Các phim cổ trang bên Tàu, quần thần tung hô hoàng đế là “vạn tuế” còn với hoàng hậu là “thiên tuế”.
Khi đã là “thiên tuế” thì chỉ dưới một người mà trên muôn người.
Gần đây, một nhóm nghiên cứu của Tòa án Nhân dân Tối cao (Nhóm nghiên cứu) trong dự thảo đánh giá năm năm thi hành Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân 2014 đã đưa ra đề xuất bổ nhiệm thẩm phán không có nhiệm kỳ, tức là sau khi được bổ nhiệm thẩm phán sẽ đương nhiên làm việc suốt đời.
Một “Thẩm phán suốt đời” có nghĩa là chỉ đứng dưới luật pháp, chịu sự chi phối của luật pháp, vậy có nên xưng họ là “Thiên tuế”?
Nhiều nước trên thế giới thực hiện chế độ bổ nhiệm (hoặc bầu cử) thẩm phán suốt đời như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Ý, Bỉ, Ai-len; Hiến pháp Liên bang Nga quy định “Thẩm phán Liên bang không thể bị bãi miễn và được bổ nhiệm suốt đời”,…
Dựa vào thực tế các nước nêu trên, đề xuất của Nhóm nghiên cứu nghe có vẻ khá chính đáng và nhận được sự ủng hộ của một số nhân vật.
Chẳng hạn ông Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng: “Bổ nhiệm thẩm phán suốt đời là một trong những điều kiện để bảo đảm tính độc lập của tòa án”.
Còn đại diện Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng “Quy định hiện hành chưa hợp lý, ít nhiều tạo tâm lý không yên tâm làm việc của Thẩm phán, ngoài ra phải thực hiện nhiều lần quy trình bổ nhiệm lại gây mất thời gian. Thực tiễn có tình trạng nhiều Thẩm phán hết nhiệm kỳ nhưng chưa được bổ nhiệm lại”. [1]
Nếu trong tương lai gần Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân được sửa đổi theo hướng thẩm phán của Việt Nam được “bổ nhiệm suốt đời” thì liệu có “bảo đảm tính độc lập của tòa án” như ý kiến khẳng định của một số người, cơ quan?
Để trả lời câu hỏi này, cần phải hiểu hệ thống chính trị của Việt Nam ngày nay hoạt động theo nguyên lý nào?
Tại các quốc gia được Nhóm nghiên cứu viện dẫn làm thí dụ đối sánh về "thẩm phán suốt đời", ba quyền của Nhà nước là lập pháp, hành pháp, và tư pháp được phân chia cho 3 cơ quan độc lập nắm giữ, Quốc hội nắm quyền lập pháp, Chính phủ nắm quyền hành pháp và Tòa án nắm quyền tư pháp.
Tại Việt Nam, năm 2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, theo đó: “Cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo thật chặt chẽ của Đảng, bảo đảm sự ổn định chính trị, bản chất Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
(Ảnh minh họa: Hocluat.vn) |
Theo tinh thần đó, về phía lập pháp, Hiến pháp 2013 quy định:
“Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.
“Viện Kiểm sát Nhân dân là cơ quan giữ quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp” (nhưng không phải cơ quan thực hiện quyền tư pháp”.
Cơ quan điều tra (Công an) là cơ quan hành pháp, không phải tư pháp.
Trong thời gian dài, tại nhiều vụ án xuất hiện một cơ cấu quyền lực kỳ lạ là “Liên ngành tư pháp”, đó là sự hợp tác chặt chẽ của ba cơ quan Công an, Kiểm sát, Tòa án khi giải quyết các vụ án.
Mười năm sau khi Nghị quyết 49-NQ/TW ban hành, báo Infonet.vn (nay là chuyên trang của Vienamnet.vn) ngày 19/12/2015 từng đặt vấn đề: “Từ vụ án oan ông Nén: Còn báo cáo án, án bỏ túi, họp 3 ngành… vẫn oan sai?” [2]
Năm 2016, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là tạp chí) đăng bài: “Liên ngành tư pháp là gì mà quyền lực khiếp thế”. [3]
Có thể thấy sự độc lập của tòa án nước ta chỉ mang tính tương đối trong tương quan "liên ngành tư pháp".
Những người/cơ quan ủng hộ đề xuất của Nhóm soạn thảo viện dẫn một số mô hình hoạt động của tòa án các nước phương Tây nhưng lại không chú ý đến thể chế chính trị tại Việt Nam.
Tạp chí Quốc phòng toàn dân khẳng định: “Tam quyền phân lập” không phải là sự lựa chọn mô hình tổ chức nhà nước của Việt Nam” [4]
Mục b, khoản 3, điều 7, Quy định số 102-QĐ/TW quy định khai trừ khỏi đảng với đảng viên vi phạm:
“Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng"”.
Kiến nghị “Thẩm phán suốt đời” để bảo đảm “tính độc lập” của tòa án như lời ông Lê Hồng Hạnh sẽ làm xuất hiện câu hỏi: “Tính độc lập của tòa án là độc lập với ai, độc lập như thế nào?”.
Nói cách khác, làm thế nào để Tòa án hoạt động độc lập nếu không nghiêm túc tuân theo sự chỉ đạo của một số ban, ngành trong hệ thống chính trị?
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã yêu cầu “không mị dân”, nguyên văn câu nói như sau:
“Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, thực sự vì nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân; đồng thời phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; không mị dân”. [5]
Liệu có thể tin rằng kiến nghị của Nhóm nghiên cứu đúng là nhằm “Bảo đảm tính độc lập của tòa án” chứ không phải là bảo vệ vị trí của thẩm phán, càng không phải mị dân?
Trong hệ thống chính trị Việt Nam quyền tư pháp của Tòa án là một sự phân công được thể chế hóa trong Hiến pháp.
Chính vì thế “Bảo đảm tính độc lập của tòa án” phải xuất phát từ thể chế chính trị hiện hành chứ không phải nhờ chuyện “Thẩm phán suốt đời”.
Mong muốn “Thẩm phán suốt đời” sẽ bảo đảm được tính độc lập của tòa án phải chăng là một suy nghĩ ngây thơ, không phù hợp với tình hình hiện tại?
Những thẩm phán công tâm, không quá quan tâm đến vị trí việc làm liệu có nên quá lo lắng về sự thất nghiệp nếu thực sự là người có năng lực?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://congly.vn/de-xuat-nhiem-ky-tham-phan-suot-doi-177452.html
[2] https://infonet.vietnamnet.vn/phap-luat/tu-vu-an-oan-ong-nen-con-bao-cao-an-an-bo-tui-hop-3-nganh-van-oan-sai-112928.html
[3] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/lien-nganh-tu-phap-la-gi-ma-quyen-luc-khiep-the-post169611.gd
[4] http://tapchiqptd.vn/vi/lam-that-bai-chien-luoc-dbhb/tam-quyen-phan-lap-khong-phai-la-su-lua-chon-mo-hinh-to-chuc-nha-nuoc-cua-viet-nam/10566.html
[5] https://vov.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-can-bo-phai-trong-dan-tin-dan-khong-mi-dan-818375.vov