Bộ trưởng Bộ Y tế: Chúng ta đang đặt trong tình trạng báo động rất cao

08/05/2021 09:17
Theo Bộ Y tế
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá, đợt dịch lần này phức tạp hơn các đợt dịch trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn.

Tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều 7/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, đợt dịch lần này phức tạp hơn các đợt dịch trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng (với chủng của Anh và Ấn Độ) nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước.

Thực tế đã chứng minh điều này. Ở các nước tình hình lây nhiễm nhanh, phức tạp, khó kiểm soát.

" Thời gian tới, việc đánh giá tình hình dịch, kiểm soát khó khăn hơn trước, có thể xuất hiện thêm ổ dịch nguồn lây chưa biết, chưa kiểm soát được" – Bộ trưởng nói và nhấn mạnh các địa phương phải đặt trong trạng thái không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Ông dẫn lời Thủ tướng "Một người lơ là, cả xã hội vất vả".

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Bộ Y tế)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Bộ Y tế)

"Phát hiện ca bệnh COVID-19 phải bằng xét nghiệm"

Bộ trưởng khẳng định điều này đầu tiên khi đề cập các vấn đề chuyên môn cần lưu ý với tất cả các tỉnh/thành. Ông nêu rõ: Trong tất cả các văn bản của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo hay Bộ Y tế đều lưu ý các địa phương phải nâng cao năng lực/công suất xét nghiệm, chủ động về mặt xét nghiêm, đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống dịch lan rộng trong cộng đồng.

"Trong các cuộc họp giao ban, chúng tôi luôn coi đây là điểm yếu của tất cả chứ không riêng địa phương nào. Vì thế, Bộ Y tế liên tục nhắc nhở các địa phương vấn đề này" – Bộ trưởng nói.

Tư lệnh ngành Y tế khẳng định Việt Nam đảm bảo đủ sinh phẩm chẩn đoán, xét nghiệm cho tất cả các phương pháp. Bộ Y tế cũng ban hành các văn bản về phương thức giám sát mới, tăng tính chủ động cho các địa phương, cho phép dùng kháng nguyên nhanh cho sàng lọc.

Về đối tượng sàng lọc, Bộ trưởng lưu ý mở rộng đối tượng nguy cơ cao, nơi có nguy cơ cao; tầm soát định kỳ, thường xuyên với khu vực nguy cơ cao.

" Hôm nay, Bộ Y tế tiếp tục có hướng dẫn địa phương sử dụng phương pháp này, kể cả với đối tượng nhập cảnh, giám sát, tầm soát cộng đồng " – Bộ trưởng nói.

Phương pháp thứ 2 là xét nghiệm gộp mẫu, Bộ Y tế đã có hướng dẫn. Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải tích cực, chủ động, nếu trên địa bàn của mình việc xét nghiệm Realtime RT-PCR còn hạn chế thì phải sử dụng phương pháp kháng nguyên nhanh.

Bộ trưởng khẳng định độ chính xác, độ nhạy, độ đặc hiệu của phương pháp kháng nguyên nhanh với các xét nghiệm RT-PCR hay gộp mẫu là tương đương nhau.

Thứ 2, về đối tượng xét nghiệm, Giáo sư Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh lại các bệnh viện phải phải mở rộng, tầm soát những người có nguy cơ, các khu vực trọng yếu như cấp cứu, chạy thận nhân tạo… Nhân viên y tế khu vực này phải xét nghiệm định kỳ và thường xuyên. "Chỉ có bằng xét nghiệm thì mới phát hiện ra được ca bệnh COVID-19", ông nhắc lại.

Nguy cơ dịch xâm nhập vào bệnh viện tuyến cuối cao hơn ở các địa phương

Về điều trị, Bộ trưởng khẳng định nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện tuyến Trung ương (tuyến cuối) cao hơn rất nhiều địa phương vì bệnh viện Trung ương là tổng hợp các bệnh nhân từ các địa phương chuyển lên.

Bộ Y tế đã có các công điện khuyến cáo mạnh mẽ hạn chế người đến khám ở bệnh viện tuyến Trung ương mà chủ yếu quản lý, điều trị ở cơ sở. Bộ Y tế đã áp dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa (telehealth); cùng đó hạn chế tối đa việc thăm bệnh nhân.

Cùng đó, người đứng đầu ngành Y tế nhấn mạnh liên tục bảo vệ các khu vực trọng yếu như các phòng khám, phòng cấp cứu, chạy thận nhân tạo… Đây là những khu vực khi dịch xâm nhập vào thì việc điều trị khó khăn.

Các vấn đề về cách ly khoa với khoa, phòng – phòng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn rõ khi nào cách ly khoa, phong toả bệnh viện… Cùng đó, Bộ Y tế đã cho phép kê đơn thuốc 3 tháng với các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, để họ không phải đến cơ sở y tế để lĩnh thuốc.

Một vấn đề khác được Bộ trưởng nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn COVID ở các bệnh viện tại các địa phương là trách nhiệm của các địa phương.

" Nếu cơ sở không đáp ứng an toàn COVID-19, không tuân thủ phòng chống dịch thì lập tức cho dừng ngay hoạt động" , Tư lệnh ngành Y tế nhấn mạnh các sở y tế phải tăng cường kiểm tra trên địa bàn có bao nhiêu cơ sở y tế tư nhân, nếu không đáp ứng đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 phải cho dừng.

" Chúng ta phải liên tục trong trạng thái cảnh giác cao độ, phải làm hết sức, hết mình ", ông chia sẻ.

Về cách ly, Bộ trưởng quán triệt tinh thần là phải có chỉ đạo, giám sát. Những cơ sở nào đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế thì mới cho phép nhận người cách ly, không đủ điều kiện là cho dừng, "không được nhân nhượng, xuề xoà, dễ dãi".

Thời gian qua, chúng ta thực hiện đưa công dân về nước, với hơn 100.000 người, có những chuyến bay có tận 10 người dương tính, điều này có gây khó khăn cho địa phương, nhưng không thể vì thế mà biện luận cho việc quản lý cách ly, bàn giao cách ly…

Về việc chuẩn bị cho các kịch bản, Bộ Y tế đã yêu cầu rà soát lại hết các cơ sở y tế trên toàn quốc để chuẩn bị cho các tình huống.

Bộ Y tế liên tục nhắc đi nhắc lại 3 điểm yếu: Xét nghiệm, cách ly và điều trị. Bộ Y tế đã có hướng dẫn về thiết lập bệnh viện dã chiến theo Nghị định của Chính phủ. Cùng đó, chuẩn bị cơ sở cách ly trong tình huống bắt buộc cách ly nhiều người trong thời gian ngắn, thực tế nhiều nơi lúng túng.

" Chúng ta đang đặt trong tình trạng báo động rất cao" , đề nghị các địa phương phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, coi như địa phương đang trong dịch, để khi xảy ra không bối rối, bỡ ngỡ.

Theo Bộ Y tế