Bệnh Alzheimer là gì?
Bệnh Alzheimer là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra triệu chứng suy giảm trí nhớ ở người già, bệnh đặc trưng bởi sự mất dần các nơron thần kinh và synap trong vỏ não và một số vùng dưới vỏ.
Bệnh Alzheimer có xu hướng nặng dần gây ảnh hưởng xấu tới trí nhớ, tới các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, tới hoạt động ngôn ngữ và tư duy của người bệnh.
Bệnh thường xuất hiện ở những người trên 65 tuổi, tuy nhiên bệnh vẫn có thể xuất hiện ở những người có độ tuổi từ 50 đến 65 tuổi.
Nguyên nhân gây bệnh alzheimer
Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh alzheimer vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng, tuy nhiên các nhà khoa học đã đưa ra một số giả thuyết về nguyên nhân gây ra bệnh này như:
- Do sự tích tụ của một loại protein ở trong não dẫn đến chết dần các tế bào não.
- Quá trình lão hóa gây ra sự phá hủy các myelin làm giảm quá trình dẫn truyền thần kinh, kết quả làm chết các tế bào thần kinh.
- Do rối loạn quá trình sản xuất và hoạt động của các chất oxy hóa trong cơ thể.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách chữa trị bệnh Alzheimer, tuy nhiên bạn vẫn có thể thực hiện một số lời khuyên dưới đây để giúp bệnh tiến triển chậm hơn cũng như đảm bảo sức khỏe cho bản thân mình.
Tập thể dục thường xuyên có thể làm chậm sự suy giảm nhận thức của bệnh Alzheimer (Ảnh: medicalnewstoday). |
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên không chỉ làm giảm nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer mà còn giúp bệnh tiến triển chậm hơn.
Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp não bộ hoạt động tốt hơn từ đó ngăn chặn nguy cơ suy giảm nhận thức và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Tích cực tham gia các hoạt động xã hội
Tham gia các hoạt động xã hội có thể là một cách tuyệt vời để giúp bạn làm giảm nguy cơ suy giảm nhận thức và bệnh Alzheimer.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Bệnh Alzheimer có thể gây viêm trong não. Để tránh tình trạng trên, bạn cần thực hiện một số thói quen ăn uống lành mạnh như:
- Tránh ăn nhiều thực phẩm chứa đường và tinh bột như bột mì trắng, gạo trắng và mì ống...
- Tránh thức ăn nhanh, thức ăn chiên rán, chứa nhiều dầu mỡ, muối...
- Ăn nhiều rau củ xanh, trái cây tươi mát như bông cải xanh, rau bina, cải xoong, táo, bơ, nho xanh...
- Áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải vào trong bữa ăn hàng ngày một cách khoa học.
- Ăn nhiều thực phẩm có chứa acid béo omega-3 như cá hồi, cá thu, cá trích...
Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị mất trí nhớ |
Ngủ đủ giấc
Rối loạn giấc ngủ là một triệu chứng phổ biến ở những người mắc bệnh Alzheimer.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy các triệu chứng của rối loạn giấc ngủ như ngủ không ngon, ngủ không đủ giấc, ngủ không sâu... là những nguy cơ khiến bệnh Alzheimer nặng hơn.
Nguyên nhân là do những người ngủ không đủ giấc có mức độ beta-amyloid (đây là chất gây tổn thương não trong bệnh Alzheimer) cao hơn những người ngủ đủ giấc và ngủ ngon.
Giảm căng thẳng
Stress có thể ảnh hưởng đến chức năng của não, do đó làm tăng nguy cơ mất trí nhớ và bệnh Alzheimer.
Bạn có thể kiểm soát mức độ căng thẳng bằng cách tập luyện yoga, tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng, đi bộ, tập thể dục thường xuyên...
Ngoài ra, người mắc bệnh Alzheimer thường không kiểm soát được hành vi của mình, họ có thể không thể tự chăm sóc được bản thân cho nên những người thân hoặc bạn bè cần:
- Trò chuyện với người bệnh thường xuyên để tạo cảm giác vui vẻ và an toàn, hỗ trợ người bệnh nhớ đến các việc cần làm trong ngày như: đánh răng, rửa mặt, thay quần áo...
- Luôn theo sát và tạo môi trường sống an toàn tránh các vật có thể gây nguy hại cho người bệnh.
- Hỗ trợ vận động cho người bệnh: do người bệnh có thể mất phối hợp vận động nên có thể dễ bị ngã.
- Đối với người bệnh không thể di chuyển được cần giúp người bệnh thay đổi tư thế thường xuyên, tránh các bệnh do nằm lâu gây ra.