Ngày 6/12 vừa qua Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 185 quy định kể từ ngày 6/12 điều chỉnh mức thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng xăng dầu theo hướng tăng lên để bù cho khoản thâm hụt ngân sách. Cụ thể, thuế nhập khẩu xăng các loại tăng từ 18 - 27%; dầu tăng từ 14 - 26% tùy loại.
Việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu nhằm đối phó với việc giá dầu thô giảm mạnh, dẫn đến nguồn thu xuất khẩu dầu thô và thu thuế nhập khẩu đều giảm. Tuy nhiên liệu giải pháp này có mang lại lời giải thâm hụt thu ngân sách hay người tiêu dùng vẫn tiếp tục chịu thiệt?
Liên quan vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi đến độc giả những phân tích nhận định của PGS.TS Phạm Quý Thọ về chính sách điều hành giá xăng dầu hiện nay.
Tăng thuế nhập khẩu xăng dầu: Doanh nghiệp không bị ảnh hưởng?
Giá xăng dầu giảm ảnh hưởng nguồn thu của những nước xuất khẩu dầu mỏ trong đó có Việt Nam. Trong quá khứ có thời điểm giá xăng dầu lên đến mức 200 USD/thùng mang lại nguồn thu lớn cho các nước xuất khẩu dầu mỏ. Dù chúng ta xuất khẩu dầu mỏ dạng thô, khai thác chưa thực sự hiệu quả do chi phí lớn nhưng dầu mỏ mang lại nguồn thu ngân sách rất lớn.
Giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục giảm sâu trong thời gian qua thậm chí giảm xuống mức 60 USD/thùng ảnh hưởng đến nguồn thu của Nga, Venezuela. Việc giá xăng dầu thế giới giảm sâu buộc giá xăng dầu trong nước phải giảm. Tuy nhiên phải khẳng định giá xăng dầu trong nước hiện nay đã giảm nhiều nhưng vẫn cao hơn giá xăng dầu các nước.
Tăng thuế nhập khẩu xăng dầu thực chất là đánh thuế túi người tiêu dùng (ảnh minh họa) |
Đặt lại vấn đề khi giá xăng dầu thế giới tăng, giá dầu trong nước cũng được đẩy lên cao, dư luận từng đặt ra vấn đề có những sức ép của doanh nghiệp xăng dầu với cơ quan điều hành giá, trong đó người ta cho rằng có lợi ích nhóm trong điều hành giá này.
Từ ý kiến của cử tri, vấn đề điều hành giá xăng dầu được bàn đi bàn lại cuối cùng Chính phủ phải ban hành một Nghị định riêng về điều hành giá mặt hàng này, đó là Nghị đinh 83. Theo đó Nghị định 83 giúp minh bách hóa giá xăng dầu, quy trình tăng giảm giá xăng dầu theo giá thị trường thế giới.
Tuy nhiên trong tình hình giá xăng dầu giảm sâu như thời gian qua buộc giá xăng dầu trong nước giảm. Việt Nam trong vai trò vừa là nước xuất khẩu vừa là nước nhập khẩu xăng dầu vì vậy khi giá xăng dầu giảm sẻ ảnh hưởng nguồn thu ngân sách. Theo tính toán giá xăng giảm 1.000 đồng/lít ảnh hưởng hụt thu ngân sách 1.000 tỷ đồng.
Trước tình hình này cơ quan quản lý quyết định không giảm giá xăng dầu trong nước nữa, thay vào đó đánh thuế xăng dầu đầu vào. Quyết định này đi ngược lại chính quy định trong nghị định điều hành giá xăng dầu (điều chỉnh tăng, giảm giá xăng dầu trong vòng 15 ngày), hơn nữa nói là đánh thuế xăng dầu như thực tế là đánh thuế vào túi người tiêu dùng. Phần giá xăng dầu được giảm thì nhà nước lại đánh thuế nhập khẩu, tiền thuế doanh nghiệp nộp cho nhà nước thực ra từ túi người tiêu dùng.
Theo tính toán, thuế hiện nay chiếm hơn 35% trong giá thành một lít xăng, điều này có nghĩa với xăng RON 92 được niêm yết là 19.930 đồng/lít, trong đó khoảng 6.000 đồng do thuế.
Việc đánh thuế nhập khẩu xăng dầu doanh nghiệp không được lợi cũng không thiệt hại, người thiệt chỉ có người tiêu dùng vì phải mua xăng dầu giá cao hơn nhiều so với người dân các nước khác.
Một vấn đề về quản lý giá xăng dầu đó là phải tạo ra các chủ thể kinh doanh độc lập. Nói cách khác xăng dầu hiện nay đang ở thế độc quyền của Petrolimex, chưa có cuộc cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp xăng dầu do thị phần Petrolimex chi phối. Thực chất không có cạnh tranh về giá giữa doanh nghiệp.
Tiếp đà giá xăng dầu giảm chắc chắn doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xăng dầu sẽ gặp khó khăn thua lỗ, sức ép doanh nghiệp lớn dẫn đến rút lui khỏi thị trường. Thế độc quyền của Petrolimex càng được củng cố. Trong nền kinh tế thị trường nếu doanh nghiệp độc quyền một mặt hàng thì vấn đề điều hành quản lý giá rất khó khăn.
Bài toán không dễ
Vậy trước việc giá xăng dầu giảm nhà nước cần làm gì để vừa đảm bảo thu ngân sách vừa không ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng, đây là bài toán không dễ trả lời, giải pháp phải bằng nhiều cách.
Hiện nay nhà nước đang tính tăng thuế mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá… Hay như việc giá tiêu dùng giảm liên tục người ta đang nghĩ đến việc tăng tổng cầu mong người dân “mở hầu bao” để tăng chi tiêu dùng, tăng đầu tư. Tuy nhiên nếu chỉ đơn thuần những giải pháp như vậy không giải quyết được vấn đề thâm hụt ngân sách.
Trước hết phải tiết kiệm chi tiêu, giảm chi tiêu, nói đúng hơn tinh giản biên chế, sắp xếp lại lao động trong các đơn vị hành chính công quyền…Nhưng để làm được việc này không dễ vì liên quan vấn đề lợi ích. Vừa qua cố gắng lắm chúng ta đề ra năm 2015 không tăng biên chế còn không thể giảm được. Cùng với tinh giản biên chế là vấn đề chống tham nhũng lãng phí.
Tiếp đó phương án khoán chi, chuyến một số đơn vị sự nghiệp có thu, bán thu sang loại hình doanh nghiệp… Tất cả vấn đề này chúng ta đã làm nhưng không mang lại hiệu quả. Vì thế vấn đề phải làm sao để nền kinh tế phát triển, muốn như vậy phải khôi phục sản xuất trong doanh nghiệp. Để sau đó doanh nghiệp làm ăn có lãi thu thuế từ doanh nghiệp. Muốn doanh nghiệp khôi phục thì phải khơi thông nguồn vốn, giảm lãi suất để doanh nghiệp tiếp cận vốn.