Đơn vị chiếm thị trường “sữa Ba Vì” lớn nhất nói gì? Xung quanh sự việc, sản phẩm sữa tươi Ba Vì bị nhãn mác giả, nhái và kém chất lượng của Công ty Cổ phần sữa Ba Vì được Đoàn Thanh tra liên ngành TP. Hà Nội đã đình chỉ sản xuất và lưu hành trên thị trường 3 sản phẩm sữa bò, sữa dê tươi vì không đạt các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, một điều khá lạ kỳ và khó hiểu ở đây là các sản phẩm, “sữa tươi Ba Vì” lại được nhiều đơn vị đăng ký “dùng chung” thương hiệu này (!?).
Đoàn Thanh tra Liên ngành TP. Hà Nội sau khi phát hiện vi phạm của Công ty cổ phần sữa tươi Ba Vì đã ngừng sản xuất và lưu hành trên thị trường 3 sản phẩm sữa bò, sữa dê tươi vì không đạt các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. (ảnh Tiền Phong) |
Theo tìm hiểu của PV, đơn vị cung ứng sản phẩm sữa tươi Ba Vì nhiều nhất tại thị trường miền Bắc là của công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) và một vài sản phẩm khác của Công ty Cổ phần sữa Ba Vì có trụ sở tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội... Thậm chí, một số thông tin khác còn cho rằng, việc sữa tươi kém chất lượng, giả nhãn mác của Công ty Cổ phần sữa tươi Ba Vì bị Đoàn Thanh tra liên ngành TP. Hà Nội lập biên bản và xử lý hành chính ngày 5/6 vừa qua có sự “liên kết” sản xuất mặt hàng “sữa tươi Ba Vì” với đơn vị có thị trường lớn nhất là Công ty Cổ phần sữa Quốc tế IDP? Trả lời về vấn đề này, một đại diện Công ty Cổ phần sữa Quốc tế (IDP) khẳng định với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam vào chiều 7/6: “Không có bất cứ sự liên kết sản xuất nào giữa IDP với các đơn vị vi phạm nhãn mác, kém chất lượng như báo chí thông tin phản ánh thời gian vừa qua”.
Để nhận biết các sản phẩm của sữa tươi Ba Vì của Công ty Cổ phần sữa Quốc tế (IDP), ông Nguyễn Tuấn Dũng cho biết: “Các sản phẩm sữa tươi Ba Vì, sữa thanh trùng Ba Vì có đặc điểm nhận dạng đốm bò đen trắng và đựng trong hộp giấy chất lượng cao khác hẳn với các sản phẩm đã bị ngưng sản xuất đựng trong các loại bao bì bằng các chất liệu khác”.
“Các sản phẩm sữa tươi Ba Vì của chúng tôi được sản xuất bởi dây chuyền hiện đại, nhà máy đạt chứng chỉ quản trị hệ thống chất lượng ISO 22000:2005. Đặc biệt, IDP đã 3 năm liền đạt giải thưởng Cup vàng chất lượng châu Âu. Chúng tôi hiện có rất nhiều nhà máy đang vận hành sản xuất và cung cấp các sản phẩm này ra thị trường. Vì thế, không dại gì mà IDP lại liên kết với đơn vị khác để sản xuất sữa tươi Ba Vì kém chất lượng cả” – ông Nguyến Tuấn Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa Quốc tế (IDP) cho biết. Ông Dũng cho biết thêm: Sau khi báo chí đưa tin trên thị trường xuất hiện các sản phẩm “sữa tươi Ba Vì” vi phạm thương hiệu, nhãn mác dẫn đến việc người tiêu dùng nhầm lẫn với các sản phẩm của IDP và ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Ông Dũng nói: “Phía IDP xác nhận và khẳng định rằng các sản phẩm, thương hiệu sữa tươi Ba Vì, sữa thanh trùng Ba Vì, sữa chua ăn Ba Vì của IDP là các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các thương hiệu này đã được đang ký chính thức bởi các cấp có thẩm quyền”.
Sản phẩm sữa tươi Ba Vì của Công ty CP sữa Ba Vì bị Đoàn Thanh tra Liên ngành TP. Hà Nội kiểm tra, xử lý vì vi phạm nhãn mác |
“Hiện nay, toàn bộ các sản phẩm từ các nhà máy thuộc Công ty Cổ phần sữa Quốc tế (IDP) vẫn đang trong quá trình sản xuất và đang lưu thông bình thường trên thị trường. Chúng tôi đang chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng về một số đơn vị đang sử dụng thương hiệu mang tên na ná “sữa tươi Ba Vì” vì sao lại được nhiều đơn vị đăng ký?” – ông Dũng đặt câu hỏi.Nhãn hiệu “Sữa Ba Vì” đang được dùng … chung? Phóng viên đặt câu hỏi: hiện nay trên thị trường ngoài Công ty Cổ phần sữa tươi Ba Vì (vừa phát hiện và xử lý vi phạm) còn có rất nhiều đơn vị cùng khai thác nhãn mác mập mờ mang tên “sữa Ba Vì” như: Công ty CP Bánh sữa Ba Vì Milk, Công ty CP Bánh sữa Anh Minh Ba Vì Milk… đang làm rối mắt người tiêu dùng? Trả lời về vấn đề này, ông Trương Ngọc Khánh – Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông (Công ty Cổ phần sữa Quốc tế IDP) cho biết: “Việc có rất nhiều các công ty mang tên và cung cấp các sản phẩm sữa tươi Ba Vì như hiện nay đúng là khiến cho người tiêu dùng rất khó lựa chọn các sản phẩm đạt chất lượng từ nhà cung cấp. Điều này chúng tôi cũng không nắm rõ được vì đó là trách nhiệm, quyền hạn của người cấp phép”. Có lẽ việc “sử dụng chung” thương hiệu của sản phẩn sữa tươi Ba Vì vẫn đang là đề tài chưa được ngã ngũ và còn tiếp diễn nếu chưa có sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng. Nhất là các sản phẩm sữa tươi Ba Vì kém chất lượng đang trà trộn trong các sản phẩm được cấp phép đạt tiêu chuẩn. Thiệt hơn cả, vẫn là người tiêu dùng…Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin này đến bạn đọc...
Hải Sơn