Ngay sau khi Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu Coca-Cola tạm dừng lưu thông 13 sản phẩm, Chánh thanh tra Bộ Y tế vừa tiếp tục có văn bản gửi Sở Y tế 6 tỉnh thành phố gồm TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Khánh Hòa, đề nghị giám sát việc dừng lưu thông 13 sản phẩm bổ sung của Công ty Coca Cola Việt Nam.
Cụ thể 13 sản phẩm này bao gồm nước uống sữa trái cây Minute Maid Nutriboost hương dâu, hương cam, hương xoài, nước tăng lực Samurrai hương dâu chai thủy tinh và chai PET, nước cam có tép Teppy, nước uống vận động Aquarius và Dasani có bổ sung khoáng chất.
Nước uống sữa trái cây Minute Maid Nutriboost hương dâu, hương cam, hương xoài bị đề nghị giám sát dừng lưu thông - ảnh nguồn TTXVN. |
Theo thông tin từ Bộ Y tế, thanh tra Bộ Y tế đã bắt đầu đợt thanh tra toàn diện tại Coca Cola Việt Nam từ 21/6 vừa qua.
Quá trình thanh tra cho thấy 3 nhà máy của công ty này ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM có sản xuất thực phẩm bổ sung, trong khi công ty chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp để sản xuất thực phẩm bổ sung.
Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu công ty tạm dừng sản xuất và lưu thông sản phẩm để hoàn tất các loại giấy tờ theo quy định.
Được biết đợt thanh tra toàn diện Coca Cola Việt Nam của Thanh tra Bộ Y tế thực hiện theo Quyết định số 100/QĐ-TTrB do Chánh thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính ký ban hành ngày 15/6/2016.
Cụ thể, Đoàn thanh tra do ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế làm trưởng đoàn cùng 13 thành viên khác đại diện Cục An toàn thực phẩm, Cục Môi trường y tế, Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Viện Pasteur Nha Trang sẽ thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam.
Bộ Y tế yêu cầu tạm dừng lưu thông nhiều sản phẩm của Coca Cola(GDVN) - Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu sở y tế 6 tỉnh, thành phố giám sát việc tạm dừng lưu thông 13 sản phẩm bổ sung của Coca Cola Việt Nam. |
Thời gian thanh tra 45 ngày kể từ ngày 15/6/2016.
Được biết trong quá trình thanh tra Đoàn sẽ thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm của Coca Cola Việt Nam.
Đoàn sẽ kiểm tra, xác minh trực tiếp tại một số cơ sở phân phối các sản phẩm thực phẩm của Coca Cola Việt Nam, cơ sở cung cấp nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, bao bì chứa đựng thực phẩm của Coca Cola.
Phát hiện những sơ hở, bất cấp trong quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục. Phát hiện nhân tố tích cực để phát huy.
Phát hiện vi phạm (nếu có) xác định tính chất, mức độ vi phạm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Kết luận nôi dung tiến hành thanh tra, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của Công ty Coca Cola Việt Nam.
Được biết theo kế hoạch trong năm 2016 Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiến hành thanh tra đồng loạt bốn công ty nước giải khát lớn là Pepsi, Coca Cola, Wonderfarm và URC.
Trước đó, đầu năm 2015 thanh tra Bộ Y tế đã tiến hành đợt thanh tra kéo dài gần một tháng tại nhà máy của Công ty nước giải khát Tân Hiệp Phát ở Bình Dương.
Được biết ăm 1994, Coca Cola bắt đầu chính thức kinh doanh ở Việt Nam. Năm 2012, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành Coca Cola tuyên bố sẽ rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tới, đưa tổng vốn đầu tư lên nửa tỷ USD trong 5 năm. Năm 2014, Coca Cola đầu tư thêm 210 triệu USD để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Hiện tại, Coca Cola có trụ sở sản xuất và kinh doanh tại 7 tỉnh thành phố, bao gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa và Nghệ An. Tại Việt Nam, trong hàng thập kỷ qua, Coca-Cola luôn nằm trong top 5 thương hiệu có thị phần cao nhất của ngành đồ uống.
Qua hơn 20 năm đầu tư tại Việt Nam, Coca Cola liên tục kêu lỗ dù vẫn mở rộng hệ thống, động thái này dấy lên nghi vấn doanh nghiệp FDI này chuyển giá, trốn thuế.