Bánh Danisa "nhái" như thật
Ngày 1/4, VTV đưa tin về việc phát hiện bánh Danisa của Đan Mạch bị làm nhái thành Dalina. Ngoài vỏ bề ngoài na ná hộp bánh thật để đánh lừa thị giác người mua thì sản phẩm bên trong của hộp bánh nhái hàng cao cấp chỉ là những túi ni-lông đựng những chiếc bánh quy có khối lượng tịnh từ 250 - 350g. Tuy nhiên, giá tiền mà người tiêu dùng bỏ ra thì vẫn được tính bằng giá hộp bánh Danisa thật trong khi theo chủ sản xuất, giá trị của nó chỉ khoảng 15.000 đồng/hộp.
Khi PV điện thoại đến cơ sở sản xuất để đặt mua thì người phụ nữ ở đầu dây bên kia cho biết bánh chỉ được làm vào dịp tết. Tìm đến địa chỉ ghi trên bao bì, cơ sở sản xuất những hộp bánh Dalina nhái này nằm sâu trong một xã thuộc huyện Bình Chánh (TP.HCM). Tại cơ sở sản xuất, không còn dấu tích của bánh Dalina. Trong xưởng, những người đàn ông cởi trần, không bao tay, không khẩu trang đang cố xoay chuyển những thùng bột to.
|
Hộp bánh Dalina được làm nhái thương hiệu bánh Danisa của Đan Mạch. (Ảnh cắt từ clip VTV). |
Tái xuất thịt lợn chín hóa màu đỏ bất thường ở Nghệ An
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 31/3 đưa tin, chị Nguyễn Thị An (SN 1979, trú tại số 72, đường Đốc Thiết, TP. Vinh, Nghệ An) cho biết, ngày 28/3 chị ra cửa hàng bán thịt lợn quen mua 300 gr (3 lạng) thịt ba chỉ về dùng.
Về nhà, chị An đã luộc số thịt lợn trên để ăn. Khi luộc chín, thịt lợn không có biểu hiện gì lạ nên gia đình chị vẫn sử dụng bình thường. Sau bữa ăn, chị An mang phần thịt lợn luộc sử dụng chưa hết bỏ vào ngăn mát của tủ lạnh.
Đến bữa ăn chiều ngày 29/3, chị An lấy miếng thịt lợn luộc còn thừa hôm trước trong tủ lạnh ra dùng thì phát hiện trên bề mặt thịt xuất hiện nhiều nốt đỏ và có nước màu hồng nhạt chảy ra như máu.
Trước đó, tình trạng thịt lợn chín chuyển sang màu đỏ đã diễn ra tại Hà Tĩnh, theo kết quả kiểm nghiệm của Viện kiểm nghiệm VSATTP Quốc gia hiện tượng thịt lợn luộc chín xuất hiện màu đỏ lạ do vi khuẩn S.marcescens gây ra hiện tường trên.
|
Số thịt lợn sau khi luộc chín chưa sử dụng hết được chị An đem cất vào tủ lạnh đã chuyển màu đỏ bất thường. |
Ông Phan Văn Hùng - Chi Cục trưởng VSATTP Hà Tĩnh cho biết: "Loại vi khuẩn này khá phổ biến. Nó thường được tìm thấy trong đất, nước, thực vật và động vật. Phương thức lây truyền của vi sinh vật này bằng cách liên hệ trực tiếp hoặc bằng ống thông. Nó có thể gây nên bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não và áp xe não, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng mắt. Chúng xâm nhập vào thức ăn từ môi trường không khí, nước, người bệnh".
Tự chế thuốc tăng trọng cho trẻ
Theo thông tin trên tờ An ninh Thủ đô, lợi dụng việc nhẹ dạ cả tin của nhiều bà mẹ, Phạm Ngân Hà, quê Kiến An (Hải Phòng) đã làm quen và kết nối với hàng trăm thành viên trong Hội Mẹ và Bé ở Hải Phòng qua facebook, để thực hiện hành vi bán thuốc tăng cân nguy hại cho trẻ của mình.
Sau khi biết được loại thuốc kháng viêm có tác dụng phụ kích thích trẻ ăn, Hà đã mua về và bóc nhãn mác, rồi tự gõ tiếng Đức, in ra dán vào túi thuốc, hòng lừa người thân của bệnh nhân.
|
Thuốc Prednisolone chỉ định kháng viêm, nhưng Phạm Ngân Hà đã biến thành thuốc tăng cân cho trẻ. |
Qua điều tra cho thấy phụ nữ này có dấu hiệu lừa đảo. Thực chất loại thuốc mà thị bán là thuốc Tây có tên Prednisolon. Thuốc này được bác sĩ chỉ định kê đơn dùng phối hợp với một vài loại thuốc kháng sinh khác để điều trị chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc này quá liều và lâu dài có thể dẫn đến một số tác dụng phụ.
Thực phẩm chức năng... biến thành "thần dược"
Tờ Lao động đưa tin, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, những lô thực phẩm chức năng (TPCN) được Cơ quan Quản lý thuốc và dược phẩm Mỹ thông báo thu hồi vì bị phát hiện có chứa các hoạt chất cấm sử dụng trong thực phẩm sibutramine, phenolphthalein (gây nhiều tác dụng không mong muốn như làm tăng huyết áp, gây nhịp tim không ổn định, co thắt cơ, ung thư, rối loạn dạ dày...) hoàn toàn chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Thế nhưng, những loại TPCN này vẫn được bán tràn lan.
Tại Hà Nội, một loại viên uống có tên là VitC được gọi là “phù thủy giảm cân” đang được nhiều chị em rỉ tai nhau mua về sử dụng vì nghe theo lời quảng cáo VitC có tác dụng giảm béo thần kỳ, có thể giúp giảm tới hơn 10kg trong một tháng sử dụng, thậm chí có người giảm 6kg chỉ trong 10 ngày dùng thuốc mà không cần kiêng khem, tập thể dục hay bất cứ chỉ định, hướng dẫn gì của bác sĩ.
|
Thuốc giảm cân “siêu tốc” có xuất xứ từ Thái Lan được rao bán tràn lan trên thị trường. Ảnh: Phi Long |
Theo thành viên “nguyennga...” trên trang web “enbac...”, VitC có xuất xứ từ Thái Lan, có hai loại: Loại 7 gói dành cho người dưới 60kg sẽ có tác dụng giảm từ 5 - 10kg/28 ngày, loại 8 gói dành cho người trên 60kg sẽ giảm từ 8 - 15kg/28 ngày”.
Bác sĩ Lê Thị Hải - Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng thuộc Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Việc sử dụng các loại viên uống giảm cân mà không theo các chỉ định của bác sĩ sẽ dễ dẫn tới những tác dụng phụ cho người sử dụng, thậm chí là những biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng.
Phát hiện gần 2.700 lọ nước hoa nghi giả thương hiệu nổi tiếng
Báo Hải quan ngày 2/4 đưa tin, Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan TP.HCM cho biết, đơn vị phối hợp với Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện thêm vụ nhập khẩu mỹ phẩm nghi vấn giả mạo các thương hiệu nổi tiếng.
|
Nước hoa NK từ Trung Quốc nhưng trên sản phẩm ghi sản xuất từ Pháp. |
Lô hàng nêu trên do Công ty TNHH TMDV XNK Linh Trần mở tờ khai nhập khẩu vào cuối tháng 3-2014. Trên tờ khai doanh nghiệp khai báo hàng nhập khẩu là bơm nước rung trong bể cá, tấm đan bằng thép không gỉ dạng cuộn, số lượng 530 kiện, xuất xứ Trung Quốc, trị giá 4.787 USD, tiền thuế trên 14 triệu đồng.
Kiểm tra thực tế lô hàng, cơ quan Hải quan phát hiện, ngoài số hàng đúng với khai báo, còn có một lượng lớn (hơn nửa container) hàng không khai báo hải quan, trong đó có 2.659 chai nước hoa mang nhãn hiệu nổi tiếng, như: Calvin Klein; Chalnel; LancÔme, Gucci, xuất xứ Pháp và một số loại không thể hiện xuất xứ./.
Hồng Anh (Tổng hợp)