Người tiêu dùng chuộng thực phẩm lành mạnh sau dịch

26/05/2020 13:42
Theo VnExpress
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhận thức của khách hàng về thực phẩm tốt cho sức khỏe đang tăng do tác động của Covid-19, theo Nielsen Việt Nam.

Vào một ngày đầu tháng 5, chị Hồng Hoa chọn bốn lốc trà thảo mộc cho vào giỏ hàng, trước khi mua tiếp những mặt hàng thiết yếu khác như sữa, trái cây, rau cải trong siêu thị trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Chị tự nhận thói quen này mới hình thành vài tháng trở lại đây. Những lo lắng về sức đề kháng, nhiễm bệnh, nCoV khiến người phụ nữ hai con này bắt đầu ưu tiên chọn những loại thực phẩm, đồ uống được cho là tốt cho sức khỏe.

"Trước tôi cũng hay uống trà thảo mộc nhưng không thường xuyên, chỉ coi như giải khát. Tôi tin Đông y và cũng thấy uống trà này tốt cho sức khỏe, dường như ăn, ngủ ngon hơn", chị nói.

Phong trào tiêu dùng thực phẩm lành mạnh xuất hiện nhiều năm nay. Các nước Âu-Mỹ có Eat Clean, phương Đông có những biện pháp "thực dưỡng". Nhưng phải đến Covid-19, thói quen này mới trở thành một phần cuộc sống người tiêu dùng, khi đại dịch trở thành "hồi chuông" cảnh tỉnh toàn cầu về vai trò của sức khỏe.

Một khách hàng đang chọn thực phẩm tại siêu thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Một khách hàng đang chọn thực phẩm tại siêu thị Thành phố Hồ Chí Minh.

"Trong cuộc sống chúng ta thường muốn nhiều thứ, công danh, tiền bạc, tình yêu nhưng khi đổ bệnh thì chỉ mong cầu sức khỏe. Tôi muốn trang bị cho mình và gia đình đề kháng tốt, để tránh được rủi ro", chị Hồng Hoa chia sẻ.

Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng hậu Covid-19 của Nielsen Việt Nam cho thấy, nhu cầu về các sản phẩm nâng cao sức khỏe và sức đề kháng tăng cao.

Kể cả khi xã hội trở lại nhịp sống bình thường, người dân vẫn sẽ tiếp tục tăng cường đề phòng các vấn đề về sức khỏe, từ đó tạo thay đổi lớn trong hành vi tiêu thụ thực phẩm đồ uống và các mặt hàng tiêu dùng nhanh.

Trong danh sách các mặt hàng được tiêu thụ mạnh thời gian qua, bên cạnh hàng thiết yếu thì thực phẩm bảo vệ sức khỏe được ưu tiên lựa chọn.

Khách hàng chú trọng những động thái giúp gia tăng miễn dịch, giúp họ khỏe mạnh hơn, trong đó bao gồm việc tăng tiêu thụ thực phẩm tươi, thực phẩm và đồ uống tốt cho sức khỏe, có thành phần tăng miễn dịch.

Người tham gia khảo sát của Nielsen Việt Nam đồng thời liệt kê top 5 lợi ích của thực phẩm, đồ uống mà họ cho là quan trọng nhất thời điểm này.

Trong đó bao gồm sản phẩm chứa dinh dưỡng bổ trợ như vitamin C, D, Omega 3 hoặc lợi khuẩn; giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh; làm từ thành phần tự nhiên; sản xuất an toàn; và sản xuất từ những thành phần chất lượng.

Với mặt hàng thiết yếu như sữa, người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu chuyển từ sữa bò thanh trùng hoặc tiệt trùng thông thường sang làm quen và ưa chuộng sữa có nguồn gốc thực vật như sữa mè đen, đậu, óc chó, gạo.

Các doanh nghiệp sữa hàng đầu báo cáo tình trạng phải tăng nhập nguyên liệu để đẩy mạnh nguồn hàng này, đảm bảo nhu cầu của thị trường.

Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát.

Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát.

Ở nhóm nước giải khát, bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát - doanh nghiệp dẫn đầu thị phần trà đóng chai tại Việt Nam cũng xác nhận xu hướng này, từ góc độ nhà sản xuất.

Bà cho biết trong thời dịch, dù doanh số chung sụt giảm do giãn cách xã hội nhưng hai dòng sản phẩm mà Tân Hiệp Phát định hướng tốt cho sức khỏe là Trà xanh không độ Dr. Thanh vẫn nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng.

Tân Hiệp Phát lý giải sức mua trà đóng chai tăng có thể đến từ việc khách hàng chú ý tới công dụng tăng sức đề kháng và phòng ngừa nhiều loại bệnh của nhiều loại thảo mộc theo Đông y.

Trà Dr. Thanh được công bố có thành phần chiết xuất của hoa cúc, la hán quả, tiên thảo, cam thảo, hoa mộc miên, hạ khô thảo, hoa sứ đỏ, bung lai và hoa kim ngân.

Còn hợp chất EGCG ghi trong thành phần của Trà xanh không độ cũng được cho góp phần giảm căng thẳng, giúp tinh thần thư thái, hỗ trợ làm chậm lão hóa.

Ở quy tổng thể, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị người tiêu dùng trên toàn cầu cần duy trì tiêu thụ thực phẩm, đồ uống ít béo, ít đường và ít muối, đồng thời tăng tiêu thụ các nhóm thực phẩm, đồ uống có nhiều vitamin, khoáng chất, hợp chất giúp tăng sức đề kháng.

Nhóm nghiên cứu về thực phẩm và truyền thông tại Đại học Antwerp (Bỉ) vừa công bố kết quả thăm dò 11.000 người tiêu dùng tại 11 quốc gia như Australia, Bỉ, Chile, Hà Lan, Pháp, Áo, Hy Lạp, Canada...

Khảo sát này chỉ ra trong thời gian giãn cách xã hội, người tiêu dùng hình thành thói quen ăn uống lành mạnh hơn, tự nấu ăn và ăn nhiều rau củ quả hơn.

Những thực phẩm tốt cho sức khỏe cũng được ưu tiên lựa chọn kể cả khi người tiêu dùng phải ở nhà nhiều hơn, ngược lại với xu hướng tiêu thụ đồ ăn vặt trong trạng huống bình thường.

Nhóm nghiên cứu này cũng dự báo, kể cả khi Covid-19 qua đi, người tiêu dùng vẫn sẽ duy trì thói quen tiêu thụ thực phẩm tốt cho sức khỏe, cùng với đó là lối sống chan hòa hơn với môi trường, tăng tiêu dùng những sản phẩm từ thiên nhiên.

Theo VnExpress