Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Trường Đại học Khoa học và truyền trực tuyến qua đường link https://meet.google.com/bvq-qutw-vwt.
Tham dự Hội thảo có Giáo sư Lê Trần Bình, giáo sư ngành công nghệ Sinh học, Chủ tịch hội các ngành sinh học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học; Ban chấp hành Hội hóa sinh y học Việt Nam; lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Khoa học; lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên; Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), Trưởng Khoa xét nghiệm và Chuyên viên xét nghiệm của bệnh viện các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội; các đồng chí lãnh đạo, các khoa chuyên môn của các bệnh viện: Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A Thái Nguyên.
Toàn cảnh hội thảo. |
Trước thách thức về hiện tượng âm tính giả trong xét nghiệm PCR phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay, nhóm nghiên cứu Y – Sinh thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh: “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện Sars-CoV-2 Virus bằng kỹ thuật Realtime PCR”, chủ nhiệm đề tài là Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng - Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên cùng các cộng sự đã tiếp tục nghiên cứu và đạt được kết quả mang tính vượt trội trong việc nâng cao độ nhạy của xét nghiệm PCR lên tới hàng nghìn lần, nhằm phát hiện những mẫu bệnh phẩm có lượng Sars-CoV-2 virus nồng độ rất thấp.
Kỹ thuật này hứa hẹn cho phép phát hiện những trường hợp mẫu bệnh ở thể ẩn, gây khó khăn trong việc lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời có thể thực hiện kỹ thuật gộp mẫu trong quá trình xét nghiệm lên đến hàng trăm mẫu.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng, đại diện nhóm nghiên cứu trình bày các kết quả nghiên cứu mà nhóm đạt được, góp phần tìm lời giải cho bài toán khó về hiện tượng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam hiện đang đương đầu với đại dịch COVID-19, đó là vấn đề âm tính giả trong các kết quả xét nghiệm PCR, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng, đại diện nhóm trình bày các kết quả nghiên cứu |
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận xoay quanh kết quả công bố của nhóm nghiên cứu.
Giáo sư Lê Trần Bình, Chủ tịch hội các ngành sinh học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học đã cho ý kiến về vấn đề Công nghệ sinh học trong đối phó với Đại dịch COVID-19 và ý nghĩa của công bố nghiên cứu này trong thời điểm hiện nay của nhóm của nghiên cứu.
Đại diện của CDC Bắc Ninh cũng đã cho ý kiến về vai trò của công bố nghiên cứu này đối với Bắc Ninh – một điểm nóng của dịch bệnh hiện nay, đại diện của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cũng đã đánh giá cao ý nghĩa của kết quả nghiên cứu và trao đổi về chuyên môn sâu trong công tác xét nghiệm PCR.
Đồng quan điểm với Giáo sư Lê Trần Bình, Bác sĩ Trần Hoài Nam, chủ tịch hội Hóa sinh Y học Hà Nội và các tỉnh phía bắc cho rằng cần sớm được triển khai thử nghiệm quy mô lớn hớn và báo cáo Bộ Y tế.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Dương Hồng Thái cho biết sẽ mong có sự hợp tác tiếp theo giữa Trường Đại học Khoa học và Bệnh viên Trung ương Thái Nguyên để triển khai nghiên cứu pha tiếp theo tại bệnh viện.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Giáo sư Lê Trần Bình, Chủ tịch hội các ngành sinh học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học đã đánh giá cao công bố của nhóm nghiên cứu trình bày tại Hội thảo.
Giáo sư mong muốn lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Khoa học sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để nhóm nghiên cứu có thể hoàn thiện quy trình chuẩn và báo cáo các cơ quan chức năng để sớm đưa vào áp dụng trong thực tế, đặc biệt trong quá trình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.