà văn phòng…
Các sản phẩm này được nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ… và cả từ các nước đã cấm sử dụng Amiang như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore...
Cần nhấn mạnh rằng, ngay từ năm 2001, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra lộ trình cấm sử dụng Amiang ở tất cả các dạng và hướng người dân chuyển sang sử dụng các sản phẩm không Amiang.
Tuy nhiên đến năm 2004 (là thời hạn cuối cấm hoàn toàn việc sử dụng tất cả các loại Amiang), vì các lí do khác nhau, Chính phủ đã cho phép kéo dài thêm thời hạn sử dụng Amiang trắng.
Tuy nhiên cấm xây dựng mới các nhà máy sử dụng Amiang và khuyến khích việc nghiên cứu và sử dụng các loại sợi thay thế Amiang.
Một trong các loại sợi được dùng để sản xuất tấm lợp không Amiang hiện nay là sợi PVA do nó có các đặc tính ưu việt như: Cường độ bền kéo cao, modun đàn hồi cao, đặc biệt là khả năng tạo liên kết vững chắc với phần tử xi măng trong quá trình thủy hóa, khả năng co giãn, kháng kiềm…
Dây chuyền công nghệ sản xuất tấm lợp không chứa Amiang (thay thế bằng sợi PVA) đã được lắp đặt tại Việt Nam từ năm 2007, và từ năm 2008 đến nay các sản phẩm tấm lợp không Amiang sử dụng PVA đã được sản xuất và chủ yếu cung ứng cho thị trường quốc tế với chất lượng cao.
Tiếc rằng do giá thành còn khá cao nên các tấm lợp không Amiang vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường trong nước.
Hậu quả và gánh nặng bệnh tật của việc kéo dài sử dụng Amiang ở Việt Nam
Với khoảng 02 triệu tấn đã sử dụng số lượng người đã mắc ung thư trung biểu mô là khoảng 11.764 người, chưa tính mắc ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng và bệnh bụi phổi Amiang.
Amiang là chất có thời gian bán hủy rất dài hàng chục năm, đặc biệt với hàng triệu căn nhà sử dụng đang sử dụng tấm lợp rải khắp cả nước và như vậy có hàng triệu người sống trong đó, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng khó khăn, với hiểu biết về tác hại của amiang với sức khỏe còn rất hạn chế, do đó họ chưa biết dự phòng tác hại của Amiang cho chính mình và cho cộng đồng.
Nhiều hộ gia đình sau khi mái nhà xuống cấp đã dùng chính tấm lợp đập vỡ rải ra sân, ra đường hoặc làm hàng rào chính đây là nguyên nhân gây ra phát tán Amiang mà nhiều người dân nhà không sử dụng cũng bị ảnh hưởng.
Hiện nay, Việt Nam chúng ta rất khó đánh giá gắng nặng bệnh tật do Amiang gây ra một cách tổng thể là do các nghiên cứu đã được phê duyệt đều là ngắn hạn, chủ yếu nghiên cứu ngang, không có hệ thống.
Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu về chi phí điều trị ung thư do Amiang cũng như các chi phí cho vấn đề môi trường, tiêu hủy Amiang.
Tuy nhiên báo cáo của Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Giám đốc viện Nghiên cứu Ung thư, Phó Viện trưởng Bệnh viện K cho thấy, về chi phí cho điều trị căn bệnh ung thư chung ở Việt Nam có một số đặc điểm như sau:
“70% bệnh nhân có bảo hiểm y tế; Gánh nặng kinh tế của thuốc điều trị ung thư trong năm 2010 lên tới 1.621 tỷ đồng; Gánh nặng dịch vụ y tế năm 2010 lên tới 467 tỷ đồng; Chi phí năm 2013 của Bảo hiểm Xã hội cho thuốc ung thư riêng ở Bệnh viện K là 671,9 tỷ đồng (chiếm 26,6% chi phí chung của thuốc); Gánh nặng kinh tế của riêng điều trị ung thư vú lên đến 2088 tỷ đồng…”.