Vào khoảng tháng 6/2005, khi đó vị thế của hai “ông lớn” viễn thông Việt Nam là Viettel và VNPT vẫn ở hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Viettel đang chen chân vào thị trường viễn thông còn VNPT đã là một "ông lớn" trong ngành.
Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel lúc đó là Tổng Công ty Viễn thông Quân đội, đã từng gửi công văn “kêu cứu” đến Bộ Quốc phòng, Bộ Bưu chính&Viễn thông (nay là Bộ Thông tin&Truyền thông). Theo đó, Viettel có nguy cơ phá sản nếu tình trạng kết nối khó khăn với VNPT kéo dài. Trong văn bản gửi Bộ Bưu chính&Viễn thông, Viettel cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2005, Viettel đã có 8 công văn gửi VNPT về việc tăng dung lượng kết nối với số lượng đã được Viettel tính toán rất sát với thực tế phát triển mạng.
Viettel vận động VNPT đứng yên ảnh minh họa Anh Sơn |
Tuy nhiên, VNPT mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của Viettel. Chính vì vậy, lưu lượng kết nối luôn ở mức cao và nghẽn mạng. Viettel đã nhận được rất nhiều ý kiến phàn nàn của khách hàng do rất khó thực hiện cuộc gọi từ mạng 098 đến Vinaphone cũng như mạng cố định của VNPT do nghẽn mạng trung kết nối. Trước đó, theo thỏa thuận giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Bưu chính Viễn thông vào tháng 10/2004, “định kỳ 2 tuần 1 lần, Viettel rà soát dung lượng kết nối, nếu có khả năng nghẽn mạng trong 2 tuần tới thì Viettel có văn bản đề nghị VNPT tăng dung lượng kết nối”.
Ông Lê Đăng Dũng, Phó TGĐ Viettel cho biết theo quy định, Viettel đều báo cáo trước dung lượng cần đấu nối với VNPT trước cả năm trời. Tuy nhiên, trong suốt 5 năm qua, VNPT chỉ đáp ứng được trung bình 30 - 35% nhu cầu dung lượng của Viettel. Cụ thể, năm 2002 VNPT chỉ đáp ứng 38% nhu cầu dung lượng của Viettel, năm 2003 là 25%, năm 2004 là 25% và năm nay VNPT mới chỉ đáp ứng được 17% nhu cầu dung lượng của Viettel. Điều này, theo Phó TGĐ Viettel Dương Văn Tính, đã dẫn đến sự sụt giảm khách hàng nghiêm trọng của Viettel. Vào tháng trước, số thuê bao đăng ký mới mạng Viettel là 160.000 thì tháng này chỉ còn 90.000 thuê bao. Hiện tượng nghẽn chỉ xảy ra khi thuê bao của Viettel gọi sang mạng của VNPT do khó khăn trong việc kết nối giữa 2 mạng. Theo tính toán, khoảng 80% số cuộc gọi từ mạng Viettel sang mạng VNPT, chiếm khoảng 80% tổng số cuộc gọi của Viettel. Theo tiết lộ của một đại diện Viettel (giấu tên), lượng khách hàng đăng ký mạng này hiện đã giảm từ 7.000 số/ngày xuống còn 2.000 số/ngày. Viettel cho rằng việc nhiều thuê bao quân sự không liên lạc được với thuê bao mạng khác còn ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng. Thậm chí, công văn của Bộ Quốc phòng gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị biện pháp can thiệp còn nhấn mạnh nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, Viettel sẽ đứng trước nguy cơ phá sản vì đơn vị này đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng và phát triển hạ tầng viễn thông. Theo báo cáo của Viettel, việc VNPT không đáp ứng đủ nhu cầu kết nối đã diễn ra trong suốt 5 năm qua đối với tất cả các dịch vụ và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Trong khi đó trao đổi với Tiền phong, ông Trần Mạnh Hùng khi đó là Phó TGĐ VNPT khẳng định dung lượng tổng đài của VNPT đã hết nên không thể đáp ứng tất cả yêu cầu của Viettel. “Ngay cả 9 tổng đài miền Trung cũng không có cổng để đấu nối hòa mạng. VNPT còn chưa đủ dùng thì nói gì đến các doanh nghiệp khác?” - ông Hùng nói. Việc Viettel cho rằng, trong suốt 5 năm qua, VNPT chỉ đáp ứng được trung bình 30 - 35% nhu cầu dung lượng của Viettel, theo ông Trần Mạnh Hùng: “Nói như thế không nắm được vấn đề. Họ (Viettel) đã đấu nối mấy tỉnh rồi đấy chứ đâu có riêng gì Hà Nội và TP.HCM. Viettel và VNPT đã có thỏa thuận kết nối rồi, nên đương nhiên là Viettel được đấu nối vào tất cả tổng đài nội hạt ở các địa phương. Có như vậy mới là đường trục chứ.
Tân TGĐ VNPT Trần Mạnh Hùng từng "chê" Viettel "mang tiền đi dọa". |
Hiện giờ họ cũng đã có tổng đài TOLL rồi thì còn đòi đầu tư sang tổng đài TOLL của VNPT làm gì. Vấn đề là không phải là mang tiền đi dọa mà là quy trình đầu tư. Đầu tư như vậy thì VNPT không thiếu tiền. Tài sản của ai là của người đó chứ, chẳng lẽ anh có đất anh lại để người khác chở gạch ngói đến xây nhà trên mảnh đất của anh?”. Không những thế, trong gian đoạn 2004 - 2006, những cuộc họp liên quan đến cạnh tranh giữa hai đơn vị VNPT và Viettel thường diễn ra quanh những thảo luận "nảy lửa" giữa ông Trần Mạnh Hùng và ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó tổng giám đốc Viettel. Tiếp theo đó, phát biểu về một diễn biễn được coi là sự "giảng hòa" giữa VNPT và Viettel vào đầu năm 2006, Phó tổng giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng khẳng định: "Không phải công ty cố tình không muốn mở cổng kết nối cho doanh nghiệp khác, mà chúng tôi muốn biết doanh nghiệp khác có thực sự sử dụng đúng mục đích hay họ xin chỉ để dự phòng". Trở lại câu chuyện những khó khăn phải đối mặt là giải bài toán tuột dốc lợi nhuận của VNPT và "vượt mặt" đối thủ cạnh tranh Viettel, nhiều người trong ngành viễn thông đánh giá, với vai trò "cầm lái chính" của ông Trần Mạnh Hùng, chắc chắn việc cạnh tranh giữa VNPT và Viettel sẽ trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Người ta hy vọng luồng gió mới quyết liệt từ ông Trần Mạnh Hùng thay thế cho tư tưởng “già nua an phận” của lãnh đạo VNPT trước đây, VNPT đã sẵn sàng cho một cuộc chơi sòng phẳng nhằm khẳng định lại vị thế của mình tại thị trường viễn thông Việt Nam.
Hoàng Lực (TH)