Tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể

15/07/2015 07:51
ĐỨC MINH
(GDVN)- Ngày 14/7, Bộ Y tế cùng UBND tỉnh Thái Nguyên và C.ty điện tử SamSung Việt Nam tại Thái Nguyên tổ chức Hội thảo bảo đảm ATTP bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp.

Theo báo cáo của Cục an toàn thực phẩm, cả nước hiện có 256 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN/KCX), phân bố ở 61 tỉnh/thành phố trên cả nước, Các KCN/KCX đã tạo việc làm cho trên 1,17 triệu lao động trực tiếp và khoảng 1,5 triệu lao động gián tiếp.

Nhu cầu bữa ăn công nghiệp, tổ chức bếp ăn tập thể là rất lớn và không ngừng gia tăng để bảo đảm ăn ca cho hàng triệu công nhân mỗi ngày. Việc này có ý nghĩa đặc biệt đối với sức khoẻ người lao động.

Tuy nhiên, trong 5 năm qua, toàn quốc đã xảy ra 84 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong KCN/KCX, làm 6.566 người mắc, 6.059 người đi viện và không ghi nhận trường hợp tử vong. 

Số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của KCN/KCX không có biến động nhiều, tuy nhiên số mắc đang có chiều hướng gia tăng.

Năm 2015 đã ghi nhận các vụ ngộ độc thực phẩm lớn làm nhiều người mắc tại Nghệ An, Trà Vinh, Long An, Tiền Giang.

ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm phát biểu tại hội thảo. Ảnh Đức Minh
ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm phát biểu tại hội thảo. Ảnh Đức Minh

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: Qua thực hiện kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm cho thấy các vi phạm về an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể còn khá nhiều.

Lỗi chủ yếu là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm chiếm 19,01%; điều kiện vệ sinh khu chế biến, nhà ăn, phòng ăn không đạt chiếm 16,7%;  vi phạm về lưu mẫu chiếm hơn 16,16%; vi phạm đối với trang thiết bị, dụng cụ chứa đựng thực phẩm chiếm hơn 14,54% và vi phạm về sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc chiếm gần 9,25%. 

Có những địa phương, nhất là đối tượng quản lý của tuyến huyện, có trường hợp, trong số 18 bếp ăn tập thể của một công ty thì có 8 bếp ăn không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Chứng tỏ công tác kiểm tra, giám sát của tuyến dưới rất yếu.

Qua kiểm tra, giám sát chúng tôi còn thấy một thực trạng, nhiều doanh nghiệp còn để giá trị khẩu phần ăn của một suất ăn cho công nhân, có những nơi mỗi suất ăn chỉ có giá trị từ 10.000 đến 12.000/1suất ăn, bao gồm cả lãi của đơn vị cung cấp suất ăn.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mong muốn các cấp uỷ, ban ngành địa phương, ban lãnh đạo các KCN/KCX, đặc biệt là chủ cơ sở, giám đốc công ty cung cấp thực phẩm cho các bữa ăn cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, coi sức khỏe người lao động là tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp, giám sát và kịp thời xử lý 100% các vụ ngộ độc thực phẩm nếu xảy ra.

Thứ trưởng cũng đề nghị các Sở Y tế chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tham mưu cho UBND tỉnh đưa vào kế hoạch hoạt động cho ban chỉ đạo liên ngành các cấp, cơ quan y tế; tổ chức tuyên truyền về an toàn thực phẩm, chế độ dinh dưỡng cho công nhân; gắn trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đã trực tiếp đi kiểm tra, thăm quan mô hình bếp ăn tập thể của Công ty SamSung Việt Nam tại Thái Nguyên. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra bếp ăn tập thể tại Công ty Sam Sung Thai Nguyên
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra bếp ăn tập thể tại Công ty Sam Sung Thai Nguyên
Bếp ăn của Công ty Sam Sung Thái Nguyên hàng ngày cung cấp khoảng 85000 suất ăn mỗi ngày.
Bếp ăn của Công ty Sam Sung Thái Nguyên hàng ngày cung cấp khoảng 85000 suất ăn mỗi ngày.
Bảo quản thực phẩm tại bếp ăn của Công ty
Bảo quản thực phẩm tại bếp ăn của Công ty 
ĐỨC MINH