Việc ký kết này để triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới, giai đoạn 2018 – 2021.
Tham dự Lễ ký kết có Bộ trưởng Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các Thứ trưởng của hai Bộ và đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết cả nước hiện có 9 triệu người có công, 10 triệu người cao tuổi, 7,6 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 2,8 triệu đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng và 2 triệu hộ gia đình cần hỗ trợ đột xuất hàng năm.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội kí kết |
Bên cạnh đó, còn có 254 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện, hơn 210 nghìn người nghiện ma túy. Đây là những đối tượng rất lớn thuộc quản lý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và sự hợp tác với Bộ Y tế có thể giúp ngành Lao động, Thương binh và Xã hội có thể chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho các đối tượng này.
Các nội dung về An toàn vệ sinh lao động được triển khai cả ở khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động.
Việc khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, việc triển khai dự phòng, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm liên quan đến bệnh nghề nghiệp cho người lao động rất cần được chú trọng.
Do đó, việc ký kết chương trình phối hợp hành động giữa hai Bộ là rất cần thiết. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tin tưởng rằng, việc ký kết Chương trình hành động giữa hai Bộ sẽ giúp cho từng Bộ triển khai tốt hơn các nhiệm vụ của mình, chăm sóc nâng cao sức khỏe của nhân dân nói chung và các đối tượng xã hội mà ngành Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý nói riêng.
Lãnh đạo hai Bộ sẽ chỉ đạo cụ thể, giao các đơn vị đầu mối của hai bên (Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế) xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai chương trình phối hợp này nhằm đảm bảo dịch vụ được cung cấp tốt hơn, mang lại sự hài lòng cho người dân.
Theo biên bản ký kết, hai Bộ sẽ bố trí nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới. Để nâng cao sức khỏe nhân dân, hai bên sẽ nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển Y tế, Lao động xã hội đến năm 2030”
Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế phát biểu nội dung thực hiện giữa Bộ Y tế và Bộ Lao động thương binh và xã hội (Ảnh: Moh.gov.vn) |
Đối với giáo dục nghề nghiệp, sẽ nghiên cứu, đổi mới căn bản về giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, tâm lý, tăng số môn tập luyện tự chọn trong nhà trường, kết hợp chặt chẽ với tập luyện ngoài nhà trường.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề và cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động.
Chú trọng công tác quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng |
Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội.
Trong đó, đổi mới cơ chế hoạt động, quản lý các cơ sở y tế công lập gắn với trao quyền tự chủ với trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch, có sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền.
Hai Bộ sẽ đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công đối với lĩnh vực này.
Xây dựng mô hình thí điểm về chăm sóc y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng tại các cơ sở của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội.