Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa có kế hoạch số 1891, về kế hoạch triển khai chiến dịch truyền thông Luật trẻ em, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em trong ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố.
Theo đó, Sở này yêu cầu các đơn vị trường học, cơ quan quản lý giáo dục ở các quận huyện phải xây dựng kế hoạch truyền thông Luật trẻ em, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình.
Chủ động lồng ghép, tuyên truyền và giáo dục, phổ biến kiến thức về Luật trẻ em, phối hợp với các ban ngành chức năng ở tại địa phương tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội, nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh, sinh viên và cả trẻ em.
Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu nghiên cứu đưa nội dung chống xâm hại trẻ em vào giảng dạy (ảnh minh họa: vietnamnet) |
Phổ biến, nghiên cứu, sản xuất các tài liệu, sản phẩm truyền thông để bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong trường học, về kiến thức và các kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, và ngay cả bản thân các em bằng nhiều hình thức phù hợp tại đơn vị.
Các đơm vị trường học thực hiện truyền thông, giáo dục, tập huấn các kỹ năng phòng chống xâm hại, bạo lực, tai nạn và thương tích trong trẻ em bằng nhiều hình thức phù hợp tại đơn vị cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh, sinh viên và ngay cả bản thân trẻ em.
Các trường học cần nghiên cứu, đưa các nội dung về phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em vào giảng dạy ở các cấp học, bậc học trên địa bàn thành phố.
Tăng cường công tác giáo dục, truyền thông về Luật trẻ em, đã được Quốc hội thông qua.
Cung cấp địa chỉ các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận thông tin vụ việc, hỗ trợ và can thiệp trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại, thông tin về đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em là các số điện thoại: 18001567, 1900545559, 113 (trực 24/24h), 18009069 (trong giờ hành chính).