Hạn chế cho con ăn đường sớm
Điều kiện kinh tế tốt cùng với việc sinh ít con nên các gia đình dành sự quan tâm chăm sóc nhiều hơn cho trẻ em.
Tâm lý lo con gầy, thấp, bé... nên nhiều gia đình tìm mọi cách để đốc thúc con ăn nhiều, đặc biệt các thực phẩm giàu dinh dưỡng. Điều này dẫn đến tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em Việt Nam ngày một tăng.
Theo nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, qua điều tra mới nhất cho thấy tỉ lệ thừa cân béo phì trên toàn quốc ở trẻ dưới 5 tuổi là 4% (khoảng gần 400.000 trẻ). Tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) tỉ lệ này là 6%, với tổng số 86.000 trẻ.
Tâm lý lo con gầy, thấp, bé... nên nhiều gia đình tìm mọi cách để đốc thúc con ăn nhiều, đặc biệt các thực phẩm giàu dinh dưỡng. Ảnh minh họa. |
Đặc biệt, thừa cân béo phì ở một số thành phố đã cao hơn mức trung bình của Châu Á và các nước đang phát triển.
Cụ thể tại TP.HCM, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi béo phì đã lên tới 9,6% (mức béo phì trẻ dưới 5 tuổi trung bình toàn cầu là 6,9%). Đặc biệt, tại các khu vực trung tâm thành phố, tỉ lệ trẻ béo phì đã vượt ngưỡng 12%.
Theo Ths. Bác sĩ Lê Thị Hải, tỷ lệ thừa cân béo phì trẻ em Việt Nam tăng cao tại các thành phố lớn có nhiều nguyên nhân như sự thay đổi trong bữa ăn của hộ gia đình, của trẻ.
Cũng theo điều tra của Viện Dinh dưỡng gần đây cho thấy, mức tiêu thụ gạo, thịt thay đổi rất nhiều, đặc biệt là thịt tăng lên rất nhanh (từ 11g/người/ngày vào những năm 80 đến năm 2010 đã tăng lên 84). Trong khi đó cá, rau kỳ vọng tăng lên nhiều thì thay đổi rất ít.
Bên cạnh khẩu phần ăn tăng về tỷ lệ thịt, nhiều gia đình mua bổ sung thực phẩm chế biến biến sẵn, thực phẩm dinh dưỡng nhằm tăng chiều cao, cân nặng, tăng trí thông minh cho con.
Các thực phẩm này có nhiều đường dẫn đến nguy cơ béo phì tăng cao cho trẻ em. Một trong những thực phẩm bổ sung được nhiều gia đình lựa chọn cho con nhiều nhất là sữa công thức, sữa tươi.
“Chính việc sử dụng nhiều sản phẩm thức uống trong đó sữa công thức có nhiều đường dẫn đến nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch và tiểu đường cho trẻ”, Ths.Bác sĩ Lê Thị Hải cho biết.
Theo bác sĩ Lê Thị Hải, trong sữa tự nhiên thành phần đường có nhưng ít. Ví dụ sữa mẹ có đường nhưng đường lactose ngọt nhạt, khô gắt. Tương tự sản phẩm sữa bột công thức từ sữa bò tỷ lệ đường trong sữa tự nhiên không cao nhưng nhà sản xuất lại pha trộn thêm đường sucrose (đường từ mía, củ cải ngọt).
Theo Ths. Bs Lê Thị Hải, nhiều loại sữa công thức hiện nay thường cho thêm đường sucrose vào nên rất ngọt, độ ngọt càng cao càng không tốt cho trẻ. Ảnh minh họa. |
“Nhiều loại sữa công thức hiện nay thường cho thêm đường sucrose vào nên rất ngọt, độ ngọt càng cao càng không tốt cho trẻ”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.
Tác hại cho con ăn đường sớm
Ths.Bác sĩ Lê Thị Hải cho biết, hai thực phẩm được các chuyên gia khuyên không nên cho trẻ dùng nhiều từ quá sớm là muối và đường.
“Việc cho trẻ ăn đường từ quá sớm không phải hiểu theo nghĩa đen pha nước đường cho uống hay trộn cơm, cháo với đường cho trẻ ăn mà việc cho trẻ sử dụng sữa công thức, sữa nước quá ngọt hoặc cho trẻ ăn nhiều bánh kẹo, nước ngọt có ga từ sớm.
Trẻ nhỏ thường thích đồ ngọt và ăn uống nhiều những sản phẩm ngọt hơn vì chúng kích thích trẻ cảm giác ngon miệng. Tuy nhiên, không nên thấy trẻ chăm ăn uống hơn mà chủ quan, mà cần hiểu tác hại của vị ngọt và hạn chế cho trẻ sử dụng”, Ths.Bác sĩ Lê Thị Hải nói.
Sữa nội ngọt hơn sữa ngoại?(GDVN) - PGS TS Lê Bạch Mai khẳng định, sữa nội ngọt hơn sữa ngoại không phải là tâm lý của các bà mẹ nghĩ thế mà là ngọt hơn thật. |
Theo bác sĩ Hải, việc sử dụng đường quá sớm sẽ gây 3 tác hại xấu đến trẻ: Thứ nhất, tăng nguy cơ thừa cân béo phì. Trẻ còn nhỏ (0 – 3 tuổi), nếu sử dụng sữa công thức quá ngọt hoặc ăn bánh kẹo, nước ngọt có ga thường xuyên sẽ gây “nghiện”.
“Theo một nghiên cứu Việt Nam, tiêu thụ đường cho trẻ em chủ yếu qua sữa và nước ngọt, vì thế nếu ngay từ nhỏ gia đình cho cháu uống sữa quá ngọt sẽ tạo thành thói quen. Khi thành thói quen rất khó thay đổi, tình trạng không cải thiện được sẽ dẫn đến nguy cơ thừa cân béo phì, tim mạnh và tiểu đường sau này”, bác sĩ Hải khuyến cáo.
Thứ hai, ăn đồ ngọt nhiều sẽ gây nguy cơ sâu răng vì khi ăn thực phẩm có đường như sữa, bánh kẹo đường sẽ lên men thành axit, axit sẽ phá hủy men răng.
Thứ ba, ăn đường quá sớm đặc biệt trước bữa ăn, gây ảnh hưởng tiêu hóa của trẻ.
“Khi trẻ đói, đường huyết trong máu hạ lúc ăn tiết dịch vị giúp ăn ngon miệng. Ngược lại nếu ăn bánh kẹo, sữa có nhiều đường trước bữa ăn thì đường huyết tăng cao ức chế tiết dịch vị dẫn đến trẻ ăn không ngon miệng, dẫn đến bỏ ăn. Khi đó nếu trẻ thấp còi dẫn đến suy dinh dưỡng, còn trẻ thừa cân dễ dẫn đến béo phì”, bác sĩ Hải cho biết thêm.
Việc cho trẻ ăn đường quá sớm không tốt tuy nhiên theo bác sĩ Lê Thị Hải, với trường hợp trẻ suy dinh dưỡng ở độ tuổi 2-3 tuổi vẫn có thể cho trẻ uống sữa nhiều đường nhưng phải sau bữa ăn để tránh ảnh hưởng tiêu hóa của trẻ.