Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” được ví von là “Hội nghị diên hồng” giữa người đứng đầu Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.
Tuy nhiên qua những phát biểu thẳng thắn tại hội nghị của nhiều đại diện hiệp hội, doanh nghiệp cho thấy còn nhiều bất cập ở bộ máy quản lý nhà nước và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Chính phủ còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới.
Nhìn vào những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ so với phần còn lại là các bộ, ngành, địa phương chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: “Chính phủ đang phải đẩy một chiếc xe ì ạch, chết máy giữa đường”.
Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong năm vừa qua. ảnh: H.Lực. |
Chính phủ năng động
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định: “Qua hơn một năm dưới sự điều hành, có thể thấy Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một Chính phủ năng động, quyết liệt.
Bản thân Thủ tướng là người năng động, luôn dành nhiều thời gian xuống cơ sở, xuống địa phương để trực tiếp đôn đốc, thúc đẩy sự thay đổi”.
Ngay rạng sáng 27/9/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và một số lãnh đạo đã có mặt tại chợ đầu mối rau quả Long Biên, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ở đây Thủ tướng trực tiếp trò chuyện chia sẻ với bà con tiểu thương cần quan tâm đến sức khoẻ người tiêu dùng mà cụ thể là không nên kinh doanh những loại rau củ quả không đảm bảo chất lượng, có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích không đạt chuẩn và nhập khẩu từ nơi có chất lượng không tốt.
Cũng với cung cách bình dị như vậy, ngày 8/10/2016, đoàn xe của Thủ tướng cùng lãnh đạo Thành phố Hồ Chính Minh hướng về huyện Bình Chánh trong cơn mưa lớn.
Trong chuyến đi khi ghé thăm cơ sở chế biến suất ăn Tú Anh ở Vĩnh Lộc A (Bình Chánh), Thủ tướng đã đi thẳng vào bếp, tự tay bốc một miếng cơm trên khay vừa xới, nếm thử và nhận xét: "Cơm ngon, thức ăn hấp dẫn, nhưng phải chế biến sạch nhé! Cái khay tôi sờ vào còn trơn mỡ đấy".
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng Chính phủ dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đạt được nhiều thành tựu quan trọng - ảnh: H.Lực. |
Những chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang đến cho chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành hai cảm nhận:
Thứ nhất, vui vì sự quan quan tâm sát sao của Thủ tướng đến những vấn đề nóng của xã hội đặc biệt là an toàn thực phẩm.
Thứ hai, buồn vì có cảm giác việc gì cũng phải Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào cuộc.
Ngay tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vừa qua theo ông Bùi Kiến Thành rất nhiều ý kiến đánh giá thẳng thắn của đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đưa ra cho thấy sự trì trệ, ì ạch của bộ máy cấp dưới.
Đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng doanh nghiệp yếu kém |
Đơn cử như trong bài tham luận của ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ, trong đó bức xúc nhất là gánh nặng chi phí.
Trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp thường xuyên bị kiểm tra như thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy…doanh nghiệp còn phải chi các khoản không chính thức.
Chi phí còn cao khiến giá thành sản phẩm cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp, nhưng khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất.
Một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, không coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.
Do đó, doanh nghiệp phải “đi đêm”, “chung chi’”, theo tinh thần “của công chia ba, của nhà chia đôi”.
Hay như trong phát biểu của ông Nguyễn Hữu Đệ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam thì có đến 50% cán bộ đi chơi, ngồi “bói chữ” nhiều hơn là làm.
Vấn đề then chốt là con người
Ông Bùi Kiến Thành ví von rằng thực trạng của nền kinh tế hiện nay cũng giống như bắt buộc phải tìm ra lỗi ở một chiếc xe để khắc phục triệt để.
“Muốn làm được việc ấy vấn đề nhân sự con người hết sức quan trọng. Phải có cơ chế chọn được người tài. Muốn có người tài phải qua thi tuyển công khai đồng thời phải có chế độ đãi ngộ tốt, cơ chế làm việc minh bạch”, ông Thành cho biết.
Ông Thành cho rằng thông điệp Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, Chính phủ liêm chính phục vụ người dân doanh nghiệp được đưa ra rất đúng đắn nhưng đã có bao nhiêu bộ, ngành, địa phương hiểu được thông điệp đó. Nếu đã hiểu được thì đã được những gì?
Theo ông Thành, Chính phủ đưa ra thông điệp Chính phủ kiến tạo không chỉ là khẩu hiệu mà thể hiện bằng hành động.
Cụ thể, ngay sau “Hội nghị Diên hồng” lần thứ nhất với doanh nghiệp năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, việc ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong thời gian ngắn “kỷ lục”.
Doanh nghiệp không cần tiền của nhà nước mà cần pháp lý hỗ trợ, cơ chế vững chắc |
Kết quả khảo sát nhanh của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 cho thấy có 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong nghị quyết là “tương đối tích cực”, “tích cực” và “rất tích cực”, chỉ có 25% doanh nghiệp cho biết chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp này.
Hiệu ứng Nghị quyết 35 đưa đến năm 2016 có trên 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, cao nhất về số lượng từ trước đến nay với số vốn đăng ký đạt 891.000 tỷ đồng tăng gần 49% so với năm 2015, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động hơn 26.600 doanh nghiệp, tăng 43% so với 2015.
Theo ông Thành những kết quả đạt thể hiện qua con số đánh giá trên cho thấy chủ trương đúng đắn của Chính phủ, tuy nhiên như doanh nghiệp nhận định nhiều nơi còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh” chuyển động của một số bộ ngành, địa phương còn chậm.
Một số bộ ngành vì lợi ích cục bộ, chưa thực sự thay đổi về nhận thức, cơ chế chính sách phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực.
Đặc biệt là chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore.
Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines.
Về chi phí không chính thức, theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì có đến 66% trong số 11.000 doanh nghiệp phải trả loại phí này.
“Bức tranh trên cho thấy Chính phủ cần có và tăng chế tài xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức gây nhũng nhiễu doanh nghiệp không thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 35. Làm sao cơ chế bộ máy phải “trên bảo dưới nghe” để không còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, trên thì cởi trói dưới thì thắt lại”, ông Thành cho biết.
Theo ông Thành trong xử lý cán bộ không chỉ ở góc độ Đảng mà cần phải làm rõ trách nhiệm xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự nêu vi phạm nghiêm trọng.