Những ngày qua, lãnh đạo hai siêu cường quân sự hiện nay là Nga và Mỹ đều có thông điệp liên bang, nêu lên định hướng chiến lược cho mọi hoạt động Nhà nước trong năm mới, trong đó cuộc chiến chống khủng bố đã được lãnh đạo hai đất nước đặc biệt quan tâm.
Đoàn kết quốc tế chống khủng bố là điệp khúc trùng lặp nhiều nhất trong hai thông điệp liên bang của Tổng thồng Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama. Vậy phải chăng ngày tàn của chủ nghĩa khủng bố đã tới gần? Không hẳn, đây có lẽ là một sự lạc quan quá sớm.
Chiến đấu cơ Mỹ tham gia cuộc chiến chống ISIS tại Syria, ảnh: Reuters. |
Thật thà cũng thể lái trâu
Đầu tháng này Reuters cho biết, giới sản xuất vũ khí Mỹ đã phải tăng ca và tuyển thêm nhân công nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu bom đạn của Hoa Kỳ để sử dụng cho cuộc chiến chống ISIS. Xung đột, chiến tranh càng leo thang ở Trung Đông, ngành sản xuất vũ khí Hoa Kỳ lại càng có thêm động lực khổng lồ để phát triển.
Reuters ước tính đến 2/12, đã có tổng cộng 8605 vụ ném bom vào các mục tiêu ISIS ở Syria do Hoa Kỳ và đồng minh phương Tây thực hiện, chi phí ước tính khoảng 5,2 tỉ USD. Vũ khí Mỹ cũng được các nước Vùng Vịnh cung cấp cho lực lượng đối lập Syria chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Quan chức một tập đoàn sản xuất vũ khí Mỹ nói với Reuters: "Đối với chúng tôi, đó là một khu vực tăng trưởng khổng lồ. Người ta đang bàn bạc về việc phải tăng nguồn cung cấp vũ khí trong 5 đến 10 năm nữa, bởi cuộc chiến chống ISIS sẽ rất lâu dài".
Có lẽ quan chức này đã nói rất thật, và đó là nguyên nhân chủ yếu của những cuộc chiến tranh, xung đột liên miên không dứt, dù người ta tuyên bố rằng rất muốn chấm dứt nó.
Doanh thu từ hoạt động buôn bán vũ khí Mỹ tăng vọt. Cổ phiếu của ngành sản xuất vũ khí tăng mạnh trong những tháng gần đây do kỳ vọng vào kết quả kinh doanh tốt hơn nữa, nhất là sau cuộc khủng bố tại Paris. Doanh thu xuất khẩu vũ khí của Mỹ đã tăng lên 36% trong 9 tháng đầu năm 2015 lên mức 46,6 tỉ USD so với 34 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái.
Đây mới là con số doanh thu của các tập đoàn vũ khí Mỹ bán cho nước ngoài thông qua Lầu Năm Góc. Còn rất nhiều thương vụ họ bán trực tiếp ra nước ngoài dưới sự giám sát của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong khi nhu cầu của chính Mỹ sử dụng vũ khí trong chiến dịch chống ISIS cũng rất cao.
Tham mưu trưởng Không quân Hoa Kỳ Mark Welsh được tạp chí Miltary dẫ lời nói rằng: "Số lượng bom mà chúng tôi sử dụng lớn và tần suất nhanh hơn nhiều so với khả năng mua sắm của mình. Chúng tôi cần thêm tiền để đảm bảo rằng mình có thể chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài. Đây là nhu cầu cực kỳ cấp thiết."
Quay sang các cuộc không kích của Nga mà họ tuyên bố nhắm vào những mục tiêu hậu cần, doanh trại, đường tiếp tế và buôn bán dầu của ISIS cũng chung một thực trạng. Mấy ngày qua Bộ Quốc phòng Nga liên tục trưng ra hàng loạt hình ảnh máy bay Nga dội bom, tàu chiến Nga phóng tên lửa vào các mục tiêu ở Syria.
Tuy nhiên không có bằng chứng thuyết phục cho thấy các mục tiêu bị phá hủy là thực sự của ISIS bị phá hủy, trong khi phương Tây vẫn khẳng định rằng phần lớn mục tiêu không kích của Nga là nhằm vào phe đối lập chống Bashar al - Assad chứ không phải khủng bố.
Vũ khí mà Nga sử dụng trong cuộc chiến chống ISIS ở Syria có những gì: Chiến đấu cơ Su-24, Su-30, Su-34, trực thăng MI-24, 2 tuần dương hạm Moscow và Smetlivy, tên lửa S-300, Pantsir S-1 và thậm chí là S-400 cũng được kéo sang.
Câu hỏi đặt ra là với những kẻ khủng bố được trang bị chủ yếu AR-15 của Mỹ và AK-47 của Nga thì những vũ khí hạng nặng kia có phải thực sự nhằm vào chúng hay còn mục tiêu nào khác đằng sau ISIS?
Không những thế, Nga còn quay lại video phóng đi 26 quả tên lửa hành trình loại SS-N-30 theo tên gọi của NATO hay 3M-14T Kalibr theo tên gọi của Moscow và được cho là ngang ngửa với Tomahaw Hoa Kỳ để "tiêu diệt ISIS".
Loại tên lửa này vốn chỉ đang trong giai đoạn phát triển chứ chưa từng được sử dụng trong thực tế từ trước đến nay. Có thể thấy đây là một màn chào hàng vũ khí, thử vũ khí ngoài chiến trường thực và thị uy, răn đe nhiều hơn là để chống khủng bố ISIS.
Chuyên gia hải quân Nga nói với cổng thông tin Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng Nga VPK, tổng chi phí của đợt phóng tên lửa hành trình "vào mục tiêu ISIS" ở Syria ngốn của Nga khoảng 163 triệu USD, tức khoảng gần 6,3 triệu USD cho một quả 3M-14T Kalibr dội xuống Syria, trong khi con số thiệt hại của ISIS từ những vụ nã tên lửa hành trình này không thể xác minh được.
Nga phóng tên lửa hành trình 3M-14T Kalibr tiêu diệt ISIS, một động thái chào hàng vũ khí. Ảnh: Sputnik News. |
Động cơ cũng như mục đích của các siêu cường đằng sau các cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (còn gọi là ISIS hoặc IS) chưa chắc đã hoàn toàn giống như tuyên truyền, trong đó tiếp thị và buôn bán vũ khí qua cuộc chiến chống khủng bố là một mục đích quan trọng.
Chuyên gia về vũ khí Nic Jenzen-Jones - Giám đốc Công ty Dịch vụ Tư vấn Tình báo và Nghiên cứu Vũ khí (ARES) cùng phóng viên Thomas Martienssen của hãng BBC đã có một cuộc hành trình trong vòng 3 năm để tìm hiểu vấn đề buôn bán vũ khí trên thế giới và ngày 8/12 đã có bài phân tích, tổng kết với nhan đề: Cuộc hành trình của một khẩu súng trường từ Bỉ đến Gaza.
Theo những thông tin các tác giả cung cấp, có thể thấy tất cả những nước đang đứng ở vị trí hàng đầu của liên minh quốc tế chống khủng bố đều có dính dáng đến việc tiếp tay cho khủng bố bằng việc cung cấp, mua bán vũ khi với chúng qua những tay lái buôn vũ khí thế giới, thậm chí còn mang tầm cỡ lái súng quốc tế.
Trong cuộc nội chiến ở Libya thì cả hai lực lượng – quân đội của Gaddafi và phe nổi dậy - đều sử dụng hai loại vũ khí hiếm: F2000 của Bỉ và AK-103 của Nga. Các chuyên gia đã tìm hiểu chi tiết về đường đi của từng loại vũ khí này đến tới tay những kẻ khủng bố, bằng việc tìm những tài liệu chứng minh những đường dây đưa vũ khí vào Libya.
Người ta cung cấp vũ khí để chế độ Gaddafi trang bị đến tận răng, rồi làm cho nó sự sụp đổ nhanh chóng vào năm 2011, để lại những kho vũ khí rất lớn và với “một chế độ, hai nhà nước” ở Libya không thể quản lý nổi nên các loại vũ khí ấy đã được bán cho các lực lượng khủng bố trên khắp thế giới - các tác giả kết luận.
Trung Quốc cũng đã từng bị phát hiện buôn bán vụ khí tại Nam Sudan, Mỹ thì tạo sức mạnh cho hai chế độ đồng minh tại Iraq và Afghanistan bằng vũ khí của chính mình. Từ Libya, Nam Sudan, nhìn sang Yemen, Iraq, Syria – những quốc gia đang bị hoành hành bởi xung đột vũ trang và nội chiến – chúng ta không khỏi rùng mình khi hình dung ra hoạt động buôn bán vũ khí tại những nơi này.
Những tố cáo qua lại lẫn nhau giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tạo sức sống cho lực lượng khủng bố IS, có lẽ không cần phải nêu dẫn chứng cũng có thể biết được giá trị của sự thật, và rõ ràng “cháy nhà ra mặt chuột”.
Với những sự thật được phơi bày, có lẽ ai cũng phải thốt lên rằng: Như thế này thì biết đến bao giờ mới chiến thắng được chủ nghĩa khủng bố? Những nước hô hào chống khủng bố, tổ chức chống khủng bố lại là nước bán vũ khí cho khủng bố. Phương ngôn có câu, "thật thà cũng thể lái trâu" quả không ngoa trong trường hợp này.
Thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng
Tính hai mặt trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố đã đánh đổi sinh mạng của biết bao người dân vô tội và hiện nay người dân ở hầu hết các nơi trên thế giới đều sống trong bất ổn, lo lắng vì sự đe dọa của các hành động khủng bố kinh hoàng.
Đài VOA ngày 11/12 cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có chuyến công du Moscow tuần tới để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho Syria. Những cuộc thảo luận của ông Kerry với iới chức Nga diễn ra vào thời điểm có nhiều hoạt động cả quân sự lẫn ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Mặc dù cả Mỹ và Nga đều đang tiến hành cuộc chiến chống ISIS ở Syria, nhưng hai bên không thể hợp tác với nhau vì chống khủng bố chỉ là "chuyện nhỏ". Chuyện lớn hơn với 2 siêu cường này là sự tồn vong của chính quyền Bashar al- Assad. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khủng hoảng Nga - Thổ hiện nay.
Nhà phân tích Elie Abouaoun nói với VOA: "Tôi không thấy có điểm chung nào giữa chính sách của Nga và Hoa Kỳ tại Syria, ngoại trừ một phần rất nhỏ là chiến đấu chống lại ISIS". Cũng giống như cuộc khủng hoảng Ukraine, Syria đang rơi vào vòng xoáy của bạo lực nội chiến lẫn khủng bố không lối thoát.
ISIS thì chưa thấy bị tiêu diệt, nhưng đất nước Syria đã hoang tàn, dân tình điêu linh vì bom đạn "chống khủng bố". Ảnh: AP. |
Năm 1943 tại Tehran, các nhà lãnh đạo các nước Anh, Mỹ và Liên Xô đã họp bàn để quyết định phối hợp chống lại chủ nghĩa phát xít Hitler. "Roosevelt, Churchill và Stalin đã đặt quả bóng lăn cho đêm chung kết lớn: Anh, Mỹ và Nga đang bị ràng buộc với nhau trong sự hiệp nhất bất khả chiến bại", BBC ngày 10/12 thuật lại.
Đã hơn 70 năm trôi qua kể từ Hội nghị Tehran, thông điệp liên bang năm nay của Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã hình thành một mặt trận giữa các nước có rất nhiều khác nhau trong hệ thống chính trị, nhưng họ đã có thể đặt sang một bên những khác biệt để chống lại chủ nghĩa phát xít. Những gì chúng ta cần bây giờ là cùng đặt sang một bên những khác biệt để cùng nhau chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế".
Tuy nhiên, theo giới quan sát thì không có nhiều cơ hội cho điều này trở thành sự thật để mang lại “hồng phúc’cho nhân loại. Mà nguyên nhân là khác biệt về mục đích ý đồ chiến lược của các bên trong cùng một hoạt động mang tên "chống khủng bố". Nước nào cũng có tính toán riêng khi kêu gọi tham gia một công việc chung, bởi vậy người xưa mới nói vế thứ 2 của phương ngôn: Thương nhau cũng thể con dâu, mẹ chồng!
Cựu Thủ tướng của ông Putin, Mikhail Kasyanov, nghi ngờ ẩn ý của Kremlin trong việc tìm kiếm sự hiệp nhất bất khả chiến bại: "Ông Putin rất muốn hợp tác với phương Tây. Đầu tiên là để làm nhẹ đi các biện pháp trừng phạt mà Nga đang phải hứng chịu. Thứ hai, để chứng minh rằng những gì xảy ra trên thế giới này nếu không có Nga không thì không thể giải quyết được…”
Điện Kremlin không được chuẩn bị để bảo đảm sự thống nhất bất khả chiến bại với bất cứ giá nào. Trong khi Hoa Kỳ, Anh và Pháp xem Tổng thống Syria Assad hiện nay là một trở ngại đối với kế hoạch hòa bình của họ và yêu cầu Nga phải chấm dứt hỗ trợ cho ông ta, nhưng với Nga thì mọi giải pháp cho Syria phải đảm bảo cho Assad vẫn nắm quyền ở Damascus, để Nga duy trì ảnh hưởng ở đó.
Ở một khia cạnh khác, quan điểm giữa các bên rất khác nhau trong những nỗ lực cho một liên minh chống khủng bố.
"Chúng ta không có tầm nhìn chung nên chúng ta không có một chiến lược chung. Hơn nữa, hầu hết các bên tham gia vào cuộc xung đột này không có sự tin tưởng lẫn nhau, từ đó tạo nên mâu thuẫn nghiêm trọng. Với sự tập trung của quân đội trong khu vực, sức mạnh quân sự tuyệt đối tạo ra rủi ro. Cả Washington, Moscow hay London, làm thế nào để kết thúc toàn bộ vấn đề này", ông Andrei Kortunov, một thành viên trong Hội đồng quan hệ quốc tế của Nga, đã cho BBC biết như vậy.
"Vấn đề là ở các quốc gia, Hoa Kỳ và cả Vương quốc Anh nữa, họ đã cố gắng sử dụng tình hình không ổn định để thúc đẩy lợi ích cho riêng mình. Họ xem họ là các quốc gia hàng đầu nắm giữ quyền sống của các quốc gia khác, có quyền xác định ai đúng ai sai và quyết định ai sẽ là người nắm quyền lực. Điều này là hoàn toàn sai lầm, làm sao chúng tôi tin họ được", ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga nêu quan điểm.
Chỉ riêng ở nước Nga mà việc gạt bỏ khác biệt, thành lập liên minh quốc tế chống khủng bố với phương Tây mà đã có tới nhiều luồng ý kiến khác nhau như vậy. Thử hỏi việc kết nối với những người ở phía bên kia thì làm sao mà thành hiện thực được. Và chủ nghĩa khủng bố vẫn được dung dưỡng và mặc sức tung hoành.