Bước vào năm 2021, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên chính phủ nhiều quốc gia đã huỷ các chương trình đón năm mới. Các chương trình thường niên dịp Tết Nguyên Đán của người Việt Nam ở nước ngoài như gói bánh chưng, gặp mặt tất niên cũng bị hạn chế. Các sinh viên được khuyến cáo “đang ở đâu thì ở yên chỗ đó”.
Tiêu Hà Hùng đón Tết ở Hàn Quốc với tinh thần "ai ở đâu thì ở yên chỗ đó". Hùng và các bạn cùng nhà đón năm mới với nhau chứ không đi chơi như mọi năm. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Hiện đang học năm thứ 3 Trường Chonbuk (Hàn Quốc), em Tiêu Hà Hùng cho biết Tết năm nay em và các bạn cùng nhà đón năm mới với nhau chứ không đi chơi như mọi năm.
“Diễn biến dịch COVID-19 tại Hàn Quốc khá xấu với số lượng người nhiễm 800 - 1.000 ca/ngày. Xã hội đang ở mức giãn cách tối đa, mọi quán cà phê chỉ được hoạt động dưới hình thức mang đi. Hầu hết các quán ăn và nhà hàng đều phải đóng cửa sau 9 giờ tối.
Tết năm nay, để vơi bớt nỗi nhớ quê hương, em và vài người bạn Việt Nam ở cùng đã tổ chức đón năm mới với nhau.
Chúng em cũng gói bánh chưng, rán nem, luộc gà, nấu cơm tất niên. Mùng 1 Tết chúng em cũng mừng tuổi cho nhau để lấy may. Nói chung Tết ở Việt Nam như thế nào thì ở bên này chúng em cũng cố gắng tổ chức như thế".
Hùng chia sẻ, những năm trước Hùng và các bạn có tổ chức đi du xuân đầu năm. Tết năm nay do dịch bệnh bùng phát mạnh nên mọi người không đi đâu cả.
"Ăn cơm tất niên xong chúng em có đi ra ban công để bắn pháo hoa rồi vào nhà luôn”, Hùng cho hay.
Với một du học sinh sống xa quê hương nhiều năm, Hùng cho biết là rất nhớ gia đình. Để khỏa lấp nỗi nhớ đó, những lúc rảnh rỗi em đều gọi điện facetime cho bố mẹ.
“3 năm rồi em chưa được ăn Tết ở nhà. Tết năm nay, ở thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới em có gọi điện facetime về cho bố mẹ. Bố mẹ động viên em cố gắng học tập để sau này về cống hiến, xây dựng quê hương, đất nước”.
Đây là năm thứ 3 Nguyễn Thị Kim Khánh đón tết xa nhà. Ảnh: NVCC |
Cũng giống như Hùng, Nguyễn Thị Kim Khánh đang là du học sinh Việt Nam tại Canada, đây là năm thứ 3 Kim Khánh đón Tết xa quê.
“Năm đầu tiên em sang học tại đây, khi đó chưa bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch Covid-19, chúng em có rất nhiều hoạt động. Ví dụ như Hội sinh viên Việt Nam tại Canada đã tổ chức một đêm giao thừa đón Tết, có đủ hoạt động như trình diễn áo dài, gói bánh chưng, đêm hội ca nhạc mang đậm bản sắc Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện tại Canada đang bị ảnh hưởng bởi dịch. Vì vậy, việc tụ tập đông người là hạn chế tối đa, một cuộc gặp mặt gia đình bạn bè chỉ nhiều nhất là 6 người.
Em cùng các bạn sống chung một nhà vẫn gói bánh chưng, một món ăn không thể thiếu trong dịp lễ Tết của người dân Việt.
Chúng em cũng chuẩn bị đầy đủ mâm cơm ngày Tết, cùng nhau xem Táo Quân, và đương nhiên không quên gọi về chúc Tết bố mẹ đêm giao thừa. Những điều tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại vô cùng ấm áp với những du học sinh xa xứ như chúng em”.
Tại Đức, Nguyễn Tư Pháp không tổ chức đón Tết vì lịch thi trùng với Tết. Ảnh: NVCC |
Không được may mắn như Hùng và Kim Khánh, Nguyễn Tư Pháp hiện đang sinh sống và học tập tại Đức cho biết năm nay Tết trùng với lịch thi nên em không tổ chức đón Tết, chỉ gọi điện về hỏi thăm gia đình.
“Đây là năm thứ 5 em sinh sống và học tập tại Đức. Tết Nguyên đán ở Đức cũng như một ngày bình thường mà thôi.
Những năm trước vào dịp Tết, em cùng bạn bè quây quần với nhau để nấu món ăn Việt Nam. Đêm 30 thì đi chùa, gặp rất nhiều đồng hương Việt Nam ở đó.
Năm nay tình hình dịch bệnh phức tạp nên mọi hoạt động cũng trở nên hạn chế hơn để đảm bảo sức khỏe. Bên cạnh đó, Tết năm nay trùng với mùa thi học kỳ nên khá bận, thi xong thì cũng hết Tết rồi.
Năm nay em chỉ gọi điện cho người thân, bạn bè rồi ôn thi để có kết quả tốt nhất thôi. Càng xa càng thấy nhớ nhà, nhớ cảm giác cả nhà quây quần bên nhau mỗi dịp Tết.
Em cũng chỉ nói chuyện với bạn bè qua phương thức online chứ không gặp mặt tụ tập như những năm trước”, Nguyễn Tư Pháp tâm sự.