Tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Lê Minh Hưng vừa chỉ đạo các tổ chức tín dụng (kể cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài) phải tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu.
Đây là lần đầu tiên, một tân Thống đốc NHNN chọn hành động ở lĩnh vực được xem là “nhạy cảm” nhất của các nhà băng hiện nay, đó chính là vấn đề nợ xấu.
Thách thức nợ xấu và các “cây đũa thần”
Nợ xấu, hai từ tưởng chừng rất đỗi bình thường nhưng đã trở thành vấn đề thực sự nan giải trong nhiều năm qua, mà các vị Thống đốc tiền nhiệm của ông Hưng đều rất vất vả để xử lý vấn đề này.
Nhưng nhiều hành động trước đây dẫu quyết liệt đến đâu, các quyết sách dù được thể hiện bằng biện pháp và hình thái khác nhau nhưng “gốc rễ” của vấn đề nợ xấu ở đâu, mức độ nghiêm trọng đến thế nào thì đến nay NHNN vẫn đang loay hoay dùng các giải pháp tạm gọi là “cây đũa thần” để giải quyết.
Hệ thống ngân hàng cần một cuộc đại phẫu, xử lý trách nhiệm của chính cơ quan thanh tra, giám sát NHNN. |
“Cây đũa thần” ở đây chính là Thông tư 19/2013/TT-NHNN ban hành ngày 9/9/2013, quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty TNHH MTV Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) - một định chế tài chính ra đời hoàn toàn mới theoNghị định số 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Trước đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng ban hành Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo chuẩn mực Basel II mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.
Trong năm 2014, để đối phó với tình hình nợ xấu gia tăng vào cuối 2013, NHNN đã ban hành Thông tư số 09/2014/TT-NHNN ngày 18/3/2014, cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục được thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ kể từ ngày 20/3/2014 đến hết ngày 1/4/2015 nhưng mỗi khoản nợ chỉ được cơ cấu lại một lần.
Như vậy, bằng các giải pháp “cây đũa thần” được thiết lập mới, chỉ từ tháng 10/2013 đến ngày 31/12/2014, NHNN đã dùng VAMC thực hiện mua đến 133.555 tỷ đồng dư nợ gốc với giá mua 108.652 tỷ đồng từ 39 TCTD.
Cũng ngay từ đầu năm 2015, nền kinh tế gặp nhiều thách thức vì vấn đề nợ xấu, NHNN đã tiếp tục ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN vào ngày 27/01/2015 về việc tăng cường xử lý nợ xấu của TCTD với các chỉ đạo hết sức cụ thể: VAMC phải có kế hoạch mua 70.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2015; các TCTD phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu cần xử lý trong năm 2015 trước 30/6; thực hiện bán nợ cho VAMC phải đạt tối thiểu 75% trong 6 tháng đầu năm; và các TCTD phải tập trung nguồn lực xử lý nợ xấu.
Tất cả các chỉ đạo điều hành nêu trên của Thống đốc tiền nhiệm đã rõ, thế nhưng đến nay, chỉ có một số nhà băng thực sự quyết liệt và giải quyết hiệu quả trong vấn đề này, còn không ít nhà băng vẫn còn “chậm chân” khi tuyên chiến với nợ xấu.
Nhiều nhà băng trước chỉ đạo của Thống đốc đã tỏ ra phục tùng, nhưng việc thực hiện dường như chỉ dừng lại bằng biện pháp xử lý nghiệp vụ “múa may” trên các bảng cân đối sổ sách tài chính kế toán.
Thậm chí, trong chính những thời điểm trước đây, khi lãnh đạo NHNN quyết liệt nhất trong việc dùng các “cây đũa thần” giải quyết nợ xấu thì ngay chính trong nội bộ NHNN cũng để lộ sơ hở về công tác thanh tra giám sát, khiến cho dư luận hết sức ngạc nhiên về hàng loạt sai phạm liên quan đến nợ xấu tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)…
Và kết thúc các câu chuyện khởi tố, điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm tại các TCTD này, NHNN vẫn còn chưa minh bạch khi chưa công bố việc áp dụng biện pháp xử lý đối với các cá nhân đang đảm nhiệm trọng trách trong Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng Nhà nước - tiền thân là Thanh tra NHNN.
Vì đâu nên nỗi?
Cần nhắc lại, việc điều tra, khởi tố hành vi vi phạm của các ông chủ và nhân viên nhà băng vi phạm pháp luật là điều đúng đắn. Nhưng các sai phạm này bùng nổ với thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng, không thể không nhắc đến vai trò của Cơ quan Thanh tra, Giám sát NHNN.
Bà Nguyễn Thị Hòa (ngồi giữa), người tham gia “từ đầu đến cuối” việc giám sát tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2015 của Eximbank ngày 15/12/2015. |
Dư luận cũng đặt ra thắc mắc vì sao một người từng có tiền án như ông Phạm Công Danh lại chiễm chệ ngồi làm Chủ tịch VNCB để rút ruột ngân hàng này trong thời gian dài?
Tại sao siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như chỉ là Quyền Giám đốc một phòng giao dịch trong VietinBank vẫn dễ dàng qua mặt toàn bộ ban lãnh đạo VietinBank và Cơ quan Thanh tra, Giám sát NHNN để vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng, gây thất thoát trên 4.911 tỷ đồng. Là những vấn đề thật sự quá khó hiểu???
Và mới đây, sự việc tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) lại làm dư luận như “nóng sôi ruột gan” vì ngân hàng này đã báo cáo NHNN số nợ xấu “ảo” lên đến 2.144,46 tỷ đồng, chiếm 2,46% tổng dư nợ.
Tuy nhiên, sự thật nợ xấu tại Eximbank đã bị phát hiện là “múa may” trên bảng cân đối tài chính kế toán khi Cục Thanh tra, Giám sát NHNN tại TP.HCM (Cục II) phát hiện tỷ lệ nợ xấu “thật” tại ngân hàng này vượt đến ngưỡng 7,56% tổng dư nợ khi dự ước nợ xấu trên 6.500 tỷ đồng, một con số quá lớn vì số nợ xấu này đạt mức trên 50% vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng của Eximbank.
Đó là chưa kể trong kỳ Đại hội đồng cổ đông bất thường 2015 của Eximbank tổ chức ngày 15/12/2015 với sự tham gia “từ đầu đến cuối” của bà Nguyễn Thị Hòa - Phó Chánh Thanh tra, Giám sát NHNN và ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN, phụ trách lãnh đạo trực tiếp Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN, thì đã xảy ra sự việc gian lận sửa đổi phiếu bầu, ông Lê Minh Quốc từ chỗ “rớt” đã thành “đậu”, trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank.
Tóm lại, chỉ cần “bóc tách” một phi vụ nhỏ về cổ phiếu đề cử của ông Lê Minh Quốc cũng cho thấy ông này không đủ tiêu chuẩn ứng cử vào thành viên Hội đồng quản trị Eximbank, thế nhưng Cơ quan Thanh tra, Giám sát NHNN vẫn “lặng lẽ” để lọt khe trường hợp này là điều đáng tiếc.
Một Chủ tịch nhà băng được ngồi trên đỉnh cao quyền lực nhưng lại bị tố gian lận phiếu bầu, không đủ cơ sở pháp lý… thì làm sao hàng ngày có thể rao giảng đạo đức với các nhân viên ngân hàng trong việc đề cao tính tuân thủ pháp luật.
Và nếu lãnh đạo NHNN tiếp tục “phớt lờ” dư luận, để mọi tố giác của cổ đông chìm xuồng theo thời gian thì điều này càng nguy hiểm gấp bội phần. Nợ xấu chính là hệ quả tiêu cực của một quá trình giám sát lỏng lẻo, bất tuân pháp luật của chính Cơ quan Thanh tra, Giám sát NHNN. Ai sẽ chịu trách nhiệm về những hậu quả khôn lường trong tương lai?
Ông Nguyễn Phước Thanh (thứ 2 từ trái qua), Phó Thống đốc NHNN trao đổi với các đại biểu tham dự ĐHCĐ bất thường Eximbank ngày 15/12/2015. Ông Phước Thanh cũng là người tham dự phiên họp Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020 lần đầu tiên. |
Năm 2016 đã mở ra một bức tranh mới với nhiều kỳ vọng nhưng không ít lo toan cho hoạt động của các ngân hàng trong nước. Và mọi người càng kỳ vọng tân Thống đốc NHNN cần quyết tâm giải quyết căn cơ “gốc rễ” vấn đề nợ xấu.
Và để giải quyết căn cơ “gốc rễ” vấn đề này, bên cạnh những “cây đũa thần” đang có trong tay và các biện pháp xử lý kinh tế vĩ mô, thiết nghĩ vấn đề mà người đứng đầu NHNN cần mạnh tay nhất chính là việc rà soát trách nhiệm của những người thuộc cấp, xử lý công khai trước các hành vi thiếu trách nhiệm công quyền.
Đừng để những ông quan thanh tra, giám sát ngân hàng “vô trách nhiệm” tiếp tục “lừa trên, gạt dưới”, tạo ra những thế hệ quản trị ngân hàng “đứng trên luật pháp” như kiểu Phạm Công Danh, siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn.
Đừng để những con người không có tiền, chỉ giỏi trong việc hình thành nhóm lợi ích tiếp tục thao túng các ngân hàng bằng những thủ đoạn tinh vi. Một thực tế cho thấy rằng, cũng như Phạm Công Danh, các cổ đông không có tiền thường sẽ chỉ biết rút ruột ngân hàng và tiếp tục gây ra các khoản nợ xấu, làm lũng đoạn hệ thống tài chính của cả quốc gia.
Đôi khi, những nhà lãnh đạo có tâm và tầm cần biết gạt bỏ những xu nịnh từ thuộc cấp. Bởi vì những xu nịnh này đang gián tiếp và trực tiếp tạo ra nợ xấu - Một căn bệnh ung thư nguy hiểm nhất mà ngành ngân hàng cần sớm xử lý dứt điểm.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã đề nghị các TCTD thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị số 02 để về tăng cường bảo đảm an toàn và tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu; kiểm soát, bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững, dưới 3% tổng dư nợ. Song song đó, người đứng đầu NHNN cũng yêu cầu các TCTD tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC, đôn đốc thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm, hỗ trợ khởi kiện khách hàng và phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc thi hành các bản án có hiệu lực và các hình thức khác; kiểm soát chất lượng tín dụng và nợ xấu, nợ quá hạn. |