Trong phiên trả lời chất vấn của đại biểu QH chiều nay (24/11), xoay quanh các vấn đề về các giải pháp tái cơ cấu ngân hàng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình dẫn lời một đại biểu Đà Nẵng đã từng nói: Tái cấu trúc ngân hàng phải như phun thuốc trừ sâu cho lúa. Làm sao để lúa vẫn xanh tốt mà sâu bệnh lại diệt trừ được. "Đánh chuột nhưng không được vỡ bình, có nghĩa là đạt mục tiêu nhưng phải ổn định và vẫn là trụ cột cho nền kinh tế nước nhà”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Tái cấu trúc ngân hàng phải như “phun thuốc trừ sâu cho lúa”
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình. |
Trước ý kiến của các đại biểu QH cho rằng: Ở Việt Nam có nhiều ngân hàng quá. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận: “Chúng ta đang thừa ngân hàng có quy mô nhỏ, thừa ngân hàng có tình hình tài chính không lành mạnh nhưng chúng ta đang rất thiếu dịch vụ ngân hàng”.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Trên thế giới, với hệ thống ngân hàng có dịch vụ ngân hàng đạt chuẩn thì cứ 1.000 người dân phải có 1 điểm giao dịch ngân hàng. Nhưng tại Việt Nam, hiện nay, tất cả các chi nhánh của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước chỉ có khoảng 2.500 chi nhánh, 5.500 điểm giao dịch của tất cả các tổ chức tín dụng dưới mọi loại hình.
“Như vậy, chúng ta có khoảng gần 9.000 các điểm giao dịch của hệ thống ngân hàng. So với số dân 87 triệu dân và sắp tới có thể có thể lên tới 100 - 120 triệu dân, tỷ lệ này là quá thấp so với dân số của Việt Nam” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình kết luận.
Do đó, việc cần làm của NHNN hiện nay, theo thống đốc Bình là: Làm sao cho hệ thống ngân hàng lành mạnh nhưng cũng phải cung cấp đủ dịch vụ cho người dân trong thời gian sắp tới.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, NHNN cũng gặp không ít khó khăn. Thống đốc Bình chia sẻ: “Trong việc tái cấu trúc ngân hàng, khó khăn chủ yếu hiện nay là ở khâu tái cấu trúc lại các tổ chức tín dụng có tình hình tài chính đang yếu kém. Như có đại biểu Đà Nẵng đã từng nói: Tái cấu trúc ngân hàng phải như phun thuốc trừ sâu cho lúa. Làm sao để lúa vẫn xanh tốt mà sâu bệnh lại diệt trừ được. Hay như ông cha ta vẫn nói: Đánh chuột nhưng không được vỡ bình, có nghĩa là đạt mục tiêu nhưng phải ổn định và vẫn là trụ cột cho nền kinh tế nước nhà”.
Nhiều người cho rằng: hệ thống ngân hàng cần tái cấu trúc vì đã quá yếu kém, tuy nhiên, Thống đốc Bình thừa nhận có yếu kém song ông nhấn mạnh: “Chưa tới mức độ nguy hiểm như vậy”.
Ông giải thích: “Ngân hàng thế giới cũng hết sức chao đảo trong thời gian vừa qua nhưng ngân hàng Việt Nam đứng trước các khủng hoảng của khu vực từ năm 1996 – 1997 và đứng vững trong khủng hoảng kinh tế vừa qua 2008 – 2009. Cho tới giờ phút này, mặc dù còn yếu kếm nhưng cách đây 1 tuần ngân hàng ngoại thương vẫn phát hành được trái phiếu của mình ra quốc tế với giá 3.4 vào loại cao nhất nhì thế giới”.
Điều đó để chứng minh một điều rằng: Chúng ta còn yếu kém nhưng nhu cầu tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng xuất phát từ bản thân nội tại của nền kinh tế đất nước khi chuyển sang giai đoạn mới.
Tái cấu trúc ngân hàng phải như phun thuốc trừ sâu cho lúa. Làm sao để lúa vẫn xanh tốt mà sâu bệnh lại diệt trừ được. |
Thống đốc Bình cho biết: Tới phiên họp cuối tháng 11 này, Chính phủ sẽ thông qua đề án tái cấu trúc ngân hàng, sau đó sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ chính trị.
Theo dự kiến của NHNN, trong 5 năm sắp tới, trong hệ thống tổ chức các ngân hàng của Việt Nam sẽ có khoảng 2 tổ chức, 2 ngân hàng đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực, có 15 ngân hàng làm trụ cột cho hệ thống ngân hàng.
Do thời gian cuối giờ chiều có hạn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình mới chỉ giải đáp được 2 vấn đề lớn trong số rất nhiều những khúc mắc của các đại biểu quốc hội. Những vấn đề quan tâm còn lại như nguồn vốn cho doanh nghiệp trong năm 2012, quản lý thị trường vàng, xử lý nợ xấu cũng như biện pháp xử lý tổ chức tín dụng, cán bộ nhân viên các ngân hàng vi phạm; giải pháp chống lạm phát nhưng không để nền kinh tế rơi vào trì trệ... sẽ được Thống đốc tiếp tục trả lời trong buổi sáng mai (25/11).
Trước băn khoăn của đại biểu quốc hội về mức trần lãi suất 14% liệu còn phù hợp không trong tình hình kinh tế hiện nay, thống đốc Nguyễn Văn Bình “bật mí”: NHNN đang cùng Chính phủ xem xét vấn đề hạ lãi suất. Ông tự tin khẳng định: “Tháng 11 này, nếu lạm phát dưới 1% sẽ hạ lãi suất”.
Thống đốc Bình cho biết: Ở thời điểm cuối năm 2010, chúng ta quy định 14% đối với tiền gửi có ý nghĩa hết sức tích cực, cả về lý luận khoa học và thực tiễn vì lúc đó đặt ra mục tiêu lạm phát 2011 là 7%.
Tại thời điểm đó, NHNN cũng cho biết: Chúng ta sẽ phấn đấu giữ vững trần lãi suất như vậy, hạ lãi suất cho vay từ 20% như trước đây xuống 17-19%. Và đến nay, điểm lại, chúng ta đã làm được điều đó. Hiện nay, nhiều ngân hàng có chương trình sẵn sàng cho vay hàng nghìn tỷ đồng với mức lãi suất 16% thậm chí cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn ở mức 14%. Như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh đã tiếp cận được với nguồn vốn này.
Tuy nhiên, một số bộ phận khác chưa tiếp cận được nguồn vốn, có 2 lý do: Một là chúng ta vẫn phải kìm chế tốc độ tăng trưởng tín dụng, vì vậy, mặc dù lãi suất có thể xuống nhưng ngân hàng không đủ vốn để cho vay ra. Thứ hai là: Nhiều Ngân hàng thương mại thừa nhận: “chúng tôi đang đốt đuốc đi tìm doanh nghiệp”. Các doanh nghiệp làm ăn lành mạnh rất hiếm để có thể cho vay với một lãi suất thích hợp.
Để mức lãi suất 14% duy trì từ cuối 2010 đến nay, theo thống đốc Bình: Điều không tích cực ở đây là để trần lãi suất quá lâu. Tính chất linh hoạt của trần lãi suất đã mất đi, không phản ánh đúng tính chất cung cầu của thị trường.
“Từ tháng 8 trở lại đây, lạm phát của chúng ta có chiều hướng giảm. Đó là tiền đề, là dấu hiệu, chúng ta có quyền hạ dần mức lãi suất của NHNN.
Dưới sự chỉ đạo cuả Chính phủ, NHNN sẽ có chương trình và kế hoạch xem xét. Nếu tháng 11 này, lạm phát dưới 1% chúng ta có thể hạ lãi suất” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình kết luận.